VINASAT-1 - Sự hiện diện khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên không gian vũ trụ
Sau hơn 13 năm được đưa vào sử dụng, VINASAT-1 đã phát huy được giá trị và hiệu quả trong quá trình vận hành tạo vị thế cho Việt Nam trên trường quốc tế nhờ vào những bước phát triển kinh tế đặc biệt là khẳng định chủ quyền của nước ta trước "cuộc đua" đi vào không gian vũ trụ đang dần nóng lên hiện nay.
- Khám phá cách các nguyên tố nặng trong vũ trụ hình thành
- Kế hoạch chuyến du lịch đi bộ ngoài không gian đầu tiên của Nga
- 'Ngôi sao' TikTok được đưa lên vũ trụ để làm thí nghiệm
Mặc dù được đánh giá là đi chậm hơn khoảng 30- 40 năm so với các nước trên thế giới, tuy nhiên trong những năm gần đây, công nghệ vũ trụ của Việt Nam đã có những thành tựu bước đầu như: Thành lập Trung tâm Vũ trụ Quốc gia, Trung tâm Viễn thám, Trạm thu ảnh vệ tinh...
Nhất là các dự án phóng vệ tinh như: VINASAT 1, VINASAT 2, VNREDSat 1; đặc biệt đã bắt đầu đầu tư chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất như vệ tinh PicoDragon, MicroDragon, LotuSat... Những thành quả trên cho thấy Việt Nam đang có triển vọng phát triển ngành công nghiệp vũ trụ, công nghiệp vệ tinh
Trong Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 mới được Thủ tướng phê duyệt gần đây xác định nhiệm vụ kịp thời thay thế VINASAT-1 là cấp bách khi chuẩn bị đến hạn vào năm 2023.
Trước sự "bùng nổ" của công nghệ như hiện nay, Chiến lược trên đặt ra yêu cầu làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị đầu cuối, trạm mặt đất điều khiển và thu nhận dữ liệu vệ tinh, các bộ phát cho vệ tinh viễn thông của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hình thành năng lực định vị dẫn đường của Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống định vị dẫn đường sử dụng vệ tinh toàn cầu hiện có. Ứng dụng khinh khí cầu, khí cụ bay ở tầng bình lưu phục vụ nghiên cứu khoa học, đo đạc, thăm dò khí quyển, phát triển dịch vụ du lịch.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký REV Đoàn Quang Hoan cho biết "trong thế kỷ 21, khoa học và công nghệ vũ trụ hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, cung cấp nhiều dịch vụ và giải pháp để giải quyết những vấn đề toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng".
Nguyên Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan thông tin về dự án VINASAT-1.
Phóng vào vũ trụ vào năm 2008, sau 13 năm vận hành 95% dung lượng của VINASAT-1 đang được sử dụng. Được biết, dự án Vinasat -1 đã tạo lập được cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông tốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế.
Khi đưa Vinasat-1 vào hoạt động, tất cả những tin về bão lũ, cũng như diễn biến thời tiết nguy hiểm đều có thể chuyển được đến tận vùng sâu, vùng xa hay kể cả vùng chưa phủ sóng rất dễ dàng, tiện lợi. Tàu bè đi trên biển sẽ thu nhập thông tin từ vệ tinh nhanh chóng, qua đó giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra.
”Việc vận hành vệ tinh Vinasat 1, Việt Nam đã tự chủ được thông tin vệ tinh của mình trong phát thanh truyền hình, viễn thông... và nhất là an ninh quốc phòng, bởi vì chúng ta không thể sử dụng vệ tinh của nước ngoài để bảo vệ an ninh quốc phòng Việt Nam”, đại diện lãnh đạo VNPT cho biết.
Các nước trước đây độc quyền về cho thuê dịch vụ vệ tinh, nay phải giảm giá cho Việt Nam; mức giảm trung bình khoảng từ 50%-70% tùy từng dịch vụ và nhà cung cấp so với trước khi Việt Nam có vệ tinh Vinasat.
Việc phóng thành công vệ tinh VINASAT -1 không những khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong không gian, mà còn thể hiện vị thế ngày càng lớn mạnh của quốc gia nói chung, của ngành viễn thông, thông tin nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Vệ tinh VINASAT-1 có ý nghĩa rất lớn với việc phủ sóng viễn thông, liên lạc tới mọi vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng với khả năng truyền tải thông tin, hình ảnh từ mọi nơi, không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn trong cả khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, khi đưa vào khai thác, VINASAT- 1 sẽ có ý nghĩa xã hội rất lớn, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia theo hướng hiện đại, nâng cao độ an toàn cho mạng lưới viễn thông, thúc đẩy và phát triển các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại, giải trí... cũng như các dịch vụ chuyên dùng khác.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận