Viettel - Biểu tượng của sự phát triển bền vững và sáng tạo trong 35 năm qua
35 năm là khoảng thời gian không phải là dài so với tuổi đời hàng trăm năm của các công ty viễn thông, công nghệ hàng đầu trên thế giới. Nhưng với Viettel, 35 năm là khoảng thời gian chúng ta đã tích lũy sức sống, nghị lực, tri thức, kinh nghiệm và khẳng định những giá trị, sức mạnh của mình.
Đó là lời khẳng định của ông Tào Đức Thắng Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tại Lễ kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống Tập đoàn Viettel (1/6/1989 - 1/6/2024) vừa diễn ra ngày 31/5 tại trụ sở Tập đoàn.
Những vị Lãnh đạo đầu tiên của SIGELCO tiền thân Tập đoàn Viettel ngày nay. Ảnh: Viettel
Chặng đường 35 năm từ "start up" đến thương hiệu viễn thông số 1 tại Việt Nam và vươn ra toàn cầu
Chặng đường 35 năm của Viettel nằm trọn vẹn trong dòng chảy lịch sử gần 40 năm đất nước đổi mới. Viettel tự hào là nhân tố tích cực đóng góp cho sự phát triển của ngành và của đất nước. Việt Nam chúng ta, trong đó có Viettel, đang song hành với thế giới trên con tàu cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là cơ hội không xuất hiện lại lần thứ 2 và Viettel cần nắm bắt để vẫn nuôi dưỡng những khát vọng lớn, mục tiêu cao, gợi mở những cánh cửa mới lớn hơn cho ngày mai.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Viettel
Ông Tào Đức Thắng chia sẻ, Tổng Công ty Điện tử Thiết bị thông tin (tiền thân của Viettel) được thành lập vào ngày 01/6/1989, với tên giao dịch quốc tế SIGELCO. Sinh ra vào đúng ngày Tết Thiếu nhi, khởi đầu với 10 con người và một chiếc xe Uoat, “điều gì đã giúp Viettel lớn nhanh như hôm nay?”.
Thế hệ trẻ Viettel nói riêng và toàn thể cán bộ công nhân viên Viettel cần phải biết và hiểu sâu sắc lịch sử Tập đoàn, về những gì các cô, các chú, các anh chị của chúng ta đã sống, chiến đấu và vượt qua. Từ đó, chúng ta biết trân trọng những gì đang được hưởng ngày hôm nay, đồng thời cũng phải nhận lấy trách nhiệm vun trồng, chăm bón, tiếp tục gieo mầm cho Viettel ngày mai.
10 năm đầu tiên, những người lính thông tin chuyển sang làm kinh tế, khởi nghiệp với nghề kéo cáp và xây lắp cột cao cho các công ty viễn thông, các đài truyền hình. Giai đoạn ấy đầy khó khăn về tài chính, về kinh nghiệm thương trường, về vị thế, tên tuổi. Nhưng các cô, chú, anh, chị đã đã nắm bắt từng cơ hội nhỏ để vươn lên, chủ động sáng tạo, xông pha thực hiện những nhiệm vụ rất khó khăn. Tên tuổi của Sigelco được tạo dựng lừng lẫy cả trong và ngoài nước về những công trình cột cao kỷ lục, về tuyến viba số AWA đầu tiên cho Tổng cục Bưu điện, về tuyến cáp quang Bắc - Nam 1A, đường trục đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế, thi công không có sự tham gia của nước ngoài, áp dụng công nghệ hiện đại nhất với sáng kiến thu - phát trên cùng 1 sợi quang. Những dự án khởi đầu đã mở ra triển vọng và tạo nên niềm tin để Viettel đi tiếp với các công trình thông tin quy mô lớn hơn, hiện đại hơn phục vụ kinh tế - xã hội trong những năm về sau.
10 năm tiếp theo, Viettel bắt đầu tham gia thị trường viễn thông. Từ một doanh nghiệp không có hạ tầng, cung cấp dịch vụ gọi điện thoại đường dài 178 dựa vào bưu điện, phải đến từng tỉnh để xin kết nối, phải báo cáo đến tận Thủ tướng Chính phủ để được đối xử công bằng, Viettel đã dám ước mơ mỗi người dân Việt Nam đều có điện thoại di động. Để rồi chỉ sau hơn 2 năm, Viettel đã góp phần đưa mật độ di động từ 5% lên 95% và hiện nay là 130%. Tên tuổi, vị thế của Viettel được hình thành ở một tầm mức mới, trở thành mạng viễn thông số 1 Việt Nam và bắt đầu đi ra thế giới.
Ở giai đoạn 10 năm thứ ba, khi lĩnh vực di động mới được khai mở, thị trường trong nước còn nhiều dư địa, Viettel tiếp tục mở rộng ra các quốc gia láng giềng rồi tới cả những đất nước ở Châu Phi, Châu Mỹ. Cũng trong thời gian ấy, không chỉ mở rộng thị trường cho lĩnh vực viễn thông, Viettel cũng bắt đầu tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất. Đến nay, Viettel đã khẳng định vị thế dẫn đầu tại 7/10 thị trường. Chúng ta đã hiện thực hóa giấc mơ làm chủ thiết bị công nghệ cao, tự nghiên cứu sản xuất toàn bộ hệ thống mạng viễn thông và nhiều trang bị khí tài chiến lược mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao.
Ở giai đoạn phát triển thứ 4, chúng ta đặt ra nhiệm vụ cho mình là tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số, phổ cập công nghệ và dịch số tại Việt Nam cũng như các quốc gia mà Tập đoàn đầu tư, trở thành hạt nhân xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Dù không nằm ngoài những khó khăn chung của ngành, của nền kinh tế toàn cầu nhưng Viettel vẫn liên tục tăng trưởng và đạt nhiều thành tựu tự hào trên tất cả các trụ cột viễn thông trong nước, viễn thông nước ngoài, chuyển đổi số, nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao, logistics và nhiều lĩnh vực khác.
Trải qua 35 năm kinh doanh, Viettel đã phát triển lĩnh vực kinh doanh ở 4 trụ chiến lược: Viễn thông trong nước và viễn thông nước ngoài, Giải pháp Công nghệ thông tin, Công nghiệp – Công nghệ cao, Logistics – Thương mại điện tử... Lũy kế trong 35 năm qua, tổng doanh thu hợp nhất của Viettel đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 540 nghìn tỷ đồng.
XEM THÊM: Viettel đạt gần 3 tỷ USD thị trường nước ngoài, chiếm 50% doanh thu dịch vụ viễn thông
Viettel đã trở thành công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam, một Tập đoàn kinh tế quan trọng của đất nước với giá trị thương hiệu gần 9 tỷ USD, thương hiệu đứng số 1 ở Đông Nam Á, thứ 15 trên bảng xếp hạng 150 nhà mạng có giá trị thương hiệu lớn nhất toàn cầu.
Lũy kế trong 35 năm qua, tổng doanh thu hợp nhất của Viettel đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 540 nghìn tỷ đồng. Viettel luôn là doanh nghiệp hàng đầu trong đóng góp cho ngân sách nhà nước, lũy kế đến nay đạt hơn 433 nghìn tỷ đồng.
Thị trường nước ngoài của Viettel. Ảnh: Hùng Cường
Viettel - Biểu tượng của sự phát triển bền vững và sáng tạo trong dòng chảy 40 năm đổi mới của đất nước
Tại lễ kỷ niệm 35 năm năm ngày truyền thống của Tập đoàn Viettel (1/6/1989 – 1/6/2024). Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Viettel.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã thừa uỷ quyền Chủ tịch nước trực tiếp gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất lên Quân kỳ Quyết thắng của Tập đoàn.
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Lê Huy Vịnh tin tưởng Viettel sẽ phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là doanh nghiệp hàng đầu của đất nước, Quân đội. Thứ trưởng Lê Huy Vịnh nhận định Viettel sau 35 năm xây dựng phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, tích cực đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ. Viettel luôn tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả an toàn và phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào phát triển công nghiệp quốc phòng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất được trao cho Viettel dựa trên các thành tích đặc biệt xuất sắc, đột xuất của Viettel trong nghiên cứu, làm chủ công nghệ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc. Việc đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất là niềm vinh dự to lớn, cũng là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước trước những nỗ lực và đóng góp của lãnh đạo các cấp và CBNV Tập đoàn trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, làm chủ công nghệ cao. Từ đó, Viettel đóng vai trò lớn trong việc xây dựng quân đội cách mạng chính quy - tinh nhuệ - hiện đại, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Chia sẻ về hành trình 35 năm của Viettel, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, từ một doanh nghiệp rất nhỏ, với khát vọng, niềm tin, tinh thần dám nhận những việc không tưởng, Viettel trở thành một Tập đoàn lớn, mỗi năm đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Đây là câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều người, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ số để nhận cho mình một sứ mệnh quốc gia.
“Con đường phát triển của Viettel đã đi từ làm thuê, đến đầu tư làm dịch vụ viễn thông, đến làm công nghiệp công nghệ cao và chặng đường tới là làm công nghệ, có mặt ở tất cả các khâu của công nghiệp bán dẫn và là doanh nghiệp tiên phong cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Nếu một quốc gia không có ngành công nghiệp điện tử thì không phát triển được, và sứ mệnh của Viettel là doanh nghiệp chủ lực, đóng góp quan trọng để Việt Nam trở thành nước phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh thêm.
Viettel với trách nhiệm kiến tạo xã hội số
Chặng đường 35 năm của Viettel Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, Viettel luôn gắn kết các sản phẩm, dịch vụ của mình với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân bình thường thông qua việc đưa họ tiếp cận các dịch vụ tiên tiến về công nghệ vốn tưởng chừng ngoài tầm tay với, hướng đến tương lai tốt đẹp và bình đẳng hơn. Việt Nam chúng ta, trong đó có Viettel, đang song hành với thế giới trên con tàu cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là cơ hội không xuất hiện lại lần thứ 2 và Viettel cần nắm bắt để vẫn nuôi dưỡng những khát vọng lớn, mục tiêu cao, gợi mở những cánh cửa mới lớn hơn cho ngày mai.
Viettel Money giúp khách hàng đi chợ online, Ảnh: Viettel
Từ những nỗ lực phổ cập mạng di động những năm 2000, phát triển hạ tầng số quốc gia (tiên phong làm chủ và phổ cập công nghệ di động 5G, phát triển IoT, điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu) cho đến phổ cập tài chính số…tất cả đều là những nỗ lực không mệt mỏi của Tập đoàn trong việc xây dựng một xã hội văn minh và chất lượng hơn cho tất cả mọi người. Ngoài ra, những trung tâm Viettel IDC gắn liền với yếu tố xanh: tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu nhân lực và thân thiện với môi trường… cũng là minh chứng đầy thuyết phục của Viettel trong việc gìn giữ màu xanh trên Trái đất cho hôm nay và cho mai sau.
XEM THÊM: 5G Private Mobile Network - Những ứng dụng từ thực tế
Phát biểu tại buổi lễ, ông Tào Đức Thắng cam kết trong giai đoạn tới, sẽ quyết tâm, nỗ lực tiếp tục dựng xây Viettel, song hành cùng đất nước, nhân dân, góp phần cùng Chính phủ phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trở thành một tập đoàn công nghiệp công nghệ cao toàn cầu, tiên phong, chủ lực trong hai cuộc chuyển đổi lớn của đất nước là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Hiện thực hóa cam kết đó, ông Tào Đức Thắng chỉ ra sáu nhiệm vụ, Viettel cần phải làm trong giai đoạn tới, đó là:
Thứ nhất, phát triển hạ tầng số lớn nhất, an toàn nhất với công nghệ tiên tiến nhất bao gồm hạ tầng truyền dẫn, hạ tầng lưu trữ, hạ tầng tính toán làm bùng nổ điện toán đám mây, phổ cập ứng dụng dữ liệu lớn, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, từ đó hình thành những nền tảng, hệ sinh thái dịch vụ số để phục vụ chuyển đổi số trên toàn quốc, đáp ứng chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số.
Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, tự lực tự cường và làm chủ ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng lưỡng dụng, bao gồm thiết bị hạ tầng viễn thông, năng lượng tái tạo, chip bán dẫn và công nghiệp quốc phòng, khí tài quân sự, vừa đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Viettel xin hứa sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được Quân ủy Trung ương - Bộ quốc phòng giao và sẵn sàng nhận thêm nhiều trọng trách mới để Viettel được góp sức nhiều hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, độc lập tự chủ của đất nước.
Thứ ba, phấn đấu đến năm 2025 Viettel cơ bản hoàn vốn đầu tư ra nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, trở thành cầu nối về quan hệ ngoại giao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các sản phẩm, giải pháp của Viettel sẽ được xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, không chỉ các nước Viettel đầu tư mà sẽ tiến vào các quốc gia công nghệ phát triển hay quy mô dân số đông trên thế giới.
Thứ tư, xây dựng thành công hạ tầng logistics quốc gia như công viên logistics, cửa khẩu thông minh, hệ thống chuỗi cung ứng, đường sắt liên vận quốc tế. Viettel sẽ là doanh nghiệp nhà nước chủ lực thực hiện định hướng chiến lược của Chính phủ coi “bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu quốc gia”, “đảm bảo dòng chảy vật chất tương đương dòng chảy dữ liệu”. Đây cũng sẽ là một trong những không gian chính giúp Viettel tăng trưởng trong 5 - 10 năm tới.
Thứ năm, xây dựng nền tảng quản trị hiện đại, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu với bản lĩnh và truyền thống của người lính cụ Hồ, xây dựng môi trường làm việc hiệu quả, sáng tạo và hạnh phúc tại Viettel.
Thứ sáu, phải kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước, tiếp tục giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng ủy, Ban TGĐ Tập đoàn và toàn thể gần 50.000 cán bộ, nhân viên. Viettel sẽ luôn là một tập thể đoàn kết, chung ý chí, chung khát vọng, rèn luyện theo tinh thần “7 dám” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6. Đó là: Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng