Điện năng lượng tái tạo tăng trưởng 'nóng' khiến hạ tầng truyền tải điện 'hụt hơi'
Việt Nam trên bản đồ năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn tuy nhiên để khai thác hết giá trị mang lại của nguồn năng lượng này khi hạ tầng truyền dẫn không thế bắt nhịp với sự phát triển của thị trường này sẽ dẫn đến những cảnh báo về an toàn hệ thống.
- 8 tháng, EVN huy động 7,27 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo
- Hướng đi nào cho năng lượng tái tạo tại Việt Nam?
- GEG - CTCP Điện Gia Lai góp vốn vào CTCP Năng lượng Tái tạo Tiền Giang (TGR)
Hạ tầng truyền tải không bắt kịp sự phát triển
Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, tính đến hết năm 2020, tổng công suất nguồn điện cả nước hiện khoảng 69.300 MW; trong đó, năng lượng tái tạo là 17.400 MW, chiếm 25,3% công suất trong hệ thống điện Việt Nam. Hết năm 2020, cả nước có 148 hệ thống điện mặt trời quy mô lớn với hơn 8.000 MW công suất, trên 104.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 7.000 MW. Điện gió hơn 500 MW. Bên cạnh đó, còn nhiều dự án đang được gấp rút triển khai.
Điện năng lượng tái tạo tăng trưởng "nóng" trong thời gian qua khiến hạ tầng truyền tải bị "hụt hơi".
Theo đại diện Bộ Công Thương, hàng loạt dự án nhiệt điện chậm tiến độ sau năm 2020, nguy cơ thiếu điện là rõ. Do vậy, giải pháp để bổ sung nguồn điện trong ngắn hạn là phát triển năng lượng tái tạo; từ đó hàng loạt chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo ra đời. Nhờ đó, trong thời gian ngắn đã có nguồn điện tái tạo trên 17.000 MW, nhanh chóng bù đắp thiếu hụt công suất cho hệ thống điện Quốc gia.
Song việc phát triển quá nóng của năng lượng tái tạo mà cụ thể là điện mặt trời đã khiến việc truyền tải điện từ các hệ thống này lên lưới điện không theo kịp. Nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo dã chia sẻ khó khăn về việc buộc cắt giảm công suất khiến doanh thu sụt giảm.
Ông Lê Ngọc Hồ, Phó Giám đốc Ban Đầu tư Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn cho biết, các nhà máy phải cắt giảm từ 30-50% công suất, thiệt hại là vô cùng lớn lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi ngày. Ngoài ra, vốn của các công ty là vốn tín dụng, do đó gây khó khăn trong việc thu hồi vốn, chi trả lãi vay ngân hàng. Có công ty thậm chí lấy nguồn từ các dự án khác để chi trả ngân hàng, điều này làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch của doanh nghiệp.
Nhận định về vấn đề cắt giảm công suất, ý kiến từ Bộ Công Thương cho rằng, việc cắt giảm này chỉ xảy ra ở một số giờ, địa bàn nhất định với tổng công suất cắt giảm dưới 10%.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, tổng quan phát triển ngành điện trong 2 năm trở lại đây có vấn đề liên quan đến chính sách.
“Thoạt tiên chúng ta tính toán công suất phải tăng khoảng 10% để đáp ứng tăng trưởng kinh tế và có nhiều phương án về điện gió, mặt trời, điện khí… nhưng do dịch COVID-19 nên nhu cầu tiêu thụ điện không tăng như dự kiến. Thứ hai là chúng ta đánh giá chưa đúng về điện mặt trời… vì thế có cam kết ưu đãi lớn cho loại hình này. Thứ ba, do chính sách ưu đãi nên xảy ra việc ồ ạt đầu tư, công suất tăng lên gấp 20 lần so với dự tính trong quy hoạch. Với các dự án nhiệt điện bị chậm tiến độ, thì các dự án năng lượng tái tạo bùng nổ là phù hợp với nhu cầu, nhưng thực tế lại không diễn biến như vậy. Nên kể cả quy hoạch điện cũng đã bị phá vỡ”, ông Ánh nói.
Một điểm nữa được chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh chỉ ra là không phải chỗ nào cũng có thể phát triển điện mặt trời hiệu quả, mà chỉ tập trung ở một số địa phương, đặc biệt là Nam Trung bộ, như vậy có cả các vấn đề về quy hoạch, thời gian, địa điểm, không gian…
“Tóm lại ở đây có sự lúng túng và bị động trong phát triển năng lượng mặt trời, mặc dù rất phù hợp với xu thế chung. Khá nhiều vấn đề đã bộc lộ và cần có giải pháp xử lý trong thời gian tới”, ông Ánh nhận định.
Có thể gây mất an toàn hệ thống điện
Theo ông Phạm Nguyên Hùng, để giải quyết vấn đề về giảm công suất phát các dự án năng lượng tái tạo, có 2 vấn đề: Một là truyền tải, đầu tư và đưa vào vận hành các dự án truyền tải điện. Việc này thời gian qua đã được ngành điện đầu tư và những sự cố tắc nghẽn trong lưới điện đã được giải quyết. Hiện chỉ còn là tăng trưởng phụ tải. Giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng điện trung bình 9%. Nhưng riêng năm 2020 tăng trưởng điện có trên 3%, thấp hơn kế hoạch rất nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong ngắn hạn, muốn tăng trưởng điện để đưa nhiều dự án năng lượng tái tạo vào hơn thì phải kiểm soát dịch và phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Hạ tầng truyền tải điện đang là lực cản lớn đối với sự phát triển của điện năng lượng tái tạo.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia có một số điều chỉnh lệch giờ phát cao điểm của các thủy điện nhỏ miền Trung, Nam, từ đó đã giúp tăng khả năng phát của nguồn năng lượng tái tạo cỡ 1.000 MW.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, để tối đa hóa sự tiếp nhận năng lượng tái tạo là khó vì liên quan đến sự an toàn hệ thống điện, vẫn phải có sự huy động nhiều nguồn điện khác nhau và cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo nhất định.
Khi kinh tế phục hồi thì năng lượng tái tạo có thể hi vọng phát tối đa công suất. Và trong tương lai vẫn phải đồng bộ các giải pháp khác về đầu tư lưới điện thông minh, pin lưu trữ, liên kết lưới để đảm bảo các nguồn tham gia được phát tối đa.
Theo ông Lê Ngọc Hồ, để đưa các dự án điện mặt trời được vận hành tối đa, có thể tính đến giải pháp tương lai như hệ thống pin tích trữ phục vụ nạp - xả. Ngoài ra, cần có chính sách để điện mặt trời bán trực tiếp cho các khách hàng. Nhưng điều này phải phụ thuộc vào các quy định của Nhà nước, có hướng dẫn cụ thể và kèm theo đó là có hạ tầng phục vụ cho việc đó.
Ông Phạm Nguyên Hùng cũng cho rằng, tích trữ năng lượng là một giải pháp, nhưng hiện giá thành hệ thống tích trữ vẫn còn cao, do đó, việc áp dụng loại hình này còn chưa hiệu quả.
“Nhưng chúng ta cũng cần chuẩn bị sẵn chính sách, khung pháp lý, kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển các nước để cụ thể hóa thành quy định Việt Nam, trong tương lai tối đa đưa loại hình này vào. Bộ Công Thương với sự tài trợ các cơ quan quốc tế đang nghiên cứu cơ chế, đồng bộ chính sách khuyến khích để phát triển hệ thống tích trữ này”, ông Hùng nói.
Ngoài ra, trong các chính sách cần tiếp tục thu hút nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đang nghiên cứu chính sách mua bán điện trực tiếp DPPA. Hiện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đang soạn thảo nội dung này và lấy ý kiến các tổ chức, ban, ngành, địa phương liên quan.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận