Xe ô tô Đức sẽ phải "trả giá" nếu Chính phủ nước này "quay lưng" với Huawei
Đó là tuyên bố của Đại sức Trung Quốc tại Đức khi hợp đồng mới đây của Telefonica Germany sẽ phải được thông qua Chính phủ trên cơ sở các tiêu chí ngặt nghèo đối với các hãng công nghệ khi tham gia phát triển mạng công nghệ 5G.
- Telenor - Nhà mạng lớn nhất Na Uy sử dụng thiết bị Huawei phát triển mạng 5G
- Telefonica Deutschland, nhà mạng lớn thứ nhì Đức chọn Huawei để phát triển mạng 5G
- EU sẽ tìm hướng tiếp cận mạng 5G để tránh rủi ro đã được Mỹ cảnh báo
Hàng triệu xe ô tô của Đức bán tại thị trường Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nếu như Chính quyền Berlin gạt tập đoàn công nghệ Huawei ra khỏi chương trình phát triển mạng 5G tại Đức; đó là đe dọa của Đại sứ Trung Quốc tại Đức Ngô Khẩn ngày 14/12 trên tờ báo Đức Handelsblatt.
Trả lời tờ báo Đức, Đại sứ Trung Quốc khẳng định Huawei không có nghĩa vụ pháp lý cung cấp dữ liệu cho Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc cũng không quên nhắc nhở rằng xe ô tô của Đức hiện đang chiếm đến 1/4 thị trường xe hơi tại Trung Quốc với doanh số bán ra trong năm 2018 là 28 triệu chiếc.
Theo Bloomberg, Trung Quốc đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh Chính phủ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel đang tranh luận về dự luật, áp đặt lệnh cấm đối với các nhà cung cấp mạng 5G "không đáng tin cậy".
Thủ tướng Đức đang chịu nhiều sức ép, một mặt, từ phía các nghị sỹ trong chính phủ liên minh, vốn dĩ ngày càng lo ngại Huawei và mặt khác là từ phía Mỹ. Tổng thống Donald Trump thời gian gần đây thúc ép các nước đồng minh loại tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc ra khỏi các dự án phát triển mạng 5G.
Các linh kiện viễn thông của Huawei bị nhiều nước nghi ngờ là những trang thiết bị do thám cho Chính phủ Trung Quốc, những cáo buộc mà Huawei liên tục bác bỏ trong thời gian qua.
Trước đó, ngày 11/12 có thông tin Huawei đã trúng thầu hợp đồng cung cấp mạng cơ sở hạ tầng 5G ở Đức. Tuy nhiên, thỏa thuận nhạy cảm về chính trị này sẽ phải được Chính phủ Đức thông qua sau những quan ngại của Mỹ về nguy cơ do thám.
Telefonica Germany, nhà mạng lớn thứ hai ở Đức sau Deutsche Telekom, cho biết đã cho phép Huawei và tập đoàn Nokia của Phần Lan có vai trò bình đẳng trong dự án, đồng thời gọi hai công ty này là "các đối tác chiến lược đã được chứng minh".
Tuyên bố của Telefonica Germany cho hay: "Sự hợp tác này sẽ tùy thuộc vào chứng nhận an ninh thành công của công nghệ và sự phù hợp của các công ty với những quy định pháp lý ở Đức".
Theo nhà mạng này, hợp đồng "vì vậy đáp ứng quy trình chính trị hiện nay về việc xác định những nguyên tắc chỉ đạo an ninh này mà không làm trì hoãn sự khởi đầu của chương trình triển khai mạng 5G".
Tuy nhiên, tập đoàn công nghệ Trung Quốc có nguy cơ thất bại tại thị trường Đức khi các nghị sỹ trong liên minh cầm quyền hiện nay ở Quốc hội muốn đặt ra những tiêu chí ngặt nghèo đối với các hãng công nghệ muốn tham gia phát triển mạng công nghệ 5G ở Đức.
Theo bản dự thảo đã được các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) và Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) trong Quốc hội nhất trí, do vấn đề an ninh mạng viễn thông không thể được đảm bảo bằng quy trình kiểm tra kỹ thuật, nên độ tin cậy của nhà sản xuất cũng như hệ thống luật pháp của nước sản xuất trở thành vấn đề trọng tâm. Do vậy, việc kiểm tra độ tin cậy của nhà cung cấp "phải trở thành một phần then chốt của chiến lược an ninh".
Theo báo Handelsblatt, Chính phủ Đức cho tới nay chỉ muốn thực hiện quy trình kiểm tra và cấp giấy phép thuần túy mang tính kỹ thuật mà không muốn viện tới những đánh giá mang tính chính trị đối với các nước có nhà sản xuất tham gia.
Trong số biện pháp an ninh đã được Chính phủ Đức thảo luận trong tháng Mười vừa qua có việc tiến hành thẩm định các linh kiện và phần mềm không phụ thuộc vào nhà cung cấp. Ngoài ra, nhà cung cấp cũng phải đảm bảo bằng văn bản về độ tin cậy của họ.
Tuy nhiên, các nghị sỹ cho rằng quy trình thẩm định như vậy là chưa đủ, không đảm bảo được khía cạnh an ninh một cách toàn diện. Quốc hội Đức yêu cầu Chính phủ đảm bảo lợi ích an ninh của châu Âu bằng việc cấp giấy phép theo luật, dựa trên điều kiện khung về chính trị và pháp lý ở nước của nhà cung cấp đó. Theo các nghị sỹ, những nhà sản xuất có nguy cơ bị nhà nước chi phối hoặc cài do thám cần bị loại bỏ.
Tuy những khuyến nghị này của các nghị sỹ không nêu tên trực diện, song theo bài báo, cách diễn giải và tiêu chí mà các nghị sỹ đặt ra đối với các hãng công nghệ thực chất là muốn loại bỏ Huawei khỏi tiến trình xây dựng mạng 5G ở Đức. Dự kiến, vấn đề này sẽ được Quốc hội đưa ra thông qua trong phiên họp toàn thể vào tháng 1/2020, thời điểm Chính phủ liên bang muốn đề xuất dự luật viễn thông nêu trên.
Quyết định liên quan đến việc xây dựng mạng 5G được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong nhiệm kỳ Quốc hội hiện nay ở Đức. Công nghệ di động thế hệ 5G sẽ trở thành "hệ thần kinh" của nền kinh tế số, giúp tạo đột phá trong lĩnh vực công nghệ như chăm sóc sức khỏe từ xa hay xe tự hành.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận