Hệ sinh thái Tín nhiệm mạng - Không gian an toàn cho người dùng Việt
Khi vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng đang ngày càng nghiêm trọng, Bộ TT&TT đã cho ra mắt Hệ sinh thái Tín nhiệm mạng để bảo vệ người dùng cũng như nâng cao trách nhiệm xác thực của các tổ chức với địa chỉ hoạt động của mình.
- Nền tảng tín nhiệm - Chìa khóa mở cửa thị trường thương mại điện tử
- 5 nguy cơ mất an toàn thông tin chủ yếu trong thời gian tới
Theo đó, Hệ sinh thái Tín nhiệm mạng được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cùng với cộng đồng các doanh nghiệp an toàn thông tin và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chung tay phát triển, nhằm hạn chế, đẩy lùi vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng, giảm thiểu quy mô cũng như mức thiệt hại của các cuộc tấn công lừa đảo nhằm vào người dùng Việt Nam.
Mục tiêu lớn nhất mà hệ sinh thái Tín nhiệm mạng hướng đến là bảo vệ người dân trên môi trường mạng, thúc đẩy không gian mạng Việt Nam phát triển an toàn, lành mạnh.
Trong thời đại số, việc sử dụng internet trở nên phổ biến với lượng thông tin, website khổng lồ và đa dạng. Môi trường mạng là phương tiện đắc lực cho người dùng trong cuộc sống đồng thời luôn tiềm ẩn rất nhiều những rủi ro, nguy cơ.
Hệ sinh thái Tín nhiệm mạng được xem như là chứng thực an toàn địa chỉ trên không gian mạng.
Theo thống kê từ hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), trong tháng 5/2021 đã ghi nhận hơn 79.000 trang giả mạo để lừa đảo người dùng.
Có hơn 3.100 người dùng đã chủ động liên hệ với NCSC khi gặp phải các vấn đề về bảo mật, mất an toàn an ninh mạng như việc cung cấp thông tin cá nhân trên các website, nghi vấn website giả mạo… trong quá trình làm việc, mua sắm, tìm kiếm các thông tin trên internet.
Hiện trên hệ sinh thái Tín nhiệm mạng đã có thông tin về một số lĩnh vực cần sự xác nhận tín nhiệm như: Tổ chức tín nhiệm (cung cấp thông tin về chứng nhận tín nhiệm đối với các thông tin đã được xác thực bởi NCSC đối với một tổ chức bao gồm: Địa chỉ website, tổ chức, tên chủ quản, số điện thoại, fanpage…); website tín nhiệm (chứng nhận tín nhiệm trên các website uy tín và tuân thủ một số tiêu chuẩn về an toàn thông tin nhằm giúp người sử dụng internet Việt Nam nhận biết nhanh, chính xác các trang website tin cậy, tạo niềm tin số cho người dùng trên không gian mạng); thiết bị tín nhiệm (chứng nhận tín nhiệm trên các thiết bị nhằm giúp người dùng nhận diện được mức độ an toàn thông tin của thiết bị, so sánh và đưa ra quyết định sáng suốt khi tiêu dùng); hệ thống tín nhiệm (chứng nhận tín nhiệm cho hệ thống của tổ chức, thể hiện sự cam kết của tổ chức đối với vấn đề an ninh mạng, giúp người dùng thấy được năng lực của tổ chức trong việc bảo đảm các dịch vụ cung cấp trên môi trường mạng của tổ chức đó đảm bảo an toàn thông tin).
Với việc vận hành hệ sinh thái Tín nhiệm mạng trong 4 lĩnh vực trên, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia có thể hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phản ứng nhanh với việc bị đối tượng xấu giả mạo thông tin để thực hiện các hành vi lừa đảo, trục lợi.
Hiện tại, một số cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp đã tìm đến sự hỗ trợ của hệ sinh thái Tín nhiệm mạng để bảo vệ người dùng và nâng cao trách nhiệm xác thực tổ chức của mình.
Điển hình, trong thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng các cuộc gọi giả mạo ngành Điện lực, NCSC khuyến nghị người dùng truy cập vào mục Danh bạ trong hệ sinh thái Tín nhiệm mạng để xác minh số điện thoại gọi đến tại https://tinnhiemmang.vn.
Đây có thể được coi là công cụ, địa chỉ tin cậy, cung cấp các chứng nhận tín nhiệm, giúp người dùng nhận biết nhanh, chính xác các tổ chức, website, hệ thống và thiết bị tin cậy, ngăn ngừa các cuộc tấn công lừa đảo, góp phần tạo dựng niềm tin số cho người dùng khi sử dụng dịch vụ trên không gian mạng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận