Điều chỉnh lãi suất dịp cuối năm nhằm ổn định kinh tế vĩ mô
Sau những biến động lãi suất mấy ngày qua, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính thì những động thái này của hệ thống ngân hàng đã có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp đặc biệt vào thời điểm nhu cầu vốn cao vào cuối năm.
- NHNN cắt giảm lãi suất huy động để hướng tới mục tiêu nào
- Ngân hàng nào điều chỉnh lãi suất giảm với mức cao nhất là bao nhiêu?
- Bộ Tài chính: Không nên đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao
Sau 2 Quyết định của Ngân hàng Nhà nước công bố chiều 18/11 về việc hạ trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay từ 0,2-0,5%/năm, các ngân hàng đã ngay lập tức thông báo giảm lãi suất huy động nhiều kỳ hạn. Tại một số ngân hàng lớn, lãi suất cho vay cũng đã hạ.
TS. Lê Duy Bình, Chuyên gia kinh tế của Economica Vietnam cho rằng, việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện tại bởi một số ngân hàng áp dụng lãi suất giảm cho tất cả các khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp chứ không chỉ áp dụng riêng cho khoản vay mới.
Việc điều chỉnh lãi suất đang tác động tích cực đối với tình hình kinh tế vĩ mô.
"Với tổng dư nợ cho cộng đồng doanh nghiệp hiện nay vào khoảng 320.000 tỷ đồng thì việc lãi suất cho vay giảm từ 0,2-0,5%/năm tùy từng ngân hàng sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tiết kiệm được từ 1.000-1.600 tỷ đồng/năm, tương đương 90 đến hơn 100 tỷ đồng/tháng. Đây là điều mà doanh nghiệp sẽ cảm nhận được ngay, nhất là với các doanh nghiệp sắp đến kỳ trả lãi ngân hàng tới đây", ông Bình ước tính.
Vietcombank là ngân hàng tiên phong phát đi thông báo giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng VND của doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm 2019.
Ngay sau thông báo của Vietcombank, MSB cũng công bố giảm mạnh tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh; giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi… trong nông nghiệp.
Còn tại BIDV, lãi suất cho vay từ ngày 19/11 được điều chỉnh giảm thêm 0,2- 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành và duy trì chính sách cho vay đối tượng ưu tiên tối đa 5,5%/năm, thấp so với quy định mới điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước 0,5%/năm.
VietinBank cũng công bố lãi suất cho vay VND ngắn hạn tối đa giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank nhận định, những kết quả trong tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam là cơ sở quan trọng để các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh mặt bằng lãi suất huy động và trên cơ sở đó tiếp tục điều chỉnh mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc hạ lãi suất hiện nay mới chỉ thấy ở các ngân hàng lớn, có tiềm lực tài chính mạnh còn với các ngân hàng khác cần có độ trễ nhất định. Việc giảm lãi suất huy động kéo theo chi phí vốn giảm là cơ sở để các ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn, miễn là duy trì biên độ lợi nhuận ở mức 3%.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng các ngân hàng nhỏ và yếu về thanh khoản sẽ vẫn phải huy động với mức lãi suất cao. Như vậy, lãi suất cho vay sẽ khó giảm nhất là khi nền kinh tế đang đi vào chu kỳ cuối năm với nhu cầu vốn cao.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng đã công bố giảm lãi suất huy động trung bình từ 0,1-0,4%/năm đối với nhiều kỳ hạn. Mức lãi suất giảm sâu nhất hiện nay lên đến 1%/năm tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) khi lãi suất cao nhất gửi tại quầy ngân hàng này giảm từ 8,6%/năm xuống còn 7,6-7,8%/năm với kì hạn gửi 24 tháng.
Đánh giá về tác động của việc giảm lãi suất này đối với người gửi tiền, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trần lãi suất huy động 5%/năm chỉ áp dụng cho các khoản gửi dưới 6 tháng (6 tháng trừ 1 ngày). Vì vậy, không quá ngạc nhiên nếu người dân lựa chọn gửi thêm 1 ngày để được hưởng mức lãi suất thỏa thuận của kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, cao hơn khá nhiều so với mức 5%/năm.
Phân tích các yếu tố của nền kinh tế hiện nay, ông Hiếu cũng đề xuất việc bỏ trần lãi suất bởi kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn thuận lợi với thanh khoản trong hệ thống tốt và hoạt động của ngân hàng ổn định nên trần lãi suất không còn cần thiết nữa.
Tuy nhiên, để bỏ trần lãi suất thì điều kiện cần và đủ theo ông Hiếu là phải áp dụng luật phá sản ngân hàng để các ngân hàng yếu kém tự bị loại bỏ khỏi thị trường, tránh cuộc đua lãi suất.
Dù vậy, vị chuyên gia này khẳng định việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất là một động thái tích cực và hợp lý ở thời điểm này để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm lãi suất cũng sẽ tác động đến tỷ giá khi làm giảm giá trị VND một cách tương đối. Vì vậy, việc giảm lãi suất như trên sẽ có tác động hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu.
Việc giảm lãi suất tại bất kỳ ngân hàng trung ương nào trên thế giới luôn được coi là tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên theo ông Hiếu, Việt Nam hiện đang kiểm soát lạm phát rất hiệu quả, dự báo đến cuối năm 2019, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4% như Quốc hội đã đề ra. Như vậy, việc giảm lãi suất ở mức độ kiểm soát được có thể không tạo ra nhiều rủi ro về bùng phát lạm phát.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Thông tư 22/2019/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 15/11 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ duy trì ở mức 40% cho đến hết ngày 30/9/2020 thay vì hạ xuống mức 35% vào thời điểm 30/6/2020, tức là thời gian được kéo dài thêm 3 tháng so với dự kiến trước đây. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cả 2 chiều huy động và cho vay.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận