Hà Nội tuyển sinh vào lớp 10: Nỗi lo đến từ dịch Covid-19
Nhiều học sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 liên tục mắc F0, F1 đã khiến không ít phụ huynh lo lắng. Phần lớn những ý kiến đều cho rằng, phương thức thi tuyển tuy đánh giá được thực chất năng lực học sinh nhưng phòng giáo dục - đào tạo (GDĐT) các quận, huyện TP. Hà Nội cũng nên căn cứ vào tình hình dịch bệnh để đưa ra phương án tổ chức hợp lý, giảm gánh nặng thi cử do việc học trực tuyến kéo dài.
- Hà Nội chốt phương án tuyển sinh lớp 10 với một số thay đổi về đăng ký nguyện vọng vào trường công lập
- Dự báo điểm chuẩn vào lớp 10 năm nay khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
- Hà Nội công bố điểm thi và điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2020-2021
Con lo một, phụ huynh lo mười
Nghe tin Sở GDĐT Thành phố Hà Nội vừa chốt phương án tuyển sinh vào lớp 10, chị Hoàng Thanh Loan (sinh năm 1980, quận Cầu Giấy) cũng thở phào nhẹ nhõm. Việc học online kéo dài đã khiến không ít gia đình như chị Loan lo rằng liệu con mình có nắm bắt kiến thức kịp với các bạn hay không? Gần hết học kỳ I nhưng phương án dự thi mới được công bố và thống nhất, khiến cả học sinh lẫn phụ huynh thấp thỏm như ngồi trên đống lửa.
Chị Hoàng Thanh Loan chia sẻ: "Con tôi đăng ký dự thi vào lớp 10 Văn trường THPT Chu Văn An. Mấy hôm có thông tin Sở GDĐT Hà Nội dự kiến sẽ thi thêm môn thứ 4, cả gia đình tôi đều nín thở, hồi hộp. Chốt xong phương án thi tuyển với 3 môn chính, đa số phụ huynh như tôi vẫn còn cảm thấy e dè vì cả năm nay các con đều không được đến trường học tập trung.
Chưa kể đến việc có những học sinh mắc COVID-19, sức khỏe bị ảnh hưởng thì chỉ riêng việc ôn luyện 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ cũng đã đủ chật vật. Vì lo lắng sức khoẻ nên tôi đã thuê riêng gia sư dạy kèm môn chuyên, hạn chế cho con đi học thêm bên ngoài".
Việc bỏ 1 môn thi khiến nhiều phụ huynh cảm thấy an tâm, học sinh cũng giảm được nhiều áp lực để tập trung ôn luyện hơn.
Cả năm giảng dạy online, chị Nguyễn Thị Hồng (giáo viên một trường THCS quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng thấu hiểu những bất cập, lo lắng việc học tập của học sinh sẽ hạn chế hơn khi tương tác trực tiếp trên lớp. Nhất là khi nhiều học sinh, thầy cô tại trường liên tục bị F0, F1 đã ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học.
Từ đầu năm học đến giờ, con trai chị Hồng cũng chỉ học offline được 2 tuần thì ngay sau đó đã phải quay lại học online. Do cuối cấp, lượng kiến thức tổng hợp được nhân lên rất nhiều lần, việc bỏ 1 môn thi khiến nhiều phụ huynh cảm thấy an tâm, học sinh cũng giảm được nhiều áp lực để tập trung ôn luyện hơn.
"Trường tôi là 1 trong 94,5% các trường đồng ý với phương án tổ chức thi 3 môn. Quyết định của Thành phố và Sở GDĐT Hà Nội đã khiến giáo viên, học sinh và phụ huynh nhà trường rất vui khi nhận được thông tin này. Cũng như các quận huyện khác, việc đi học trực tiếp thời gian qua không đảm bảo vì học sinh F0, F1 nhiều khiến các em phải liên tục đổi hình thức học online - offline.
Đa số các em học sinh lớp 9 dù tỏ ra lo lắng cho kỳ thi nhưng vẫn cố gắng đi học rất đầy đủ. Số lượng F0 trong những ngày gần đây cũng giảm nhiều. Chỉ khoảng 10 học sinh là F0 mỗi ngày trên hơn 2.000 học sinh toàn trường. Tôi hy vọng dịch COVID-19 sớm được kiểm soát để học sinh ôn tập và bước vào kỳ thi với sự chuẩn bị kiến thức, sức khỏe tốt nhất" - cô giáo Nguyễn Mỹ Hảo (Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) bày tỏ.
Tổ chức an toàn, hiệu quả
Trước mỗi kỳ thi, nhiều bậc phụ huynh có con dự thi vào lớp 10 THPT đều có chung tâm trạng "đứng ngồi không yên" khi phải chờ đợi thời gian chốt phương án tuyển sinh của các trường công lập. Trong năm học 2021-2022 này, nỗi lo ấy càng nhân lên gấp bội khi việc học tập của các em chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, thiệt thòi khi khoảng thời gian cuối cấp chủ yếu là học online, không được giao lưu, gặp gỡ với bè bạn.
Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội vừa có văn bản số 715/UBND-KGVX về phương án tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập, không chuyên năm học 2022-2023. Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội đã đồng ý với phương án trình của Sở GDĐT về phương án tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên theo phương thức thi tuyển với ba bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bỏ môn thi thứ tư. Thông tin này đã nhận được đồng tình của hàng loạt giáo viên, phụ huynh và học sinh trong toàn thành phố.
UBND Thành phố Hà Nội đã đồng ý với phương án trình của Sở GDĐT về phương án tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên theo phương thức thi tuyển với ba bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bỏ môn thi thứ tư.
Cụ thể, đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập, không chuyên năm nay chủ yếu nằm toàn bộ trong chương trình lớp 9. Mức độ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của đề thi đã được tinh giảm để phù hợp với thời gian, đảm bảo theo đúng hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học tại các văn bản của Bộ GDĐT.
Đối với môn Toán và Ngữ văn được thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút. Môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài là 60 phút với nhiều mã đề, đảm bảo trong một phòng thi hai thí sinh liền kề sẽ không trùng mã. Lịch thi sẽ dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 10.6 - 20.6.2022.
Chia sẻ về lý do chọn phương án thi 3 môn, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho rằng: "Tính đến thời điểm hiện nay, về cơ bản các trường THCS trên địa bàn thành phố đã hoàn thành công tác giảng dạy đối với học sinh lớp 9. Hầu hết các thầy cô hiệu trưởng trường THPT, trưởng phòng GDĐT quận, huyện, thị xã và hiệu trưởng trường THCS đều đề xuất phương án tổ chức thi 3 môn Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ.
Sở GDĐT đã tổ chức lấy ý kiến của 422 trường THPT, phòng GDĐT, trường THCS thì có 399 ý kiến đồng ý với phương án tổ chức thi 3 môn, chiếm tỉ lệ 94,5%. Do tình hình dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, học sinh lớp 9 THCS chuẩn bị kỳ thi chuyển cấp đã phải học trực tuyến hầu hết thời gian trong năm học. Vì vậy, tổ chức thi tuyển 3 môn nằm "tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh" theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GDĐT".
Năm học 2021- 2022, dự kiến toàn thành phố có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học 2020-2021). Số thí sinh dự tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2022-2023 là gần 100.000 em.
Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS khoảng 60% số học sinh tuyển vào trường THPT công lập, 21% số học sinh tuyển vào trường THPT tư thục, 10% số học sinh tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và khoảng 9% số học sinh tham gia học nghề.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận