Ford Việt Nam và những lần triệu hồi, sửa chữa trong 2 năm qua
Trước những thông tin về lỗi rò rỉ dầu ở mặt bưởng máy và cổ hút tăng áp, theo tìm hiểu của chúng tôi thì trong 2 năm qua, Ford Việt Nam đã phát đi các thông báo triệu hồi hoặc sửa chữa cũng như cập nhật phần mềm do lỗi từ nhà sản xuất trên các sản phẩm được phân phối tại thị trường Việt Nam.
- "Ford Việt Nam sẽ có trả lời bằng văn bản về việc rò rỉ dầu sau 7 ngày"
- Hàng loạt mẫu xe Ford tại Việt Nam bị "tố" lỗi rò rỉ dầu
- Ford thua lỗ 1,7 tỷ USD trong quý IV/2019
Khách hàng đang tìm hiểu thông số kỹ thuật, giá cả xe tại TP HCM. Ảnh: Công Trung/Tuổi trẻ
Theo Tuổi trẻ online cuối tháng 2 vừa qua, Công ty Ford Việt Nam vừa phát đi thông báo về đợt triệu hồi liên quan tới 1.796 xe Ford Explorer nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ. Những xe nằm trong diện triệu hồi được sản xuất từ 13/2/2016 đến 25/10/2017.
Nguyên nhân của đợt triệu hồi này do phần khung chân ghế chỉnh điện phía trong có thể có phần hoàn thiện không đúng để lại cạnh nhọn sắc bén. Chi tiết này có thể khiến người dùng bị thương hoặc đứt tay nếu chạm vào giữa ghế và cụm điều khiển trung tâm.
Đại diện Ford Việt Nam cho hay đợt triệu hồi Ford Explorer do lỗi trên sẽ kéo dài khoảng 3 năm, kết thúc vào ngày 6/2/2023, nhưng có thể kết thúc sớm hơn nếu như các xe nằm trong diện triệu hồi được khắc phục xong trước thời điểm nêu trên.
Trước đó, theo VnMedia ngày 17/1 thông tin trong năm 2019, Ford Việt Nam đã phải thông báo triệu hồi lượng xe lớn nhất trong số các hãng có xe triệu hồi tại Việt Nam.
Tổng lượng xe phải triệu hồi của Ford Việt Nam lên tới hàng chục nghìn xe trong năm 2019. Cụ thể, trong tháng 6/2019, Ford Việt Nam đã thông báo triệu hồi 25.288 chiếc Ford Ranger nhập khẩu Thái Lan, được sản xuất từ ngày 01/03/2016 đến 16/04/2018, để thay thế ống dầu phanh trước (đoạn ống mềm).
Hiện tượng cụ thể là dầu phanh bị thất thoát khiến đèn cảnh báo dầu phanh bật sáng trên cụm đồng hồ táp lô, tăng hành trình đạp phanh và quãng đường dừng xe.
Nguyên nhân được hãng xe Mỹ xác định do ống dầu phanh trước có thể đứt sợi bố lớp trong tại đoạn uốn cong, làm giảm liên kết và gây phồng rộp ống dầu hoặc rò rỉ dầu phanh.
Ngoài ra, cùng đợt này còn có thêm 5 chiếc Ford Ranger khác (được sản xuất tại Thái Lan từ ngày 07/03/2018 đến 13/04/2018) cũng bị triệu hồi do lỗi xi-lanh phanh trước.
Trong lịch sử triệu hồi, hãng Ford của Mỹ là một trong những hãng có lượng xe triệu hồi lớn nhất lịch sử kèm theo những thiệt hại cho người dùng.
Tiếp đó, mẫu bán tải Ford Ranger lại phải triệu hồi lần 2 vào tháng 7/2019 với số lượng 7.453 chiếc do lỗi túi khí Takata. Trong số này, 4.247 chiếc được lắp ráp tại nhà máy Ford Hải Dương từ ngày 02/02/2004 đến 31/03/2009; và 3.206 chiếc được nhập khẩu từ Thái Lan từ ngày 22/11/2007 đến 10/10/2011.
Mẫu bán tải Ford Ranger. Ảnh: Internet
Nội dung triệu hồi là để kiểm tra, thay thế túi khí phía trước bên trái và/hoặc bên phải trên các xe Ford Ranger bị ảnh hưởng do Công ty Ford Việt Nam nhập khẩu và phân phối.
Tại văn bản triệu hồi, Ford khuyến cáo người dùng rằng, các xe Ford Ranger sử dụng túi khí Takata bị ảnh hưởng trong những trường hợp va chạm ở ngưỡng kích hoạt túi khí, bộ phận bơm khí có thể bị vỡ. Các mảnh vỡ có thể văng vào người ngồi trên xe gây chấn thương nghiêm trọng.
Nguyên nhân được xác định là do sự kết hợp giữa yếu tố thời gian sử dụng, biến động nhiệt độ cao và độ ẩm trong một số điều kiện môi trường nhất định làm suy giảm tính chất của chất giãn nở bên trong bộ phận bơm khí. Sự suy giảm này có thể dẫn đến chất giãn nở cháy quá nhanh, tạo ra áp suất cao bên trong bộ phận bơm khí. Trong trường hợp áp suất tăng cao quá mức sẽ làm vỡ bộ phận bơm khí khi xảy ra va chạm, làm kích hoạt túi khí.
Các đại lý ủy quyền của Ford tại Việt Nam kiểm tra, thay mới túi khí phía trước bên trái và/hoặc bên phải, do khi kích hoạt, cụm bơm khí có thể bị vỡ. Các mảnh vỡ của bộ phận bơm khí có thể văng vào người ngồi trên xe gây chấn thương nghiêm trọng hoặc tử vong.
Ngoài Ranger, cùng đợt này Ford còn triệu hồi thêm mẫu SUV Everest với lỗi tương tự. Số lượng triệu hồi lớn hơn nhiều lần so với mẫu Ford Ranger, lên tới 23.406 chiếc. Mẫu SUV Everest được sản xuất và lắp ráp tại nhà máy ở Việt Nam từ ngày 31/05/2005 đến 27/08/2015.
Thời gian kiểm tra, sửa chữa mỗi xe vào khoảng 4 giờ đồng hồ. Công ty Ford Việt Nam và các đại lý được ủy quyền kiểm tra, khắc phục miễn phí lỗi của những xe bị ảnh hưởng.
Công ty Ford cho biết, đối với các nhãn hiệu xe Ford Ranger do Ford Motor Company sản xuất được nhập khẩu vào Việt Nam thuộc diện triệu hồi, nếu được yêu cầu, Công ty Ford Việt Nam sẵn sàng trợ giúp, liên hệ để kiểm tra thông tin và thay thế miễn phí theo chương trình.
Còn theo tờ VietTimes.vn, vào tháng 8/2018 đã dẫn thông tin Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6779/VPCP-V.I gửi Bộ GTVT về việc khiếu nại liên quan lỗi hộp số trên một số dòng xe Ford.
Cả hai phía người khiếu nại và hãng đã ngồi lại với nhau và cuối cùng đã tìm được tiếng nói chung, chấm dứt vụ khiếu nại kéo dài hơn 120 ngày.
Trả lời VietTimes.vn, đại diện của Ford Việt Nam cho biết vấn đề liên quan đến lỗi hộp số Powershift không phải đến giờ mới xảy ra mà trước đó hiện tượng này cũng đã được hãng phát hiện.
Tình trạng hộp số quá nhiệt và thông báo dừng lại để đảm bảo an toàn.
Chính vì vậy, Ford Việt Nam đã tiến hành thực hiện các biện pháp cải tiến bao gồm việc thay thế côn vật liệu mới nhất cho các xe trang bị hộp số PowerShift, gia hạn bảo hành thêm vào thời hạn bảo hành tiêu chuẩn của xe, với các hạng mục gồm ly hợp, gioăng trục sơ cấp và nâng cấp phần mềm điều khiển hộp số.
Kết quả là ở thời điểm đó, việc khiếu nại của ông Võ Quốc Bình đã được Ford Việt Nam thương lượng giải quyết xong dựa trên sự hài lòng và tinh thần hợp tác của hai bên. Ông Bình cũng đã xác nhận với VietTimes.vn thông tin từ phía Ford Việt Nam đưa ra là hoàn toàn chính xác.
Sau hơn 120 ngày theo đuổi, vụ kiện đã được khép lại. Ông Bình cho biết, cảm nhận được thiện chí và nhìn thấy thực tế Ford Việt Nam đã và đang cố gắng thể hiện trách nhiệm chăm sóc khách hàng bằng cách khắc phục sự việc theo nhiều hướng.
Đồng thời, ông cũng ghi nhận sự nỗ lực thể hiện trách nhiệm của Ford Việt Nam với tất cả các khách hàng chứ không riêng cá nhân ông.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận