Báo chí phải đi đầu trong Chuyển đổi số
Sáng 11/6, tại Hà Nội, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
- Nâng cao quản lý đầu tư, ứng dụng CNTT, CĐS sử dụng ngân sách nhà nước
- 22 nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy triển khai CĐS đột phá trong năm 2022
- CĐS giai đoạn 2022-2025 - Bộ Công Thương lấy người dân và DN làm trung tâm
Tham dự hội thảo có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Bá, Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông; PGS,TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, đại diện các đơn vị nghiên cứu, đào tạo…
Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý báo chí, các nhà báo thảo luận, phản biện, bổ sung thêm nhiều góc nhìn khác nhau về chuyển đổi số báo chí cũng như Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ.
Phát biểu khai mạc, PGS,TS Đặng Thị Thu Hương cho biết hội thảo là sự kiện khoa học thường niên trong khuôn khổ “Diễn đàn báo chí tháng 6” do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông phối hợp Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức, với mục tiêu tăng cường đối thoại, thúc đẩy sáng kiến ý tưởng, tăng cường hợp tác nghiên cứu và hành động cho sự phát triển bền vững của báo chí Việt Nam.
PGS,TS Đặng Thị Thu Hương phát biểu khai mạc Hội thảo.
“Diễn đàn Báo chí tháng 6” năm 2022 lựa chọn một chủ đề đang tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí hiện nay: “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Theo đó, việc thảo luận, phân tích về những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho cả hệ thống cũng như từng cơ quan, tổ chức.
PGS,TS Đặng Thị Thu Hương nhấn mạnh, trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo động lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội phải tiến hành chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung, thậm chí phát triển trưởng thành thành một ngành kinh tế truyền thông số.
Lãnh đạo cơ quan báo chí cần phải thay đổi tư duy về CĐS
Nhà báo Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Tạp chí TT&TT cho biết: Hội thảo được tổ chức vào thời điểm có hai sự kiện ý nghĩa là Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) và dịp Bộ TT&TT đang trình Chính phủ để phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí Việt Nam. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các nhà quản lý báo chí, các nhà báo có dịp thảo luận, phản biện, bổ sung thêm nhiều góc nhìn khác nhau về CĐS báo chí cũng như Chiến lược CĐS báo chí của Bộ TT&TT".
Nhà báo Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Tạp chí TT&TT và PGS.TS. Bùi Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông chủ trì Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: CĐS là một xu thế ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội. Báo chí phải đi đầu trong CĐS. Trong xu hướng công nghệ hiện nay, báo chí buộc phải lên không gian số. Thay vì đọc báo một cách truyền thống như trước đây, phần lớn độc giả ngày nay tiếp cận thông tin của các cơ quan báo chí một cách ngẫu nhiên qua những thuật toán, tin tức được gợi ý.
Ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, so với câu chuyện tự đầu tư hạ tầng thì việc sử dụng hạ tầng bên thứ ba là phù hợp với các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay, nhưng phải kiểm soát các vấn đề như dòng tiền chia sẻ từ nền tảng, bảo vệ tài nguyên của các cơ quan báo chí trên không gian số
Nhà báo Nguyễn Thanh Lâm: lãnh đạo các cơ quan báo chí cần phải thay đổi tư duy về CĐS.
“Nhiều người nói rằng để lên không gian số thì cơ quan báo chí phải đầu tư, sử dụng nền tảng riêng, cũng có ý kiến cho rằng phải sử dụng nền tảng của bên thứ ba. Ở đây, sẽ có câu chuyện đầu tư của Nhà nước nhưng không phải theo cách dùng ngân sách mà là kéo các chủ thể tham gia hệ sinh thái số vào cuộc chơi chung, cùng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí. Cả cơ quan báo chí và cơ quan nhà nước sẽ cùng bảo vệ nội dung số, cùng bảo vệ tài nguyên báo chí trên internet” - ông Lâm chia sẻ.
"Quan trọng nhất là lãnh đạo các cơ quan báo chí cần phải thay đổi tư duy về CĐS và chúng ta phải có ý thức làm cùng nhau, làm như thế nào thì mỗi người một việc. Nhà nước sẽ cùng làm với các đơn vị báo chí"- nhà báo Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.
Tiếp cận CĐS báo chí phù hợp với Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, thời gian qua, câu chuyện chuyển đổi số được nhắc đến trong hầu hết các lĩnh vực. Trong lĩnh vực báo chí, nhiều tòa soạn và phóng viên không có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về chuyển đổi số.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân "Chúng ta cũng không nên lệ thuộc vào các nền tảng. Báo chí phải nắm dữ liệu".
Chia sẻ về một số kết quả chuyển đổi số nổi bật của Báo Nhân Dân thời gian qua, ông Lê Quốc Minh cho biết Báo Nhân Dân đã và đang có nhiều thay đổi như sử dụng QR Code để giới thiệu nội dung, thay đổi măng sét, cấu trúc lại nội dung và các loại tin tức. Theo đó, quan điểm “digital first” đang được áp dụng tại Báo Nhân Dân một cách triệt để. Ngoài ra, Báo Nhân Dân cũng đẩy mạnh thông tin trên nền tảng số để tiếp cận nhanh hơn tới độc giả theo cách thức “đa nền tảng”, trong đó có cả các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tik Tok…
Về một số giải pháp và kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới, cụ thể là với Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Lê Quốc Minh cho biết sẽ thực hiện quy trình sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp; sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích; đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi; tăng cường nghiên cứu và phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và báo chí tự động (robot journalism). Cùng với đó là chủ trương đa dạng hóa nguồn thu; trực tiếp thu thập dữ liệu độc giả (first-party data); hợp tác phát hành nội dung trên nhiều nền tảng phi báo chí…
Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, Báo Nhân Dân đang cố gắng trở thành trung tâm kết nối dữ liệu và công nghệ cho hệ thống báo Đảng thuộc 63 tỉnh, thành phố, và phấn đấu với phương châm “Nơi nào có nhân dân, nơi đó có báo Nhân Dân”.
Tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý báo chí, nhà báo tại hội thảo tập trung vào một số chủ đề như: Báo chí số - Nhìn lại 30 năm nghiên cứu và triển vọng phía trước; Quản trị tại các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số; Mô hình toà soạn hội tụ trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; Phát triển chiến lược kinh doanh nội dung số: kinh nghiệm từ báo chí thế giới; Những đặc điểm của xã hội số và cơ hội, thách thức đối với chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam từ góc nhìn độc giả; Định hướng công nghệ trong đào tạo báo chí; Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí: Thực tiễn và các vấn đề pháp lý; Chuyển đổi số báo chí – Chuyển đổi từ nhận thức; Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số báo chí; Phát triển nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới…
TS. Phan Văn Kiền: báo chí cũng là một lĩnh vực cần được ưu tiên CĐS.
Với 2 phiên chính, Hội thảo “Chuyển đổi số báo chí - những vấn đề lý luận và thực tiễn” đã tập trung đi sâu vào các vấn đề đặt ra trong việc triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới; Những khuyến nghị để các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam xây dựng được nền tảng riêng, hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, kiểm soát và chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng.
Đồng thời đưa ra những đề xuất tới cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng, dẫn dắt chuyển đổi số báo chí, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong quá trình thử nghiệm công nghệ hiện đại để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, quy trình sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và mô hình kinh doanh nhằm tối ưu hoạt động, tạo ra sản phẩm chất lượng, cơ hội, doanh thu và các giá trị gia tăng.
Những nghiên cứu và lập luận của các nhà nghiên cứu, giảng viên về các vấn đề báo chí trong tình hình hiện nay cũng như các vấn đề về CĐS báo chí sẽ là cơ sở thực tiễn cho các nhà quản lý cũng như các đơn vị báo chí tham khảo khi thực hiện CĐS.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận