Theo Bloomberg, trụ sở của Huawei ở Thẩm Quyến được đặt trong tình trạng báo động kể từ giữa tháng 5 khi Mỹ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất chip cho Huawei phải xin giấy phép nếu sử dụng công nghệ của Mỹ.
Quyết định này gây ảnh hưởng nghiêm trọng bởi số chip dự trữ cho các thiết bị viễn thông của Huawei sẽ cạn kiệt ngay đầu năm tới. Ban lãnh đạo công ty gấp gáp tổ chức hàng loạt cuộc họp trong vài tuần qua, nhưng chưa đưa ra giải pháp nào thực sự khả thi.
Huawei vẫn có thể mua vi xử lý của bên thứ ba, nhưng các nhà cung cấp như Samsung hay MediaTek khó đáp ứng được đơn hàng khổng lồ của hãng. Chưa kể, hãng sẽ phải đánh đổi nhiều thứ, như chi phí, tính tương thích và đặc biệt là danh tiếng so với việc tự thiết kế và đặt TSMC sản xuất. Phát triển chip là chiến lược hàng đầu của Huawei để tạo nên sự khác biệt, nên việc phải tìm đến giải pháp của đối thủ là "đòn đau" với Huawei.
Trong suốt một năm qua, sau khi bị đưa vào danh sách thực thể của Mỹ, Huawei chỉ gặp một số phiền toái chứ không bị ảnh hưởng quá nặng nề. Họ vẫn tiếp tục là hãng thiết bị viễn thông số một và nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới. Còn hiện nay, với quy định mới của Mỹ, nỗi sợ của Huawei đã thành hiện thực.
Huawei thành lập công ty con HiSilicon cách đây 16 năm với mục tiêu nghiên cứu và phát triển những bộ vi xử lý thông minh, nhằm tránh phụ thuộc vào bên thứ ba cũng như hình thành nên một hệ sinh thái như Apple. Kết quả là sự ra đời của dòng Kirin cho smartphone, dòng Ascend cho thiết bị AI và dòng Kunpeng cho máy chủ.
Tuy nhiên, tham vọng này đang bị đặt dấu hỏi. Mọi nhà sản xuất chip trên thế giới, từ SCMP ở Đài Loan cho tới SMIC tại Trung Quốc, đều cần đến công nghệ và trang thiết bị của Mỹ (như các giải pháp của công ty Applied Materials) để sản xuất chipset. Vì vậy, những thiết kế vi xử lý cho điện thoại, thiết bị 5G, IoT... của Huawei sẽ chỉ là bản vẽ trên giấy, khi dây chuyền sản xuất cho những thiết kế này cần có giấy phép của Mỹ mới có thể hoạt động.
"Lệnh cấm nhắm thẳng vào những dòng chip do HiSilicon thiết kế - mối đe dọa lớn đối với Mỹ", Edison Lee, chuyên gia phân tích của Jefferies, nói. "Quy định mới sẽ bóp nghẹt HiSilicon và tiếp đến là dập tắt khả năng tạo ra những thiết bị mạng 5G của Huawei".
Lúc này, Huawei không có nhiều lựa chọn. Trong số những lựa chọn ít ỏi còn lại đó, cũng không có giải pháp nào phù hợp cho hãng. Viễn thông là mảng kinh doanh cốt lõi của Huawei và họ đang dẫn đầu thế giới về 5G.
Hồi tháng 2, hãng công bố một loạt giải pháp, sản phẩm để tạo nên những trạm cơ sở 5G có hiệu năng cao nhất. Đòn trừng phạt của Mỹ khiến các trạm cơ sở này có thể sẽ không được xuất xưởng tới tay khách hàng toàn cầu.
Tin tốt là Huawei vẫn còn thời gian bởi họ đã dự trữ đủ chip cho tới cuối năm. Tuy nhiên, theo Charlie Dai, nhà phân tích của Forrester Research, HiSilicon sẽ không thể tiếp tục đưa các sáng tạo của họ ra thế giới cho tới khi họ tìm ra giải pháp thay thế, như tự phát triển công nghệ và hợp tác với các nhà sản xuất địa phương - quá trình có thể sẽ mất hàng năm để hoàn thiện.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận