Toả sáng nghị lực Việt 2024: Hạnh phúc nhất là khi trong gia đình có mẹ
Vượt lên chính mình cô gái khuyết tật ngành Tâm lý học giáo dục Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn mong muốn thông qua ngành học có thể học được cách yêu bản thân, chữa lành tổn thương cho người khác. Đó là bạn Lê Thảo Nguyên (2005), hiện là sinh viên trường Đại học Quy Nhơn (tỉnh Bình Bịnh), một ngôi trường không quá xa nhà, phù hợp với điều kiện hiện tại của em và cũng là nơi em thực hiện ước mơ của mình.
Vượt lên chính mình
Từ bé, Lê Thảo Nguyên đã mắc phải căn bệnh hiếm gặp khiến chân, tay teo tóp ảnh hưởng thấy rõ đến tư thế ngồi, mọi sinh hoạt của em đều phải nhờ vào sự hỗ trợ của mẹ.
“Trong thời gian đi học, mẹ và dì là người đưa em đến trường, sau đó dì sẽ ngồi chờ em đến hết buổi học, ngày nào cũng như thế, nó lặp đi lặp lại suốt một thời gian em vẫn là cô học sinh. Có những khi, cả ba người cảm thấy mệt mỏi và muốn dừng lại, bởi vì nó thật sự quá gian nan và có thể kết thúc bất cứ khi nào vì lý do sức khỏe. Để em có thể hoàn thành ước mơ của mình, hai người phụ nữ ấy đã phải hy sinh rất nhiều, từ thời gian cho đến công sức và thậm chí là chấp nhận cuộc sống khó khăn để có thể chăm sóc cho em một cách tốt nhất”, Thảo Nguyên tâm sự.
Nguyên trên giảng đường.
Sau bao nhiêu nỗ lực, vất vả đó, Thảo Nguyên đã hoàn thành xong chương trình của mười hai năm học, quãng đường không quá dài cũng không quá ngắn, nhưng để có thể vượt qua nó Thảo Nguyễn đã dùng tất cả ý chí, sự kiên cường và kiên trì của chính bản thân. “Em bắt đầu chuẩn bị cho kì thi quan trọng, đánh dấu cho sự trưởng thành và mở ra con đường tương lai phía trước. Trong quá trình ôn thi, nỗi lo về trường học, về ngành nghề, về cuộc sống sau này thế nào khiến em cảm thấy rất sợ hãi, tưởng chừng như muốn bỏ cuộc tại đây”, bạn Thảo Nguyên chia sẻ.
Có nhiều khi Thảo Nguyên luôn tự hỏi mình rằng “Em thích cái gì? Em muốn sau này mình sẽ làm gì? Em muốn trở thành một người như thế nào?”, Thảo Nguyên suy nghĩ.
Cánh cửa tương lai phía trước
Bao nhiêu câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu, làm tâm trí rối bời. Rồi ngày đăng kí nguyện vọng cũng đến, và Thảo Nguyên cũng đã có đáp án cho riêng mình. “Em đã chọn ngành Tâm lý học giáo dục của Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn - Trường Đại học Quy Nhơn - địa điểm dừng chân tiếp theo. Đây là một ngôi trường không quá xa nhà, phù hợp với điều kiện hiện tại của em, và cũng là nơi em muốn bắt đầu thực hiện ước mơ của mình”, Thảo Nguyên chia sẻ.
Cũng theo bạn Thảo Nguyên, bất cứ ai trong cuộc sống đều có những câu chuyện không biết giãi bày cùng ai, có những góc khuất ẩn sâu bên trong, có những vết thương lòng chưa bao giờ nguôi ngoai được, cũng là một người như thế và muốn thông qua ngành học có thể từ từ học cách yêu bản thân, học cách đối mặt với cảm xúc tiêu cực, học cách chữa lành tổn thương và cũng mong những kiến thức được học đó có thể hỗ trợ, giúp đỡ người khác.
Trước khó khăn của Nguyên, Ban giám hiệu trường Đại học Quy Nhơn đã sắp xếp cho em ở ký túc xá cùng với mẹ, mẹ em cũng có công việc làm ở căn tin của trường, tất cả các môn học đều được học ở tầng trệt. Hàng ngày, mẹ sẽ đẩy xe lăn đưa em đến lớp và quay về làm việc của mình.
Nguyên và mẹ trên đường đến giảng đường.
Bị bệnh từ khi còn bé, đôi tay của em không nâng nổi vật nặng nhưng may thay vẫn còn cảm giác. Từ nỗ lực của mình Nguyên chăm chỉ viết chữ, dùng tất cả ý chí, sự kiên cường và kiên trì mà em có được để hoàn thành xong chương trình 12 năm học. Đối với em động lực có lẽ là khi nhìn thấy mẹ và dì, hai người phụ nữ đã hi sinh rất nhiều, từ thời gian đến công sức, chấp nhận cuộc sống khó khăn để có thể chăm sóc cho em một cách tốt nhất. “Em thấy được trên khuôn mặt mẹ và dì là nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền, lo lắng không biết nhờ cậy vào ai, không biết xoay sở như thế nào. Nhưng họ vẫn luôn kiên cường nói với em rằng, chỉ cần em đậu đại học dù có xa đến đâu cũng sẽ đưa em đi” Nguyên xúc động chia sẻ.
Mang trong mình suy nghĩ muốn giãi bày cùng mọi người, khai phá những góc khuất ẩn sâu, những vết thương lòng. Thảo Nguyên chọn cách thông qua ngành học để học cách yêu bản thân, đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, những tổn thương để có thể hỗ trợ, giúp đỡ người khác. Em đã chọn ngành Tâm lý học giáo dục Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn Trường Đại học Quy Nhơn là nơi khởi đầu ước mơ của mình.
Với những nỗ lực đó Nguyên đã xuất sắc là tấm gương người khuyết tật tiêu biểu tỉnh Bình Định năm 2024, nhận học bổng sinh viên giỏi học kỳ I, năm 2023-2024. Đặc biệt trong dịp này, Lê Thảo Nguyên còn là 1 trong 38 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2024 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức.
Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức, nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.
Đồng thời mong muốn tạo sự lan toả và quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam; tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng bình đẳng, tự tin và hiệu quả. Chương trình sẽ tuyên dương 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu có thành tích xuất sắc.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng