Cổ phiếu lớn đồng loạt quay đầu, VN-Index rời đỉnh
Tốc độ giảm đã gia tăng trong phiên đầu tuần khi cuối cùng thì nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn kéo VN-Index đã thoái lui. Đa số cổ phiếu cũng lũ lượt giảm theo.
- Hai chủ sở hữu “khủng” của Nước sạch Sông Đà bị ảnh hưởng, cổ phiếu tụt giảm
- Nên mua và nắm giữ những cổ phiếu ngân hàng nào?
- Tỷ phú Trần Bá Dương chi hơn 1.000 tỷ đồng mua cổ phiếu HAGL Agrico
Mất trụ
Trong số các cổ phiếu vốn hóa lớn đưa VN-Index vượt 1.000 điểm, hôm nay vẫn còn VHM tăng 0,2%. Cổ phiếu này cũng chỉ tăng được ở phút đóng cửa và nhờ đó, duy trì lực đỡ nhỏ đối với chỉ số. Nếu không có VHM, mức giảm chắc chắn sẽ lớn hơn 5,74 điểm phiên này.
Thực ra vẫn còn một vài mã nữa tăng, nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều lắm tới thị trường. VNM tăng 0,08% là gần như không đáng kể. TCB tăng 0,2%, MBB tăng 0,21% là hai mã ngân hàng duy nhất của HSX tăng. VRE tăng 0,14%, vốn hóa đã nhỏ lại còn tăng yếu. FPT tăng 0,67%, HPG tăng 0,44%.
Cổ phiếu tăng bất thường nhất là ROS, đóng cửa vọt lên trên tham chiếu 1,6%. ROS cũng gần như SAB, rất khó biết lúc nào sẽ biến động giật cục kiểu như vậy. Trong phiên ROS toàn giảm, chỉ đóng cửa mới được kéo lên.
Các blue-chips còn lại đa số giảm, với sức ép lớn nhất đến từ VIC. Cổ phiếu này sụt giảm 1,33% là mạnh nhất kể từ đầu tháng 10. VIC đã giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp và nằm trong xu hướng giảm ngắn hạn tới phiên thứ 6, giảm tổng cộng 2,94% so với đỉnh. Trước đó hai tuần cuối tháng 10 VIC tăng gần 5%.
Nhóm cổ phiếu được kỳ vọng nhất lúc này là ngân hàng, khả dĩ thay thế các cổ phiếu lớn khác, thì giao dịch quá yếu. Ngoài TCB và MBB tăng không đáng kể, VCB giảm 0,22%, VPB giảm 1,13%, STB giảm 0,46%, HDB giảm 0,17%, CTG giảm 1,57%.
Đặc biệt 3 cổ phiếu lớn khác giảm rất sâu là SAB giảm 1,88%, MSN giảm 2,99%, GAS giảm 1,32%. Chỉ số VN30Index đại diện các blue-chips sàn HSX đóng cửa giảm 0,53%, xác lập mức giảm mạnh nhất 15 phiên. Đặc biệt số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 2,4 lần số cổ phiếu tăng.
Với đa số blue-chips giảm, VN-Index giảm là điều không có gì bất ngờ. Tuy nhiên nhà đầu tư sẽ cảm thấy khó chịu hơn vì có quá nhiều cổ phiếu khác cũng giảm theo, bất kể là trước đó giá có tăng theo VN-Index vượt 1.000 điểm hay không. Sàn HSX cứ 1 mã giảm chỉ có 0,6 mã tăng mà thôi.
Các mã đầu cơ dĩ nhiên chịu tác động rõ nhất vì nhóm này chỉ khỏe khi thị trường chung tích cực hoặc đi ngang. FTM giảm 5,07%, PXS giảm 4,35%, DRH giảm 4,03%, APG giảm 3,96%, CVT giảm 3,69%, LDG giảm 3,37%, DLG giảm 3,21%, FLC giảm 2,61%... Một vài mã đi ngược dòng nhờ lực đầu cơ riêng, nổi bật là nhóm kịch trần thanh khoản lớn với 3 mã BCG, HAR và HDC.
Thị trường rời đỉnh ngắn hạn
Mất 5,74 điểm hôm nay VN-Index bước sang phiên giảm thứ 3 liên tiếp, nhưng thực tế hai phiên trước mức giảm quá nhỏ, không tạo nhiều cảm giác điều chỉnh.
Phiên này mức giảm vừa mạnh rõ nét hơn, vừa kéo theo số rất lớn cổ phiếu giảm giá. Do đó ấn tượng về phiên điều chỉnh cũng trở nên sâu sắc hơn, mặc dù so với các phiên giảm tháng 8, tháng 9 vừa rồi, hơn 5 điểm không phải là nhiều.
Việc VN-Index được kéo mạnh qua mốc 1.000 điểm nhờ các cổ phiếu vốn hóa lớn luôn tạo cảm giác lo lắng cho nhà đầu tư vì “lỡ” các mã này quay đầu, thị trường chung sẽ bị ảnh hưởng. Có thể thấy hàng trăm cổ phiếu giảm giá phiên này không nhất thiết là bám sát nhịp tăng của các mã trụ. Mặc dù không ít nhà đầu tư đều cảm thấy thị trường có nguy cơ điều chỉnh ngắn hạn sau khi vượt xa mốc 1.000 điểm, nhưng diễn biến điều chỉnh bình thường sẽ trở nên khó khăn hơn khi các cổ phiếu không tăng thì bây giờ cũng giảm.
Thông thường sau khi vượt được một mức kháng cự mạnh như ngưỡng 1000 điểm thị trường rất dễ điều chỉnh để kiểm định lại, biến mốc kháng cự trước đó thành mức hỗ trợ. Nhiều phân tích từ các công ty chứng khoán đều cho rằng “điều chỉnh là cần thiết”, nhưng với các nhà đầu tư chưa được hoặc được hưởng rất ít cảm giác tăng tuần trước thì có thể lại là thiệt hại. Vì vậy đón nhận việc thị trường rời đỉnh vào điều chỉnh ngắn hạn sẽ có cảm giác rất khác nhau.
Hiện tại vẫn chưa có cổ phiếu vốn hóa lớn nào thay thế, VN-Index phiên này bớt xấu cũng vẫn phải nhờ VHM tăng giá. Cổ phiếu này sau 8 phiên tăng mạnh liên tục, cuối tuần trước mới giảm 1,01% thì hôm nay lại quay đầu tăng 0,2%. Nếu VHM gia nhập nhóm các blue-chips lớn nhất điều chỉnh, VN-Index sẽ khó cưỡng lại được đà giảm nhanh hơn.
HSX | HNX | ||
Giá trị Khớp lệnh | Khối lượng Khớp lệnh | Giá trị Khớp lệnh | Khối lượng Khớp lệnh |
3555 tỷ đồng (+4%) | 170,8 triệu (+8%) | 226 tỷ đồng (-28%) | 20,5 triệu (-15%) |
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận