LinkDoc Technology hủy IPO ở Mỹ vì sợ bị chính quyền Bắc Kinh hỏi thăm. Ảnh: LinkDoc Technology
LinkDoc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tập trung vào bệnh ung thư dựa trên dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Công ty đã lên kế hoạch bán 10,8 triệu cổ phiếu với giá 17,50 - 19,50 USD mỗi cổ phiếu.
Dự kiến LinkDoc sẽ huy động đến 210 triệu USD trên sàn giao dịch Nasdaq ở Mỹ. Tính đến ngày 6-7, nhu cầu với cổ phiếu của công ty trên thị trường là rất mạnh và rõ ràng.
Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết biến động của thị trường, sự thiếu chắc chắn trong các quy định pháp lý và sợ làm phật ý cơ quan quản lý Trung Quốc đã khiến LinkDoc hủy IPO.
Động thái của LinkDoc diễn ra sau khi công ty dịch vụ gọi xe Trung Quốc Didi Global ra mắt thị trường Mỹ, huy động được 4,4 tỉ USD, nhưng bị Bắc Kinh điều tra trong vòng chưa đầy 1 tuần sau đó.
Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc điều tra Didi về việc xử lý dữ liệu khách hàng và cấm công ty đăng ký khách hàng mới, khiến cổ phiếu của Didi lao dốc, mất sạch hàng tỉ USD chỉ vài ngày sau khi IPO.
Bắc Kinh sau đó đã mở rộng cuộc trấn áp các công ty công nghệ sang hai công ty đã niêm yết tại Mỹ khác là Công ty hậu cần Full Truck Alliance và Công ty tuyển dụng trực tuyến Kanzhun.
Ngày 6-7, nhà chức trách Trung Quốc cũng thông báo sẽ xem lại các quy tắc niêm yết ở nước ngoài và tăng cường các quy định về giám sát với các công ty kinh doanh ở thị trường nước ngoài.
Việc Trung Quốc tập trung trấn áp các công ty công nghệ lớn đã khiến các nhà đầu tư ở Mỹ tránh xa các mã chứng khoán Trung Quốc.
LinkDoc được thành lập năm 2014 và nộp hồ sơ IPO ở Mỹ vào tháng 6-2021. Ngày 7-7, công ty cập nhật bản cáo bạch kinh doanh, nêu ra rủi ro từ chỉ thị mới của Bắc Kinh về các đợt IPO ở nước ngoài. Bản cáo bạch thừa nhận các cơ quan lập pháp và cơ quan chức năng sớm muộn sẽ xét lại các quy định pháp lý hiện hành và sửa đổi, ban hành các quy định mới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích và giới ngân hàng dự đoán các đợt IPO ở Mỹ của các công ty Trung Quốc sẽ giảm, ít nhất là trong ngắn hạn.
Chính quyền Trung Quốc được cho là đang nhắm vào một loạt công ty công nghệ lớn (Big Tech) của nước này. Cuối năm 2020, Bắc Kinh điều tra chống độc quyền với Công ty Alibaba và cũng được cho là đã gây sức ép với nền tảng podcast Ximalaya để tạm dừng kế hoạch niêm yết tại Mỹ do lo ngại về bảo mật dữ liệu.
Điểm chung của các công ty công nghệ bị điều tra hoặc gây sức ép là niêm yết tại thị trường Mỹ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận