Người mua nhà ở xã hội vẫn được vay ưu đãi
Lãnh đạo NHNN cho biết đề xuất tại dự thảo sửa đổi Thông tư 25 chỉ áp dụng cho các TCTD được chỉ định, không áp dụng với việc cho vay đang thực hiện tại Ngân hàng Chính sách.
- Hà Nội: Siết quy định mua bán, đầu tư, cho thuê nhà ở xã hội
- "Nóng" cuộc đua giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua
- Bấm vào app vay tiền là... 'chết' vì lãi suất toàn 1000%
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, đã có chia sẻ liên quan đề xuất mới trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Cụ thể, ông Tuấn Anh cho biết trong dự thảo mới có đề xuất loại trừ đối tượng vay vốn để mua, thuê nhà ở xã hội. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người mua nhà ở xã hội sẽ không được vay ưu đãi nữa.
Theo Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Luật Nhà ở hiện nay chỉ quy định chính sách hỗ trợ bên mua, thuê nhà ở xã hội thực hiện tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Trong khi đó, không có chính sách hỗ trợ mua, thuê nhà ở xã hội với các tổ chức tín dụng được chỉ định.
“Do đó, NHNN đã xây dựng dự thảo thông tư dựa trên quy định của Luật Nhà ở để đảm bảo quy định trong thông tư mới không vi phạm quy định tại các luật liên quan”, ông Tuấn Anh cho biết.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (áo xanh) tại cuộc họp chiều ngày 12/10. Ảnh: NHNN.
Tuy nhiên, vị vụ trưởng cho biết thêm hiện nay việc hỗ trợ vay ưu đãi lãi suất cho người mua, thuê nhà ở xã hội vẫn đang thực hiện tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Còn tại các tổ chức tín dụng được chỉ định, do Bộ Tài chính chưa bố trí được nguồn vốn hỗ trợ nên nhóm các tổ chức tín dụng này chưa có dư nợ phát sinh.
Với thực tế này, khi thông tư mới có hiệu lực sẽ không tác động tới dư nợ cho vay ưu đãi trong hoạt động mua, thuê nhà ở xã hội, với cả dư nợ hiện hữu và dư nợ cho vay mới.
Lãnh đạo Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết hiện NHNN đã khiến nghị Bộ Xây dựng để phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan sửa đổi Luật Nhà ở cho phù hợp với thực tiễn. Dự kiến trong năm 2022 sẽ sửa đổi luật này.
“Như vậy, có thể khẳng định không có chuyện người mua nhà ở xã hội bị mất quyền lợi do thông tư mới, mà việc vay mua nhà ở xã hội vẫn được diễn ra tại Ngân hàng Chính sách Xã hội”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Chính sách ưu đãi vay mua, thuê nhà ở xã hội vẫn được áp dụng thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ảnh: T.L.
Trong thời gian tới, khi Luật Nhà ở được sửa đổi, cơ quan quản lý liên quan sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định, đảm bảo việc cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội thực hiện đúng quy trình.
Trên cơ sở đó, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để xác định nguồn vốn phân bổ cho các hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia vào hoạt động cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội này.
Trước đó, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội của NHNN đã có đề xuất loại trừ đối tượng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Điều này khiến nhiều người lo ngại về việc sẽ không còn được hưởng lãi suất ưu đãi khi vay mua các dự án nhà ở xã hội.
Lý giải cho đề xuất trên, NHNN cho biết Luật Nhà ở hiện nay chỉ quy định các chính sách hỗ trợ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, còn tại tổ chức tín dụng được chỉ định không có chính sách này.
Trong khi đó, Nghị định 100/2015 lại quy định tổ chức tín dụng được chỉ định cho vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội.
Trong trường hợp các văn bản quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Do đó, việc chính sách ưu đãi vốn vay đối với nhà ở xã hội sẽ phải thực hiện theo Luật nhà ở.
Theo ZING
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận