Vì sao Panasonic mở rộng sản xuất tại nhà máy ECM Bình Dương?
Tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Panasonic đã chính thức đưa dây chuyền sản xuất Thiết bị nối dây và Cầu dao tự động tại PEWVN đi vào hoạt động.
Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất Thiết bị nối dây và Cầu dao tự động của tập đoàn Panasonic (ECM) thuộc quyền quản lý và vận hành của Công ty TNHH Panasonic Electric Works Việt Nam.
Ngược dòng thời gian, chúng ta đã được biết Công ty Panasonic Electric Works là một trong 8 công ty trực thuộc Tập đoàn Panasonic sau chuyến tham quan Nhật Bản vào tháng 12 năm ngoái. Trong chuyến tham quan đó, ĐT&ƯD đã có dịp mang đến cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về lịch sử hình thành và phát triển của Tập đoàn Panasonic cũng như Công ty Panasonic Electric Works, những sản phẩm đã và đang được sản xuất tại nhà máy Tsu, nhà máy lớn nhất và được đầu tư nhiều công nghệ hiện đại nhất hiện nay của Panasonic trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp thiết bị điện và chiếu sáng.
Để quảng bá công nghệ sản xuất chất lượng cao, hiệu quả cao xuất phát từ Nhà máy Tsu ra thế giới, nhà máy Thiết bị nối dây và Bộ ngắt mạch tại tỉnh Bình Dương (Việt Nam) đã được khởi công mở rộng và đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4. Hôm nay ĐT&ƯD sẽ mang đến cho bạn đọc những thông tin chi tiết nhất về Nhà máy Thiết bị nối dây và Bộ ngắt mạch tại Bình Dương sau chuyến đi tham quan vừa qua.
Hiện Panasonic EW Việt Nam tại tỉnh Bình Dương là một trong 3 nhà máy ở nước ngoài của Công ty Panasonic Electric Work, cùng với hai nhà máy khác là Panasonic EW Ấn Độ và Panasonic EW Thổ Nhĩ Kỳ chuyên sản xuất vật liệu Điện và năng lượng sinh hoạt. Đây là một phần trong hoạt động kinh doanh rộng khắp của Công ty trong lĩnh vực Chiếu sáng, Vật liệu điện & năng lượng môi trường và giải pháp chiếu sáng đô thị.
Là một trong 3 quốc gia trọng điểm của Công ty Panasonic Electric Work, nhà máy tại Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm sản xuất để mở rộng thị trường ra toàn khu vực Đông Nam Á và tiến tới là Châu Á. Trong khi đó, Panasonic EW Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu trách nhiệm sản xuất phục vụ cho thị trường Châu Âu và Bắc Phi. Nhà máy Panasonic EW Ấn Độ sẽ phục vụ thị trường Đông Phi, Trung Đông và Nam Á.
Như vậy là cùng với nhà máy Tsu tại Nhật Bản, 3 nhà máy này sẽ tiếp tục là kế hoạch chinh phục và mở rộng thị trường toàn cầu của công ty mẹ Công ty Panasonic Electric Work.
Trở lại với Panasonic EW Việt Nam, đây là một trong 6 công ty dưới sự điều hành của Panasonic Việt Nam. Công ty TNHH Panasonic Electric Works Việt Nam chính thức được thành lập vào ngày 17/1/ 2013 và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2014 với tổng vốn điều lệ là 1.444 tỷ đồng (tương đương 62 triệu USD, xấp xỉ 8 tỷ yên). Đến nay, Công ty có tổng cộng khoảng 1.500 nhân viên và 23 biệt phái viên.
Nhiệm vụ của nhà máy tại tỉnh Bình Dương là cung cấp vật liệu hỗ trợ cơ sở hạ tầng đời sống, mang đến sự an toàn và tin cậy cho thị trường Việt Nam thông qua quy trình sản xuất khép kín nhằm đảm bảo chất lượng cao, giá cả hợp lý và nguồn cung ổn định. Trong thời gian tới, PEWVN sẽ tập trung vào sản xuất hệ thống dây điện, như MCCB (cầu dao công suất lớn sử dụng trong các chung cư, tòa nhà...) và một phần để xuất khẩu.
Ông Masashi Sakabe - Tổng Giám đốc Panasonic Electric Works Việt Nam
Sau 30 năm có mặt tại Việt Nam, và 10 năm xây dựng nhà máy PEWVN tại tỉnh Bình Dương, PEWVN đã ghi nhận một hành trình hoạt động với nhiều dấu ấn cả về quy mô cũng như doanh thu. Trong buổi trò chuyện thân mật tại Nhà máy, ông Masashi Sakabe - Tổng Giám đốc Panasonic Electric Works Việt Nam cho biết: “Hiện chúng tôi đang hoạt động ở cả 3 lĩnh vực đó là cung cấp điện, ánh sáng, các sản phẩm liên quan đến không khí/nước. Với mục tiêu cung cấp cơ sở hạ tầng chất lượng cao cho cuộc sống hàng ngày, cho các công trình cũng như không gian sống cho người dân Việt Nam. Đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội như phòng cách chữa cháy, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng các thiết bị điện… hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Chia sẻ chi tiết hơn về định hướng sản xuất và phát triển sản phẩm trong tương lai, đặc biệt là sau khi mở rộng nhà máy vào tháng 4 vừa qua, ông Masashi Sakabe cho rằng “Hiện, công ty đang cung cấp các thiết bị nối dây cho hơn 100 quốc gia trên thế giới, sản phẩm công tắc và ổ cắm đang giữ vị trí thứ 2 về thị phần và đứng ở vị trí đầu tiên tại thị trường châu Á. Chúng tôi làm chủ toàn bộ quy trình, từ việc lập kế hoạch, nghiên cứu, phát triển sản phẩm, sản xuất, cho đến việc đề xuất các ý tưởng, giao hàng, bảo trì, bảo dưỡng…Trong tương lai, Công ty hướng đến mục tiêu tập trung vào các sản phẩm nối dây cho nhà ở thông minh và mở rộng thêm nhiều sản phẩm khác như cầu dao công suất cao (MCCB0 phục vụ cho các tòa nhà, khu chung cư”.
Ông Yoshihiro Naito - Giám đốc Nhà máy
Là một trong 5 chuyên gia Nhật hiện đang làm việc tại nhà máy ECM, ông Yoshihiro Naito - Giám đốc Nhà máy cho biết: “Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2014, sau 10 năm, nhờ sự tăng trưởng của thị trường Việt Nam, quy mô sản xuất của nhà máy đã tăng gấp 4 lần so với ban đầu. Và để theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội Việt Nam cũng như khu vực, chúng tôi đã xây dựng các tòa nhà mới vào năm 2017 và cũng vừa cho khánh thành thêm một tòa nhà mới vào tháng 4 vừa qua. Như vậy tính đến hiện tại, tổng diện tích của nhà máy đã lên đến 28.000m2. Trong thời gian tới, bên cạnh việc sản xuất sản phẩm phục vụ cho thị trường Việt Nam và khu vực, nhà máy cũng sẽ tập trung vào tiết kiệm năng lượng, trung hòa carbon và hướn đến một tương lai bền vững. Cụ thể tại nhà máy mới vừa được khánh thành và đi vào hoạt động trong tháng 4 vừa qua đã được lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để tham gia vào quá trình sản xuất, hướng đến sử dụng năng lượng sạch, thay thế dần cho điện năng.”
Không dừng lại ở đó, PEWVN còn liên tục tổ chức các khóa đào tạo nhằm nâng cao tay nghề, kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn cho người lao động, bảo trì và bảo dưỡng máy móc; gia công khuôn đúc, gia công cơ khí… Nhờ đó, trình độ kỹ năng của các công nhân cũng được nâng cao, nhiều thành viên của nhà máy đã đạt những thành tích cao trong các cuộc thi tay nghề của tập đoàn. PEWVN cũng xác định mục tiêu dẫn đầu kỹ thuật trong các cơ sở sản xuất ở nước ngoài để đồng hành cùng Việt Nam và khu vực trong quá trình bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an toàn trong cuộc sống hành ngày.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng