Gốm sứ Minh Long: Phá vỡ 'chướng ngại vật' để đổi mới sáng tạo
Xuất thân từ gia đình có truyền thống 4 đời làm gốm nhà họ Lý, có bề dày kinh nghiệm hơn 100 năm. Ông Lý Ngọc Minh trở thành thế hệ tiếp nối và từ đó không ngừng đổi mới sáng tạo sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu ra nước ngoài.
- Hà Nội giữ lại tên "Con đường gốm sứ ven Sông Hồng"
- “Con đường gốm sứ”: Hành trình 10 năm khôi phục lại vẻ đẹp vốn có
- Gốm Đất Việt được trao Kỷ niệm chương 'Tinh hoa Kỷ lục' của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam
Bắt đầu hành trình 50 năm đổi mới, lan tỏa tinh hoa gốm sứ Việt ra thế giới, phủ sóng rộng khắp toàn quốc và các thị trường lớn như Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Nga… Sau năm 1995, Gốm sứ Minh Long chuyển hướng sang sản xuất sứ gia dụng cao cấp.
Những “cuộc cách mạng” tạo nên sự thay đổi trong 50 năm
“Chúng ta đứng trên một cái đỉnh cao mà chúng ta muốn leo nữa thì chúng ta phải xuống núi để leo một cái đỉnh thứ hai. Phải xuống núi để leo lên lần nữa không phải đơn giản”, ông Minh chia sẻ tại The Next Power.
Thành lập năm 1970, Công ty TNHH Minh Long I là sự kế thừa truyền thống làm gốm bốn đời của dòng họ Lý (thời ông nội của nhà sáng lập Lý Ngọc Minh) có bề dày hơn 100 năm. Thời điểm đó, Minh Long bắt đầu từ sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu ra nước ngoài, sau năm 1995, doanh nghiệp này chuyển hướng sang sản xuất sứ gia dụng cao cấp.
Chia sẻ về những cột mốc đáng chú ý của Minh Long, ông Minh cho biết có 3 cuộc cách mạng lớn tạo nên sự thay đổi của doanh nghiệp từ khi thành lập.
Thứ nhất, đó là khi ông Minh khoảng 16, 17 tuổi, trở thành người làm chủ công việc kinh doanh. Đó là thời điểm mà cậu bé còn mơ mộng viễn vông vùi đầu vào công việc nghiên cứu nhưng vì không đủ nguồn lực nên phải dừng lại.
Thứ hai, khi ông Minh nghe được câu chuyện vị lãnh đạo trung ương - ông Đỗ Mười, cho rằng tỉnh Bình Dương là một tỉnh gốm sứ cho nên hoàn toàn có thể sản xuất ra những bộ ấm chén để tiếp khách, không cần phải nhập khẩu từ nước ngoài. Ông Lý Ngọc Minh nhớ lại ước mơ thời còn nhỏ, một lần nữa quyết tâm theo đuổi nghề gốm sứ.
XEM THÊM: 12 chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý
Cuối cùng là cuộc cách mạng về việc áp dụng những máy móc hiện đại, dây chuyền tự động hoá cùng công nghệ sản xuất mới nhất thế giới để tạo nên những sản phẩm như đột phá như hiện tại. Trong đó phải kể đến công nghệ sản xuất gốm sứ cao cấp ở nhiệt độ 1.380 độ C, đạt tiêu chuẩn châu Âu bằng phương pháp đốt một lần lửa.
Với công nghệ này, Công ty Minh Long được cho là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới thực hiện nung một lần ở nhiệt độ 1.380 độ C (theo ông Dietmar Preibinger, nguyên Giám đốc Rosenthal - hãng sứ nổi tiếng của Đức). Việc nung một lần ở nhiệt độ 1.380 độ C giúp sản phẩm có lớp men cứng, chắc, đạt độ bóng cao, ít bám bụi, đồng thời không chứa các chất độc hại. Đây cũng là một điểm độc đáo của sản phẩm gốm sứ cao cấp Minh Long.
Học tắt nhưng học rất sâu – Phá vỡ “chướng ngại vật” để đổi mới sáng tạo
“Tôi có một cách khác là tôi không học các chuyên khoa, chuyên môn bởi vì học bài bản thì tốn thời gian quá dài và cuộc sống không cho phép cho nên tôi học tắt”, ông cho biết.
Với những sản phẩm mang tính sáng tạo, đột phá, Minh Long đều cần khoảng thời gian dài, qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, cải tiến nhiều năm để mang đến một sản phẩm hoàn thiện.
Điều này đặt ra cho người đứng đầu bài toán làm thế nào để tối ưu hóa thời gian trong khi vẫn đạt được hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn, việc áp dụng công nghệ nung một lần ở nhiệt độ cao cùng nhiều công nghệ tiên tiến, đột phá áp dụng trong sản xuất khác, Minh Long có thể tiết kiệm tối đa chi phí và giúp sản phẩm đạt chất lượng cao nhất.
Vượt qua "bẫy" của doanh nghiệp đang ở "Đỉnh"
Nhìn về bức tranh tương lai của gốm sứ Minh Long, ông Minh cho rằng quá trình đổi mới sáng tạo sẽ luôn tiếp tục và không có điểm dừng. Ông cho rằng người đi trước không những là người dẫn dắt, mà còn cho người đi sau thấy được con đường mà họ đi đến thành công. Do đó, những người trẻ không chỉ có thể tiếp nối sự nghiệp mà còn có thể sáng tạo ra những cái mới để thay thế cái cũ.
"Sứ và chất dẻo ngày nay người ta gọi chung là siêu vật liệu. Nếu mình tìm được cách thức để giải quyết và mình có trong tay kiến thức thì mình sẽ tạo ra những cái mới hoài", ông Minh chia sẻ thêm.
Một trong những "cái bẫy" lớn cho Minh Long để đi tới tương lai là doanh nghiệp đang là một trong những doanh nghiệp dẫn dắt thị trường, hay nói cách khác là đang ở trên "đỉnh". Vị thế này đòi hỏi công ty có sự đầu tư mạnh mẽ về máy móc, công nghệ, dẫn đến giá thành cao, khó tiếp cận thị trường.
Đối mặt với những thách thức này, ông Minh cho rằng đó là động lực cho sự sáng tạo của chính mình, của doanh nghiệp. "Chúng ta phải tìm cách nào để thích nghi bởi trong cái khó ló cái khôn mà chính không có cái khó thì chúng ta không thể sáng tạo."
Tại chương trình, doanh nhân Lý Ngọc Minh cũng nhắn gửi đến những doanh nghiệp đang trên đường gây dựng sự nghiệp cũng như các doanh nghiệp đang tiếp tục với những trải nghiệm riêng của mình về bài học của sự thành công. Khẳng định ba yếu tố "học, hỏi, hành" là yếu tố tiên quyết giúp người đứng đầu đưa doanh nghiệp cất cánh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận