Google Doodle: María Grever là ai?
Làng nhạc Mêhicô không thiếu gì các giọng ca nữ chuyên hát nhạc bolero. Nhưng trên lãnh vực sáng tác, số phụ nữ chuyên viết theo thể điệu này có thể được đếm trên đầu ngón tay. Trên thế giới, hầu như ai cũng biết đến bài Besame Mucho. Nhưng người phụ nữ đầu tiên nổi tiếng nhờ sáng tác bolero không phải là bà Consuelo Velásquez, mà chính là tác giả María Grever.
Tên thật là María Joaquina de la Portilla Torres (sinh năm 1885 - mất năm 1951), bà chào đời tại bang Guanajuato, nằm cách thủ đô Mêhicô khoảng 100 cây số về phía Tây Bắc. Năm lên sáu, bà theo bố mẹ rời Mêhicô về sống ở quê cha là thành phố Sevilla. Trong gần một thập niên liền, bà sống với gia đình bên nội ở Tây Ban Nha.
Từ nhỏ, bà María đã có năng khiếu âm nhạc, lỗ tai thính đến nổi (perfect pitch), mỗi lần nghe trên đài phát thanh một khúc nhạc, bà có thể ngồi vào đàn piano, đánh lại giai điệu mà không hề sai một nốt. Giai thoại kể rằng, thời còn bé, bà viết khúc đàn dương cầm đầu tiên, năm mới lên bốn, còn bản nhạc hoàn chỉnh đầu tay bà viết vào năm 16 tuổi (bài hát A Una Ola). Bài hát sau đó được ghi âm phát hành, nhờ vậy mà bà María mới lập kỷ lục với ba triệu bản bán chạy cho ca khúc đầu tay.
Thấy bà có năng khiếu, cho nên ông bố mới gửi con sang Pháp tầm sư học đạo. Bà María sống ở Paris trong vòng hai năm học đàn với nhiều thầy, trong đó có Franz Lenhard và nhất là nhạc sĩ nổi tiếng Claude Debussy. Nhà soạn nhạc người Pháp dạy cho bà cách viết tổ khúc và tiểu phẩm, kể cả các bản có lời và không lời cantate và sonate, cách dùng hợp âm ba nốt …
Ảnh hưởng của Debussy in đậm các sáng tác đầu đời của María. Có lẽ cũng vì thế mà những bài hát đầu tiên, viết cho các giọng ca tenor cổ điển, được bà sáng tác theo thể điệu habanera, chứ không phải là bolero. Đến khi thành danh, bà mới chủ yếu viết nhạc bolero từ những năm 1930 trở đi, khi dòng nhạc này trở thành hẳn một phong trào sáng tác cực thịnh tại Mêhicô.
Sau một thời gian ăn học tại Pháp, bà María trở về Mêhicô, nhưng thay khởi đầu sự nghiệp ở quê mẹ, bà lại sang New York lập nghiệp từ năm 1916, sau khi lấy chồng người Mỹ (ông Leo A. Grever). Bà chọn tên của chồng làm nghệ danh, và chủ yếu làm việc cho các hãng phim Hollywood (Paramount Pictures và 20th Century Fox), qua việc sáng tác ca khúc và nhạc phim cho hai nhạc trưởng Stanley Adams và Irving Caesar, trong đó có một số bản hoà tấu dùng làm nhạc nền sau này lại trở nên ăn khách một khi được đặt thêm lời.
Đột ngột qua đời vào năm 66 tuổi (1951) chỉ vài tháng sau khi lâm bạo bệnh, María Grever lúc sinh tiền đã viết hơn 800 bản nhạc, trong đó có hơn một nửa là bolero, nổi danh từ đầu những năm 1930 tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Nam Mỹ. Chỉ riêng trong số 400 bài bolero do bà sáng tác, có ít nhất là 10 bài được xếp vào hàng kinh điển ở Châu Mỹ La Tinh.
Ca khúc đầu tiên ăn khách trên thị trường quốc tế là nhạc phẩm Júrame (Hãy thề với anh) mà sau này cả Luis Miguel và Andrea Bocelli đều có ghi âm lại, nhưng không qua mặt phiên bản chính gốc ghi âm vào năm 1927 của José Mojica, danh ca tenor người Mêhicô, hoà quyện hai thể điệu habanera với bolero.
Trong vòng hai thập niên liền, María Grever sáng tác nhiều ca khúc ăn khách, nhạc phẩm Volveré trong tiếng Anh trở thành I Will Return, bài Munequita Linda được chuyển ngữ thành Magic Is the Moonlight. Bản nhạc này ban đầu được viết theo điệu bolero, có tiểu tựa là Te Quiero Dijiste, nhưng sau này thường được phối theo điệu cha cha. Ngoài ra còn phải kể đến tác phẩm Cuando Vuelva a tu Lado, nổi danh khắp thế giới nhờ phiên bản tiếng Anh là "What A Difference A Day Makes".
Vào năm 1959, diva của làng nhạc jazz Dinah Washington phá kỷ lục số bán với bài hát này, đoạt giải Grammy dành cho ca khúc xuất sắc nhất trong năm. Bản nhạc trở thành bài hát tủ (signature song) gắn liền với tên tuổi của thần tượng Dinah Washington, nhưng lối hoà âm cool jazz của giai điệu làm cho nhiều người quên hẳn đi nguồn gốc La Tinh của bài hát nguyên tác.
Sinh thời, ngoài cái tài soạn nhạc bolero, María Grever còn nổi tiếng nhờ lối sáng tác phong phú đa dạng, cho dù đa số các bản nhạc đều được viết theo cùng một cung thể. Sự tiếp cận với nhạc jazz giúp cho bà “thoát cách” nhưng vẫn giữ được cái cốt La Tinh. Những giai điệu hoà quyện cả điệu thứ lẫn điệu trưởng, bà viết điệu thứ thoáng buồn, chứ không bi lụy sầu não, còn điệu trưởng thì rộng mở thênh thang, nghe rất thanh thản bình an.
Thành danh từ cuối những năm 1920, tức là một thập niên trước khi có hiện tượng Besame Mucho của Consuelo Velásquez (1941), bà María Grever được người châu Mỹ La Tinh tôn vinh thành một trong những tác giả hàng đầu. Tên của bà được đặt cho một giải thưởng sáng tác âm nhạc thường niên tại Mêhicô. Dòng nhạc La Tinh nâng bà lên một vị trí xứng đáng với tầm vóc sự nghiệp, vì từ lúc sinh tiền, bà María Grever từng được công nhận là phụ nữ đầu tiên nổi tiếng nhờ soạn nhạc bolero kinh điển.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận