Trung tâm điều hành thông minh tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) do VNPT xây dựng và vận hành. Ảnh: Thanh Hà
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Ông Lê Mạnh Hùng, cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), cho biết đề án tập trung vào hai mục tiêu chính.
Thứ nhất, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế quy mô lớn trên cơ sở hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với định hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực chưa khai thác hết của doanh nghiệp nhà nước, thu hút các nguồn lực của khu vực tư nhân để thực hiện vai trò dẫn dắt.
Thứ hai, hình thành cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước/doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực có tính chất mở đường, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với bốn tiêu chí lựa chọn ngành, lĩnh vực nghiên cứu thí điểm bao gồm có tính chất mở đường, dẫn dắt, hướng tới làm chủ công nghệ số, đồng thời có vai trò cần thiết trong phát triển, định hướng công nghiệp và cần thiết duy trì sự hiện diện của Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước được lựa chọn nghiên cứu thí điểm phải có tổng tài sản trên 20.000 tỉ đồng, chiếm thị phần từ 30% trở lên, bảo đảm các quy định về cạnh tranh; được quản trị tốt trên cơ sở nguyên tắc OECD...
Dựa trên các tiêu chí này, Bộ KH&ĐT cho biết đang đề xuất lựa chọn bốn lĩnh vực và đề xuất bảy doanh nghiệp nhà nước tham gia thí điểm.
Có thể nhìn thấy sự kỳ vọng vào vai trò dẫn dắt, mở đường của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là hướng tới làm chủ công nghệ số ở một trong ba doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao được lựa chọn thí điểm là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT).
VNPT là doanh nghiệp nhà nước đã đứng ở top 3 trong số 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, theo kết quả của tạp chí Forbes Việt Nam.
Trước đó, theo báo cáo của Brand Finance - nhà tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, VNPT là thương hiệu tăng trưởng ấn tượng nhất trong số 150 nhà mạng lớn trên toàn cầu và có mức tăng hạng mạnh nhất trong top 4 thương hiệu viễn thông lớn nhất Việt Nam.
Chủ động trong chuyển đổi số
Trong bối cảnh thị trường viễn thông đã chững lại và cạnh tranh gay gắt, Tập đoàn VNPT đã chuyển đổi mạnh mẽ từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thành tập đoàn công nghệ cao, nhà cung cấp dịch vụ số, tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia.
Chính sự nhanh nhạy, quyết liệt, chủ động và sáng tạo của lãnh đạo tập đoàn khi lựa chọn hướng đi, có những bước đột phá đã tạo ra bước chuyển đổi mang tính quyết định này.
"VNPT đã sớm xây dựng và tập trung triển khai chiến lược VNPT 4.0 với mục tiêu chuyển đổi số VNPT từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số, phấn đấu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và tích cực tham gia trong các hoạt động chuyển đổi số chính quyền các cấp, chuyển đổi số các doanh nghiệp" - ông Phạm Đức Long, chủ tịch VNPT, chia sẻ..
Tập đoàn đã chủ động tham gia các chương trình số hóa quốc gia, khẳng định vai trò dẫn dắt, chủ lực của một doanh nghiệp nhà nước trong việc xây dựng, cung cấp dịch vụ, hệ thống số, CNTT cho các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp...
Trong đó phải kể đến những nền tảng số quan trọng nhất của quốc gia như Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Ông Huỳnh Quang Liêm - quyền tổng giám đốc Tập đoàn VNPT - cũng cho biết: Đến nay, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) đã được VNPT triển khai cho khoảng 30 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trong đó nhiều tỉnh thành đã đưa vào vận hành như: Lâm Đồng, Hà Nam, Cao Bằng, TP Hà Giang, Tây Ninh, Phú Thọ, Trà Vinh, Kon Tum, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Phước, Hòa Bình, Kiên Giang, Lào Cai, Bắc Kạn...
"Không chỉ tiên phong, phát huy vai trò dẫn đắt trong chuyển đổi số quốc gia, VNPT còn chủ động chuyển đổi số chính mình để trở thành điển hình, mô hình mẫu trong việc chuyển đổi số doanh nghiệp. Chúng tôi đang hướng đến mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành trung tâm số (digital hub) của châu Á vào năm 2030" - ông Liêm khẳng định.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận