Việt Nam có tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử
Đó là khẳng định của bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại Hội thảo “Nâng tầm doanh nghiệp điện tử Việt Nam dẫn đầu chuỗi cung ứng toàn cầu” do Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) phối hợp cùng Công ty Global Source tổ chức chiều 28/11 tại Hà Nội.
Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ Triển lãm linh kiện điện tử và sản xuất thông minh tại Việt Nam (GEIMS Việt Nam 2024).
Phát biểu tại hội thảo, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) khẳng định Việt Nam đang có hàng loạt tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử, trong đó có 3 yếu tố chính là: lao động; chính sách; hạ tầng bất động sản công nghiệp.
Điện tử là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động tại Việt Nam. Lực lượng lao động ngành điện tử lớn thứ ba trong tất cả các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chỉ sau dệt may và da giày). Đây là một đặc thù riêng có của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam: vừa là ngành tập trung vốn, tập trung công nghệ, lại vừa là ngành tập trung lao động.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA).
Hiện Chính phủ Việt Nam đang dành rất nhiều chính sách, ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp điện tử. Theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử, cụm chi tiết điện tử là một trong những ngành nghề được khuyến khích và được hưởng ưu đãi đầu tư từ Chính phủ.
Ngoài ra những dự án đầu tư có vốn lớn hơn 6.000 tỷ VNĐ (tương đương khoảng 250 triệu USD)– các dự án lắp ráp lớn đầu tư vào Việt Nam trong ngành điện tử theo thống kê của HOUSELINK thường có mức vốn tương tự, cũng được hưởng ưu đãi đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, lợi thế về vị trí địa lý ở mỗi vùng miền của Việt Nam cũng khác nhau. Nếu như ở miền Bắc có các khu công nghiệp (KCN) gần với đường cao tốc thì ở miền Trung lại có lợi thế đường bờ biển dài, các KCN cũng được bố trí xây dựng dọc theo các tuyến đường bờ biển nên có vị trí gần với các cảng biển, thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu và giao thương hàng hóa.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng ngành điện tử vẫn ở vị trí thấp, với đơn hàng không ổn định và vẫn đang ở phần đáy của chuỗi với vị trí doanh nghiệp sản xuất.
Sự đóng góp của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cao. Đơn hàng hay bị gián đoạn, doanh nghiệp ở thế bị động, thiệt thòi khi đàm phán hợp đồng với các đối tác lớn do không tương thích về công nghệ, năng lực quản trị, vốn đầu tư.
Chính vì vậy, đi cùng cơ hội lại là thách thức rất lớn, buộc doanh nghiệp điện tử nội địa cũng phải chuyển mình để bắt kịp xu hướng công nghệ, quy mô tổ chức sản xuất thông minh, mang tính toàn cầu.
Ngoài ra, những quy định thay đổi quá nhanh cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp điện tử. Đây cũng chính là rào cản khiến xuất khẩu bị gián đoạn. Để hỗ trợ doanh nghiệp điện tử phát triển mạnh hơn, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong ngành điện tử toàn cầu, bà Hương cho rằng các chính sách của Chính phủ đã có nên nhanh chóng đi vào đời sống, hiện thực hơn.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng