Người dùng Việt ngày càng cởi mở hơn với Y tế số
Theo BambuUP, người dùng Việt ngày càng cởi mở hơn với những sản phẩm và dịch vụ Y tế thuận tiện như đặt lịch khám online, mua thuốc từ xa…. Xu hướng này tạo ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho y tế số, nhất là việc ứng dụng Internet vạn vật trong lĩnh vực này (Internet of Medical Things - IoMT).
- Cơ hội bứt phát của Y tế số trong Techfest Vietnam 2020
- Y tế số 4.0 tạo hệ thống xuyên suốt từ trung ương đến địa phương phòng chống COVID-19
- Bệnh viện thông minh - Mục tiêu trọng tâm của nền Y tế số
Ngoài việc theo dõi mức độ thể dục cơ bản, các thiết bị đeo được như Apple Watch hiện đang đảm nhận nhiều chức năng của thiết bị y tế.
Cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho Y tế số tại Việt Nam
Theo Báo cáo toàn cảnh Đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở Việt Nam 2021 do Nền tảng kết nối ĐMST mở BambuUP thực hiện, ngành Y tế/Chăm sóc sức khỏe (CSSK) là một trong những ngành được Chính phủ ưu tiên chuyển đổi số (CĐS) hàng đầu. Đầu tiên, đó là việc CĐS trong lĩnh vực CSSK và phòng bệnh.
Trong đó, nổi bật là việc thúc đẩy triển khai sáng kiến "Mỗi người dân có một bác sĩ riêng" với mục tiêu xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, bảo đảm mỗi người có một hồ sơ sức khỏe điện tử và thông tin được cập nhật liên tục, cho phép người dân có thể quản lý, tra cứu thông tin sức khỏe của mình. Cùng với đó là việc phát triển các ứng dụng nhắn tin thông báo về thông tin sức khỏe cho người dân trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.
Tiếp theo là quá trình CĐS trong bệnh viện thông qua việc triển khai các hệ thống phần mềm (HIS, LIS, RIS/PACS, EMR) để đảm bảo khả năng kết nối liên thông, chia sẻ tích hợp dữ liệu, tạo tiền đề cho việc nâng cao khả năng tự động hóa. Song song đẩy mạnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử, khám chữa bệnh từ xa và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc khám chữa bệnh.
Báo cáo của BambuUP cũng khẳng định, bệnh nhân ở Việt Nam ngày càng cởi mở hơn và có xu hướng lựa chọn những sản phẩm và dịch vụ y tế thuận tiện như đặt lịch khám online, mua thuốc từ xa,... đặc biệt trong khoảng thời gian dịch COVID-19. Xu hướng này tạo ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho y tế số nhờ vào việc thu hút thêm khách hàng mới.
Tuy nhiên vấn đề trình độ kỹ thuật số và tính tin cậy cũng là một trong những trở ngại lớn. Đặc biệt với những người lớn tuổi, người ở vùng nông thôn vẫn nghi ngờ về tính chính thống của thông tin được cung cấp trên các nền tảng y tế. Một lý do nữa khiến họ bận tâm là việc bảo mật thông tin và quyền sở hữu thông tin y tế. Do dữ liệu sức khoẻ thường rất nhạy cảm và cá nhân hóa, bệnh nhân thường quan tâm nhiều đến cách dữ liệu của họ được thu thập, xử lý và phân tích bởi nhà cung cấp dịch vụ hoặc bên thứ ba.
Ông Trần Hồng Quang, Điều phối quốc gia, Sáng kiến Dữ liệu cho Sức khỏe, Vital Strategies cho biết, Y tế là một lĩnh vực có rào cản gia nhập ngành ở mức độ cao. Ngay cả trên thế giới, các tập đoàn công nghệ lớn (Google, Microsoft, Apple) đều gặp khó khăn khi gia nhập lĩnh vực CSSK. Chính vì vậy hệ sinh thái y tế số của Việt Nam đang còn rất non trẻ trên cả phương diện số lượng các giải pháp/các bên tham gia cũng như phương diện mức độ "chất xám y tế" của các giải pháp. Phần lớn các giải pháp hay tập trung ở khía cạnh "số hóa" (digitization) - chứ chưa thực sự chạm đến "chuyển đổi" (digitalization).
Mặc dù vậy, tại Việt Nam, các xu hướng công nghệ áp dụng trong y tế, CSSK vẫn còn chưa bắt kịp so với những thay đổi nhanh chóng trên thế giới. Nhưng theo đánh giá, ngành CSSK tại Việt Nam đứng trước triển vọng lạc quan nhờ 3 xu hướng thay đổi trên phương diện kinh tế, xã hội như là: Kinh tế phát triển tầng lớp trung lưu tăng nhanh; Tình trạng già hóa dân số; Sự mở rộng của hệ thống bảo hiểm y tế và bệnh viện.
IoMT đang làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt ngành CSSK, với khả năng thu thập, phân tích và truyền dữ liệu sức khỏe thông qua kho lưu trữ đám mây.
Những giai đoạn phát triển của ứng dụng công nghệ với lĩnh vực Y tế
Về những xu hướng công nghệ trên thế giới, Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) hay cụ thể hơn với ngành Y tế là IoMT đang dần thay đổi cách mọi người sống và làm việc. Khi mà IoMT là sự kết hợp dữ liệu từ thiết bị đo sức khỏe và các ứng dụng di động với hệ thống quản lý y tế, hỗ trợ bác sĩ điều trị bệnh từ xa. Bệnh nhân không cần trực tiếp tới các cơ sở y tế như cách thăm khám truyền thống.
Theo đó, IoMT cho phép bệnh nhân đặt lịch khám mà không cần phải gọi điện đến văn phòng bác sĩ và chờ lễ tân. Công nghệ thông tin CSSK cho phép các bác sĩ mang theo thông tin đến bất cứ nơi đâu thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Khả năng kết nối tuyệt vời này không có dấu hiệu chậm lại và thực tế đang có sự tăng tốc nhanh chóng, khi mà thị trường IoMT toàn cầu dự kiến kiến tăng lên 254,2 tỷ USD vào năm 2026, từ mức 44,5 tỷ USD vào năm 2018.
"IoMT đang làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt ngành CSSK, với khả năng thu thập, phân tích và truyền dữ liệu sức khỏe thông qua kho lưu trữ đám mây hoặc các máy chủ nội bộ", báo cáo của BambuUP nhấn mạnh.
Để có thể triển khai IoMT trong tương lai giúp mang lại những trải nghiệm CSSK tốt hơn, cá nhân hóa hơn cho bệnh nhân, ngành CSSK đã phải trải qua những giai đoạn ứng dụng công nghệ khác nhau. Đầu tiên là việc triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử (Electronic Health Record - HER). Đây cũng là bước tiến lớn nhất về công nghệ trong vài thập kỷ. Trước đây, các bệnh viện có nhiều hệ thống xử lý các chức năng khác nhau, nhưng HER giúp tập hợp tất cả các hệ thống đó vào một hệ thống duy nhất. Với sự phát triển của công nghệ y tế, EHR đang chuyển sang trở thành nền tảng tích hợp với các công cụ mạnh mẽ giúp hỗ trợ các quyết định lâm sàng.
Công nghệ tiếp theo được ứng dụng trong ngành Y tế là công nghệ cổng thông tin. Công nghệ này cho phép bệnh nhân chủ động và tích cực hơn đối với sức khỏe và thể trạng của chính họ. Cổng thông tin cho phép người dùng đăng nhập vào trang web của nhà cung cấp dịch vụ CSSK để truy cập hồ sơ y tế của họ, tải xuống biểu mẫu và chuẩn bị cho các cuộc hẹn. Các công ty CSSK đã dự kiến chi 11,4 tỷ USD vào năm 2019 cho điện toán đám mây để hợp lý hóa việc chia sẻ dữ liệu y tế và thúc đẩy đổi mới.
Cuối cùng là công nghệ IoMT cho phép các nhà cung cấp dịch vụ CSSK mở rộng phạm vi tiếp cận của họ ra bên ngoài môi trường y tế truyền thống. Hệ thống giám sát tại nhà cho phép bệnh nhân và bác sĩ theo dõi sức khỏe của một cá nhân khi không có mặt tại phòng khám của bác sĩ để tránh những chuyến đi không cần thiết và những chi phí tốn kém khác.
Ngoài ra, trước tình trạng một số bệnh nhân không dùng thuốc với liều lượng thích hợp hoặc vào thời điểm thích hợp, máy phân phát thuốc thông minh trong nhà có thể tự động tải thông tin lên đám mây và cảnh báo cho bác sĩ khi bệnh nhân không dùng thuốc của họ. Nói rộng hơn, loại công nghệ này có thể cho các bác sĩ biết về bất kỳ hành vi nguy hiểm tiềm ẩn nào của bệnh nhân.
Các hệ thống y tế và bệnh viện của Hoa Kỳ đang ứng dụng IoMT để phát triển một công nghệ cải thiện kết quả và giảm chi phí là công nghệ theo dõi bệnh nhân từ xa (RPM). Loại hình chăm sóc bệnh nhân này tận dụng các thiết bị được kết nối với cảm biến IoT để cung cấp cho bác sĩ luồng dữ liệu sức khỏe theo thời gian thực liên tục như theo dõi nhịp tim, huyết áp và đường huyết.
Thậm chí, nhiều bệnh viện đã bắt đầu sử dụng giường thông minh, có thể cảm nhận được sự hiện diện của bệnh nhân và tự động điều chỉnh theo góc độ và áp lực chính xác để hỗ trợ thích hợp mà không cần y tá can thiệp.
Ngoài việc theo dõi mức độ thể dục cơ bản, các thiết bị đeo được như Apple Watch hiện đang đảm nhận nhiều chức năng của thiết bị y tế, khi các công ty công nghệ nhận thấy cơ hội sinh lời ngày càng tăng trong thị trường sức khỏe kỹ thuật số. Điều này thể hiện ở việc Apple Watch liên tục tiếp tục cải tiến các tính năng sức khỏe của mình như điện tâm đồ (EKG) được FDA phê duyệt được nhúng trong Series 4 và cả tính năng theo dõi sức khỏe kinh nguyệt và ứng dụng Nghiên cứu chuyên dụng được thêm vào Series 5.
Ngoài Apple, một số công ty nổi tiếng khác cũng đang đang cố gắng giành được một phần chính của thị phần bằng cách phát triển các sản phẩm cho các ứng dụng y tế cụ thể, tăng cường hợp tác nghiên cứu và phát triển cũng như mua lại các công ty khởi nghiệp mới. Ví dụ, Microsoft đã xây dựng nền tảng đám mây Microsoft Azure để tạo điều kiện cho việc phân phối nhiều dịch vụ CSSK dựa trên đám mây.
Ngoài ra, cũng có hàng chục doanh nghiệp và startup khác cũng đang tìm cách thâm nhập vào lĩnh vực này./.
Theo Thông tin và Truyền thông
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận