Lãi suất huy động trong những ngày đầu tháng 6 có xu hướng tăng nhẹ
Trước xu thế của dòng tiền hiện nay đang được điều hướng chảy mạnh vào chứng khoán khiến hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất huy động trong những ngày đầu tháng 6/2021.
- "Nóng" cuộc đua giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua
- Cập nhật lãi suất ngân hàng SHB tháng 5/2020
- Chủ tịch Fed tại Dallas: Tỷ lệ lãi suất sẽ không đổi trong năm 2020
Theo đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động tháng 6 thêm 0,1%/năm tại các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng lên lần lượt là 5,7-6,3-6,4%/năm.
Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng từ 0,1-0,3%/năm với các kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 và 24 tháng lần lượt áp dụng là 5,8 và 6,55%/năm. Với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất gửi tiền tại quầy là 6,4%/năm và gửi online là 6,6%/năm.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa triển khai gói tài khoản Đắc Lộc với lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, cao hơn 0,5%/năm so với lãi suất gửi tiết kiệm truyền thống.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang có xu thế tăng nhẹ khi dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào chứng khoán.
Nhìn chung trong hơn 30 ngân hàng thương mại, lãi suất huy động cao nhất hiện ghi nhận ở mức 8,2%/năm. Đây là lãi suất Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) áp dụng cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng và kỳ hạn 13 tháng.
Một số ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất trên 7%/năm như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với 7,4%/năm cho khoản tiền từ 30 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 13 tháng hay Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 7,2%/năm cho khoản tiền từ 200 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và không tất toán trước hạn.
Còn tại 4 ngân hàng lớn là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank), biểu lãi suất vẫn giữ ổn định so với thời điểm đầu tháng 5/2021 và cũng là mức thấp nhất trong hệ thống. Theo đó, lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này đồng loạt niêm yết ở mức 5,6%/năm, trừ Vietcombank cao nhất ở mức 5,5%/năm.
Trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy sang chứng khoán thì việc tăng nhẹ lãi suất huy động tại một số ngân hàng được ví như bước đi để giữ chân khách hàng. Bởi lẽ gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn luôn được xem là kênh đầu tư ổn định và an toàn nhất khi thị trường chứng khoán hay bất động sản còn nhiều biến động khó lường.
Dù vậy, nhiều chuyên gia đánh giá việc tăng nhẹ lãi suất ở một vài ngân hàng chỉ mang tính cục bộ, chứ chưa phải xu hướng tăng lãi suất của toàn thị trường. Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất trong ngắn hạn sẽ tiếp tục giữ ổn định ở mức thấp do cầu tín dụng vẫn yếu trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo báo cáo nhận định thị trường của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, trong nửa cuối năm 2021, cầu tín dụng và lạm phát có xu hướng tăng cao hơn sẽ khiến lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng từ 0,3-0,5% dù hiện tại, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào và mặt bằng lãi suất tiền gửi, cho vay vẫn ổn định.
Cùng quan điểm nhận định, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đã được triển khai sẽ là những yếu tố tích cực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên thị trường quay trở lại nhịp điệu bình thường. Do đó, trong thời gian ngắn, khả năng lãi suất tiền gửi chưa tăng trở lại nhưng khó giảm thêm và có thể tăng trong những tháng cuối năm.
Dù áp lực tăng lãi suất huy động đang lớn dần nhưng theo giới chuyên gia nó sẽ không gây quá nhiều sức ép đến lãi suất cho vay.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận