Kỳ họp bất thường Quốc hội khoá XV: Kịch bản chi tiết cho gói kích thích phục hồi kinh tế
Tại phiên họp hôm nay của Kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khoá XV, các ĐBQH sẽ bàn về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đảm bảo xây dựng kịch bản cho định hướng này thông qua Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ.
- Kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội chính thức khai mạc
- Quốc hội dự kiến tổ chức Kỳ họp bất thường vào tháng 1/2022
Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 tăng thêm 2,9 điểm % so với kịch bản không thực hiện chính sách, năm 2023 tăng thêm 0,2 điểm %.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết như trên tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Nội dung này đang được Quốc hội thảo luận trực tuyến buổi sáng và nửa buổi chiều hôm nay (7/1).
Toàn cảnh phiên họp tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội khoá XV.
Trước đó, trong phiên thảo luận tổ, đại biểu Quốc hội đã đề nghị cần đánh giá tác động của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, làm rõ cơ sở tính toán tác động đến tăng trưởng kinh tế, tác động bất lợi đến lạm phát, nợ công, nợ xấu… Xây dựng kịch bản lạm phát, có giải pháp dự phòng các rủi ro có thể xảy ra.
Theo Bộ trưởng, trên cơ sở quy mô và cơ cấu phân bổ nguồn lực theo ngành, lĩnh vực trong 2 năm 2022-2023 của Chương trình, Chính phủ đã đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia, cũng như môi trường đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp, người dân, người lao động.
Chính phủ đã trình bày chi tiết đánh giá tác động đến các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ tại Tờ trình và Báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định.
Về dự kiến tác động đến tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng giải trình, việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ Chương trình sẽ tác động tích cực, kích cầu tiêu dùng, mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế.
Với dự kiến tác động đến lạm phát, báo cáo nêu rõ, Chính phủ đã xem xét, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng tác động của các chính sách tài khóa, tiền tệ đến lạm phát, qua đó tạo tính chủ động, linh hoạt trong điều hành, kiểm soát lạm phát nhưng cũng tránh tạo tâm lý cho người dân, doanh nghiệp, làm gia tăng lạm phát kỳ vọng, gây khó khăn cho việc điều hành chính sách.
Cụ thể, việc triển khai Chương trình, cộng hưởng với tác động trễ từ các biện pháp nới lỏng năm 2020-2021, lạm phát có xu hướng tăng trong năm 2022-2023. Trong quá trình thực hiện, có thể gia tăng áp lực lên lạm phát, do vậy phải theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình giá cả trong nước và thế giới để kịp thời có chính sách phù hợp kiểm soát lạm phát.
Dự kiến tác động đến nợ xấu, Bộ trưởng nêu, ước tính đến cuối tháng 12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) khoảng 1,92%, tăng so với mức 1,69% cuối năm 2020. Trong trường hợp thận trọng hơn, nếu tính cả các khoản nợ có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ này ước tính đến cuối tháng 12/2021 khoảng 7,31% .
Chính phủ sẽ có những kịch bản chi tiết để đảm bảo kiểm soát các tác động của Chính sách tài chính tiền tệ cho phục hồi kinh tế.
Dự kiến khi Chương trình được triển khai tác động làm tăng trưởng kinh tế tăng thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5-7%/năm, ước tính tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD sẽ giảm khoảng 0,2 điểm % và duy trì ở mức dưới 3% cuối năm 2022.
Tỷ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục xu hướng giảm dần và được duy trì dưới mức 2-3% khi nền kinh tế tiếp tục giữ được đà phục hồi nhanh trong các năm tiếp theo, góp phần thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng và các khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay quá thấp có thể khiến khách hàng vay thiếu cẩn trọng trong sử dụng vốn vay, tiềm ẩn rủi ro nhất định lên nợ xấu, Bộ trưởng cho biết.
Thảo luận tại tổ, đại biểu cũng cho rằng cần bổ sung lộ trình thực hiện, chia làm 2 thời kỳ gồm thời kỳ phục hồi và tăng trưởng để có giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn, giảm áp lực lạm phát.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình, Chính phủ đã xác định cụ thể từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và lộ trình thực hiện trong 2 năm 2022-2023. Năm 2022 được xác định là thời kỳ phục hồi, chủ yếu tập trung vào các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; hỗ trợ lãi suất cho vay thương mại; đồng thời tích cực chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến đầu tư thuộc Chương trình, sẵn sàng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân trong năm 2023.
Năm 2023 là thời kỳ phát triển, tập trung triển khai các dự án đầu tư công thuộc Chương trình để tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận