"Thị trường này cực kỳ nhạy cảm với các đợt trợ giá của chính phủ và doanh nghiệp", Arndt Ellinghorst - nhà phân tích ôtô tại Bernstein Research cho biết, "Một khi các chính sách này bị rút lại, doanh số bán xe điện sẽ giảm ít nhất 30 - 40% trong 1-2 quý".
Nếu không được trợ giá, xe điện đắt hơn nhiều so với xe chạy nhiên liệu đốt. Điều này không thể thay đổi cho đến cuối thập kỷ này, giới phân tích cho biết. Vì khi đó, giá pin mới hạ nhờ công nghệ mới, quy mô sản xuất lớn hơn và cạnh tranh tăng lên.
Phương pháp tiếp cận của châu Âu có cách bắt đầu nghiêm khắc hơn. Liên minh châu Âu (EU) đang dần siết tiêu chuẩn về khí thải, khiến ngành ôtô phải tung ra nhiều xe điện và xe chạy điện - xăng, nếu không muốn gánh các khoản phạt khổng lồ.
Khi đại dịch nổ ra, các chính phủ châu Âu tìm cách hỗ trợ nền kinh tế bằng cách tập trung vào các ngành ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Phần lớn khoản hỗ trợ này dành cho các sáng kiến thúc đẩy người tiêu dùng mua xe điện, từ đó kéo nhu cầu tăng vọt.
Động thái này đã thay đổi quan điểm của các lãnh đạo ngành ôtô, rằng thị trường dành cho xe điện không đủ lớn. "Chúng tôi đã có động lực làm xe điện. Những chính sách này khiến xe điện trở nên hấp dẫn với người tiêu dùng", Hakan Samuelsson - CEO Volvo Cars nhận xét, "Tuy nhiên, trong dài hạn, sự hỗ trợ này không bền vững".
Các hãng xe bắt đầu ra mắt mẫu mới từ năm ngoái. Volkswagen - hãng xe lớn nhất châu Âu đã tung ra ID.3 và ID.4. Các hãng xe sang như BMW, Mercedes và Audi cũng ra mắt xe điện cao cấp. Năm nay, Mercedes dự định công bố EQS sau chiếc flagship S-Class.
Khoảng 65 mẫu xe điện mới đã được ra mắt tại châu Âu năm ngoái - gấp đôi Trung Quốc. Khoảng 99 chiếc khác sẽ trình làng năm nay. Tại Bắc Mỹ, các con số này là 15 và 64. Các hãng xe cho biết sự bùng nổ về xe điện và các chính sách hỗ trợ diễn ra cùng lúc, khiến cả cung và cầu đều tăng mạnh.
"Anh phải đưa ra sản phẩm phù hợp. Đó là những gì chúng tôi chứng kiến năm ngoái tại châu Âu", Britta Seeger - người phụ trách bán hàng toàn cầu tại Daimler cho biết, "Các lựa chọn đã tốt hơn rồi. Và chính sách trợ giá cũng đang hỗ trợ doanh số".
Việc các hãng xe truyền thống ra mắt xe điện cũng kéo doanh số lên. Hallgeir Langeland - một cựu chính trị gia kiêm nhà hoạt động môi trường tại Na Uy chưa từng mua xe trong 25 năm qua. Tuy nhiên, khi Ford Motor ra mắt phiên bản xe điện của chiếc Mustang năm ngoái, ông mua ngay mà không cần nghĩ nhiều.
"Tôi phải có nó", ông nói khi nghĩ về chiếc Mustang mình từng lái khi còn trẻ. Giờ đây, ông rất nóng lòng được lái nó vào tháng 3. Việc mua xe càng thuận lợi khi chính sách trợ giá biến Na Uy thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới, tính theo đầu người.
Christian Burg - một doanh nhân tại Đức đã lái chiếc BMW X3 SUV nhiều năm nay. Khi chính phủ tăng trợ giá xe điện hè năm ngoái, ông nộp đơn xin hỗ trợ và chuyển sang chiếc iX3 chạy điện - xăng. "Chúng tôi nhận được 3.700 euro (4.500 USD) hỗ trợ tiền mặt", ông nói.
Doanh số bán xe điện plug-in tại châu Âu tăng 137% lên 1,4 triệu chiếc năm ngoái, vượt Trung Quốc (tăng 12% lên 1,3 triệu) và Mỹ (tăng 4% lên 328.000 chiếc), theo số liệu của ev-volumes.com.
Tình hình hiện tại của thị trường châu Âu gợi nhớ đến Trung Quốc cách đây vài năm. Nhằm vượt các nước phương Tây, Trung Quốc mạnh tay trợ giá cho xe điện và yêu cầu các hãng đảm bảo sản xuất một tỷ lệ xe mới nhất định mỗi năm.
Nỗ lực này đã giúp hàng trăm startup mọc lên, nâng thị phần xe điện trong doanh số xe mới giữa năm 2019 lên hơn 8%. Tháng 6/2019, Bắc Kinh rút lại hỗ trợ, doanh số bắt đầu lao dốc.
Thị phần xe điện giảm về dưới 5% cuối năm đó. Khi đại dịch bùng phát, doanh số bán xe điện còn giảm mạnh nữa, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng Bắc Kinh đạt mục tiêu xe điện chiếm 20% doanh số bán xe mới năm 2025.
Tại châu Âu, các chính phủ đang cân nhắc lại kế hoạch rút dần chính sách hỗ trợ hiện tại dành cho xe điện từ cuối năm nay. Các nhà phân tích cho rằng các nước sản xuất nhiều xe, như Đức hay Pháp, có thể gia hạn hỗ trợ qua năm nay.
Dù phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp chào đón nỗ lực của chính phủ nhằm tăng tốc thị trường cho công nghệ mới, các hãng xe vẫn lo ngại trợ cấp chỉ có tác động tạm thời.
Nếu không có các thay đổi cấu trúc lớn hơn, điều này khó tạo ra thị trường bền vững. Thay vào đó, họ thúc giục các chính phủ tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, như trạm sạc, hỗ trợ các nhà máy sản xuất pin và đánh thuế khí thải CO2.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận