Lắp điện mặt trời tại các hộ dân có cần giấy phép?
Nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (điện mặt trời áp mái) của người dân ngày càng tăng. Vấn đề đặt ra là việc lắp đặt có cần phải cấp phép hay không?
Điện mặt trời áp mái được lắp đặt ngày càng nhiều ở TP.HCM. Ảnh: Lê Phan
Ông P., nhà ở đường Tân Hương (P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM), vừa lắp xong hệ thống điện mặt trời áp mái thì có người "méc" cơ quan chức năng rằng ông làm không phép. UBND Q.Tân Phú yêu cầu UBND P.Tân Quý lập biên bản vụ việc.
Chưa biết cấp phép ra sao
UBND P.Tân Quý cho biết đã kiểm tra thực tế và xác nhận việc lắp hệ thống điện mặt trời của ông P. có làm tăng chiều cao của căn nhà lên 3m so với ban đầu, diện tích hệ thống bằng diện tích mái nhà. UBND phường chỉ ghi nhận sự việc chứ chưa lập biên bản vi phạm về xây dựng.
Theo UBND P.Tân Quý, hiện Nhà nước đang khuyến khích người dân lắp điện mặt trời áp mái. UBND phường chưa xử lý trường hợp nào tương tự nên hiện tại chỉ theo dõi, chờ hướng dẫn của các cơ quan chức năng và giải thích với người đã phản ánh. Phòng quản lý đô thị Q.Tân Phú yêu cầu UBND các phường và Đội trật tự đô thị kiểm tra, ngăn chặn không để xảy ra việc lắp đặt điện mặt trời áp mái để chờ hướng dẫn.
Ông Nguyễn Gia Thái Bình - phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân - cho biết UBND quận này nhận được nhiều đơn xin giấy phép lắp đặt điện mặt trời áp mái của các doanh nghiệp với diện tích từ vài trăm đến trên 1.000m2.
"Đây không phải là công trình thuộc diện được miễn giấy phép xây dựng nhưng hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn hay quy hoạch về điện mặt trời áp mái nên UBND quận không biết phải cấp giấy phép ra sao. Quận đã có công văn hỏi Sở Xây dựng và sau đó được biết sở cũng có văn bản hỏi Bộ Xây dựng về những nội dung này. Vì vậy UBND quận đã liên lạc với các đơn vị xin giấy phép lắp đặt hệ thống điện mặt trời để giải thích và đề nghị các doanh nghiệp chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng" - ông Bình cho hay.
Một cán bộ cấp phép xây dựng ở Q.Thủ Đức cho biết hệ thống điện mặt trời áp mái liên quan đến an toàn của ngôi nhà và cả những công trình, con người sống xung quanh nên dù diện tích lớn hay nhỏ cũng cần có giấy phép và cần được hướng dẫn cụ thể.
Hệ thống này lắp đặt trên cao, phải quy định chiều cao bao nhiêu, hệ thống giá đỡ như thế nào. Nếu không, chỉ cần một cơn gió lớn cũng có thể làm những tấm pin này rớt xuống gây tai nạn. "Tuy nhiên vì chưa có hướng dẫn nên UBND quận không nhận hồ sơ xin cấp phép của dân. Đến nay UBND quận chưa cấp phép cho một trường hợp nào" - cán bộ này cho biết.
Ông Đào Gia Vượng - phó chủ tịch UBND Q.7 - nói: "Có nhiều người dân liên hệ hỏi về thủ tục, tiêu chuẩn lắp đặt, nhưng quy định hiện hành chưa có. UBND quận đang nghiên cứu các quy chuẩn, tiêu chuẩn để đề xuất Sở Xây dựng cấp phép cho người dân để đảm bảo kỹ thuật, an toàn, mỹ quan và không ảnh hưởng đến môi trường".
Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của người dân ở phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM. Ảnh: Quang Định
Sở hỏi, bộ chưa trả lời
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết nếu theo quyết định số 11 năm 2017 của Thủ tướng, hệ thống điện mặt trời áp mái không yêu cầu phải có quy hoạch phát triển điện mặt trời. Tuy nhiên, văn bản này đã hết hiệu lực.
"Theo quy định hiện hành, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên các công trình, nhà ở riêng lẻ phải có giấy phép sửa chữa, cải tạo và phải tuân thủ quy chuẩn về an toàn công trình cũng như yêu cầu không ảnh hưởng về cảnh quan, môi trường.
Tuy nhiên chưa có quy định, quy chuẩn về an toàn điện mặt trời, chưa có quy định để xác định công suất của dự án điện mặt trời mái nhà làm cơ sở để thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế và cấp phép xây dựng" - Sở Xây dựng nhận định.
Theo Sở Xây dựng, đa số các trường hợp lắp đặt điện mặt trời áp mái đều làm tăng chiều cao của công trình, ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc mặt đứng của công trình. Như vậy, chủ đầu tư có phải làm thủ tục thỏa thuận về chiều cao của công trình với cơ quan chức năng hay không?
Theo quy định về môi trường thì dự án điện gió, điện mặt trời có diện tích dưới 50ha không thuộc trường hợp phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, khả năng ảnh hưởng đến môi trường của các tấm pin mặt trời chưa được đánh giá đầy đủ nên việc triển khai ồ ạt các dự án điện mặt trời có thể gây tác hại không nhỏ đến môi trường. Vì vậy cần phải có một quy định cụ thể về việc đảm bảo môi trường của hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.
Trong khi cơ quan chức năng còn lúng túng khi người dân xin phép, nhiều hộ gia đình thời gian qua vẫn lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trên tinh thần được làm những gì pháp luật không cấm và chính quyền địa phương cũng không có căn cứ để xử phạt.
Theo nhiều người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, việc phải xin phép cho hệ thống nhỏ của nhà dân thì chẳng khác gì "giấy phép con".
Xin giấy phép cải tạo như đối với nhà ở
Ông Hoàng Tiến Dũng - cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) - cho biết việc yêu cầu về giấy phép khi lắp đặt điện mặt trời áp mái là một vấn đề rất mới, thuộc về quản lý của sở xây dựng địa phương và Bộ Xây dựng nên các cơ quan này sẽ ban hành hướng dẫn.
Theo ông Dũng, nên xem việc lắp điện mặt trời áp mái như là công trình xây dựng dân dụng, cải tạo nhà ở bình thường, chỉ cần xin giấy phép cải tạo từ cơ quan quản lý xây dựng ở địa phương.
Cụ thể, ông Dũng đề xuất người dân chỉ cần xin giấy phép cải tạo, tương tự như giấy phép sửa chữa nhà ở và khi có hướng dẫn rõ ràng từ cơ quan quản lý về xây dựng thì người dân sẽ dễ dàng lắp đặt hơn.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận