Hình ảnh mô phỏng Tháp tài chính - dự án Thành phố Thông minh tỷ USD tại Hà Nội.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét về chiều cao tĩnh không công trình Tháp tài chính 108 tầng tại dự án đầu tư Thành phố thông minh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Theo UBND thành phố, việc xây dựng công trình Tháp tài chính cao 108 tầng thuộc dự án Thành phố thông minh là phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, đồng thời tán thành và ủng hộ về chủ trương việc nghiên cứu thiết kế công trình thành tổ hợp công trình mang tầm cỡ quốc tế.
Để có cơ sở cho Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu chấp thuận độ cao tĩnh không công trình Tháp tài chính và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phối hợp với Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá phương án chiều cao tĩnh không dự kiến xây dựng công trình và các yêu cầu kỹ thuật có liên quan.
UBND thành phố Hà Nội cho biết hiện nay Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội (là Tổ chức kinh tế thực hiện dự án) đang triển khai các thủ tục đầu tư dự án Trung tâm tài chính thương mại, hỗn hợp nêu trên (Tháp tài chính) có quy mô công trình cao 108 tầng, chiều cao dự kiến 639m với mục tiêu trở thành toà nhà cao nhất Việt Nam.
Báo cáo của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội cho biết công ty đã liên hệ với Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu để xin chấp thuận độ cao tĩnh không của công trình Tháp tài chính.
Về vấn đề này, theo Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân, chiều cao 639m của công trình không ảnh hưởng tới hoạt động bay của Quân chủng Phòng không - Không quân cũng như không ảnh hưởng đến hành lang diễu binh, duyệt binh Ba Đình.
Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải cho rằng, chiều cao trên không ảnh hưởng đến các bề mặt giới hạn chướng ngại vật tại sân bay Nội Bài. Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và đo đạc liên quan phối hợp với Cục Tác chiến, Cục Hàng không Việt Nam cùng Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam rà soát, bổ sung độ chính xác các số liệu đầu vào để có phương án nghiên cứu sâu, đánh giá tác động, tính toán chi tiết và xem xét độ cao của công trình...
Tháp tài chính 108 tầng là một phần của dự án Thành phố thông minh có tổng số vốn đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD và có diện tích quy hoạch lên đến 272ha thuộc địa bàn huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Dự án được BRG và Sumitomo ký thỏa thuận cùng phát triển hồi giữa năm 2017.
Dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội (Smart City) diện tích hơn 270 ha, tổng mức đầu tư 4,2 tỷ USD, được công bố triển khai sáng 11/11.
Dự án nằm trên ba xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ của huyện Đông Anh do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển thành phố thông minh Bắc Hà Nội (NHSC) thực hiện. NHSC là liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản).
Thời gian thực hiện dự án 9 năm với 5 giai đoạn. Trong đó, 4 giai đoạn đầu khoảng 7 năm sẽ triển khai các hạng mục cây xanh, công trình công cộng, nhà ở, trường học, giao thông, bãi đỗ xe, công trình di tích, tôn giáo và các dự án riêng.
Giai đoạn 5 từ cuối năm 2030 đến cuối 2032 triển khai nhiều công trình kiến trúc điểm nhấn, trong đó có Trung tâm tài chính, thương mại hỗn hợp cao 108 tầng.
Dự án thành phố thông minh có vị trí quan trọng, nằm tại chân cầu Nhật Tân, bờ Bắc sông Hồng, giữa cầu Thăng Long và cầu Long Biên, trên trục đường Võ Nguyên Giáp kết nối trung tâm thành phố và khu vực Hồ Tây tới sân bay quốc tế Nội Bài. Trong đó, tháp tài chính 108 tầng thuộc danh mục các công trình trọng điểm đã được HĐND thành phố phê duyệt.
Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch TP Hà Nội, tháp tài chính có thiết kế quy mô lớn thể hiện ý tưởng và công nghệ mới, sáng tạo mang tầm quốc tế, nằm trong tổng thể quy hoạch đồng bộ, hiện đại, đã được các nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam nghiên cứu.
Ông Tuấn kỳ vọng dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội góp phần giải quyết những vấn đề lớn về hạ tầng hiện nay của Thủ đô như giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường; đóng góp các tiêu chí đưa huyện Đông Anh thành quận và thành phố phía Bắc tương lai.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng