Dự báo thị trường chứng khoán tuần tới: Tiếp đà giảm sâu do tác động của xung lực đè nặng
Dự báo thị trường chứng khoán tuần tới (25/11-1/12) sau tuần sụt giảm mạnh vừa qua đang khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường nhưng theo đánh giá của các chuyên gia phân tích chứng khoán từ Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt cho biết xung lực giảm điểm của tuần tới vẫn còn khá mạnh khiến cho thị trường tiếp tục giảm.
- Dự báo chứng khoán tuần tới: Có bứt phá trước những tín hiệu lạc quan
- Dự báo chứng khoán tuần tới: Tiếp tục đi ngang do ảnh hưởng của đàm phán Mỹ - Trung
- Dự báo thị trường chứng khoán tuần tới: Giằng co dưới mốc 1.000 điểm chờ FED
Dự báo thị trường chứng khoán tuần tới (25/11-1/12), theo phân tích từ các chuyên gia chứng khoán nhận định, “sau nhịp sụt giảm mạnh vừa qua, xung lực giảm điểm của thị trường đang còn khá mạnh nên kể cả trong kịch bản hồi phục trở lại từ vùng hỗ trợ trên thì chúng tôi cũng lưu ý rằng, chỉ số sẽ còn phải đối mặt với áp lực từ các vùng điểm vừa bị xuyên thủng trước đó”.
Chứng khoán tuần qua lùi sâu
Sau ba tuần tăng điểm liên tiếp, tuần qua thị trường rơi vào điều chỉnh, không chỉ mất mốc điểm tâm lý quan trọng 1.000 điểm mà VN - Index còn lùi sâu xuống vùng dưới 980 điểm.
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN - Index giảm 32,25 điểm về mức 977,78 điểm điểm; HNX - Index giảm 2,77% xuống 103,09 điểm. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 175 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 3,62% so với tuần giao dịch trước, trong khi con số này trên sàn HNX là hơn 18 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 15,57% so với tuần giao dịch trước.
Những mã cổ phiếu trụ cột, cổ phiếu ngân hàng và dầu khí đồng loạt giảm là nguyên nhân khiến VN - Index lần lượt mất những mốc điểm quan trọng. Các mã cổ phiếu trụ cột giảm mạnh, có thể kể đến là các mã vốn hóa lớn thuộc nhóm cổ phiếu họ Vingroup là VHM giảm 3%, VIC (2,8%), VRE (1,1%).
Các mã lớn ngành thực phẩm - đồ uống cũng giảm sâu như: SAB giảm 7%, MSN (5,3%), VNM (1,1%). Cổ phiếu đầu ngành công nghệ là FPT giảm 3,3%. Mã cổ phiếu đầu ngành bảo hiểm là BVH giảm 3,2%. Mã cổ phiếu đầu ngành thép HPG cũng giảm 2,5%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giảm mạnh đã gây áp lực lớn lên thị trường chung, với các mã tiêu biểu như: EIB giảm 9,9%, TCB (6,6%), VPB (5,6%), ACB và BID đều giảm 4,9%,VCB giảm 4,5%, STB (4,1%), SHB (4%), CTG (2,7%), MBB (1,8%), TPB (1,9%),..
Nhóm dầu khí cũng giao dịch tiêu cực. Các mã trụ cột trong nhóm này như PVD giảm 4,6%, PVS (4,3%), PLX (2,7%), GAS (2,6%). Những mã cổ phiếu vốn hóa lớn, các dòng cổ phiếu chính trên thị trường đua nhau giảm giá khiến các mã vốn hóa nhỏ hơn cũng giảm theo xu hướng chung của thị trường.
Bên cạnh đó, việc khối ngoại tiếp tục xu thế bán ròng đang tạo áp lực lớn lên thị trường chung. Tuần qua, tính trên toàn thị trường, khối ngoại bán ròng 470 tỷ đồng.
Nhà đầu tư bi quan trước các thông tin kinh tế
Về các thông tin vĩ mô trên thế giới, việc đàm phán thương mại Mỹ - Trung thiếu những bước đột phá đang gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư. Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 22/11 tăng điểm, nhưng giảm trong cả tuần, qua đó để mất đà tăng trong nhiều tuần trước đó.
Theo Dow Jones Market Data, trong cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,5%, sau bốn tuần tăng, chỉ số S&P 500 giảm 0,3%, chấm dứt sáu tuần tăng điểm và chỉ số Nasdaq giảm 0,3%, sau bảy tuần tăng.
Ngày 22/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với hãng Fox News rằng, Mỹ và Trung Quốc đã tiến tới rất gần việc đạt được một thỏa thuận, nhưng ông cũng không quá nôn nóng về điều này. Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ông hy vọng một thỏa thuận đã gần đạt được, nhưng ông cũng không “e sợ” đáp trả nếu cần thiết.
Sự lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giảm đi, sau khi Ủy ban Viễn thông liên bang Mỹ cũng trong ngày 22/11 đã viện dẫn các lý do an ninh đưa ra lệnh cấm các công ty viễn thông được Chính phủ hỗ trợ ngân sách mua thiết bị từ hai công ty của Trung Quốc là Huawei và ZTE.
Một thông tin đáng chú ý trong tuần qua là từ 19/11, trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng) được giảm thêm 0,5%, từ mức 5,5% trước đây xuống 5%. Bên cạnh đó, trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên cũng được giảm từ mức 6,5% xuống 6%.
Các chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho rằng, động thái giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn của Ngân hàng Nhà nước là nhằm thực hiện định hướng giảm 0,5% lãi suất cho vay mà Thủ tướng đã nêu ra tại Quốc hội.
Các ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh sẽ là những ngân hàng chịu ảnh hưởng từ định hướng trên rõ nét nhất. Với các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa và nhỏ, việc giảm lãi suất cho vay có thể sẽ chỉ dừng ở các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng.
Động thái này được đánh giá sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng thường có độ trễ khi lan tỏa sự tích cực này tới thị trường.
Theo nhóm chuyên gia tới từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), đối với các quốc gia trên thế giới tác động lớn từ thay đổi chính sách tiền tệ đến nền kinh tế đều có độ trễ từ 9 tháng đến 18 tháng.
Tuy nhiên, tác động của việc cắt giảm lãi suất thường sẽ được các nhà đầu tư cân nhắc vào ngay trong phiên giao dịch mà thông tin cắt giảm lãi suất được công bố và dần dần thể hiện vào kết quả của các doanh nghiệp và khả năng chấp nhận định giá của nhà đầu tư.
Chứng khoán giảm nhưng vẫn đạt tăng trong dài hạn
Theo BSC, việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất thường sẽ khiến VN - index tăng 0,26% điểm ngay trong phiên và kéo dài đến mức 3,4% vào tháng sau. Tuy suy giảm nhẹ sau 3 tháng nhưng VN - Index thường tăng điểm trong 6 tháng sau khi việc cắt giảm lãi suất đã có tác động dần vào nền kinh tế.
BSC lý giải, hiện tượng tăng điểm của thị trường chứng khoán xảy ra do việc cắt giảm lãi suất sẽ làm gia tăng kỳ vọng của các nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Lợi nhuận gia tăng đến từ hai nguyên nhân chủ yếu: Chi phí đi vay giảm nhẹ sẽ cải thiện hoạt động dòng tiền của doanh nghiệp và tạo thêm nguồn kinh phí để thực hiện thêm các dự án đầu tư, hoạt động tài chính và các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A); Người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn khi các mức lãi suất cho vay suy giảm và từ đó, làm gia tăng trở lại doanh số bán hàng của các doanh nghiệp.
Hơn nữa, định giá cơ bản cho các doanh nghiệp sẽ được tăng thêm trong các tính toán của các nhà đầu tư do họ cho rằng, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ các chính sách kích cầu kinh tế và chi phí nguồn vốn cùng với chi phí cơ hội sẽ thấp hơn.
Các yếu tố trên đã khiến lãi suất điều hành gần như có xu hướng đối nghịch với đà tăng của thị trường chứng khoán, nhóm phân tích tới từ BSC cho biết.
Tuy nhiên, nhận định về diễn biến của thị trường trong tuần tới từ 25/11 đến 29/11, BSC cho rằng, với việc lùi khá sâu sau các mức hỗ trợ quan trọng, VN - Index đang vận động trong vùng giá khá rủi ro. Nhà đầu tư nên thận trọng và cân nhắc giảm tỷ trọng nắm giữ trong những nhịp hồi về các mức kháng cự cao hơn.
Đồng quan điểm, nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC nhận định, thị trường tiếp tục giảm sâu dưới áp lực bán mạnh và dứt khoát. Các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn đều bị xuyên thủng dễ dàng. Rủi ro hiện tại vẫn đang hiện hữu và nhà đầu tư nên tập trung vào quản trị rủi ro danh mục thay vì cố gắng tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.Dự báo thị trường chứng khoán tuần tới (25/11-1/12).
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận