Indonexia chính thức đánh thuế kỹ thuật số từ ngày 1/7
Thực hiện lộ trì áp thuế kỹ thuật số, giới chức Indonexia đã quyết định luật thuế này sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ 1/7 năm nay vì khi đó sẽ là thời kỳ hậu dịch COVID-19 chính quyền nước này sẽ cần một lượng ngân sách lớn để khôi phục lại nền kinh tế.
- Mỹ sẽ có phản hồi với các chính sách đánh thuế kỹ thuật số của Pháp
- Ông lớn công nghệ Mỹ đang tìm phương án "trì hoãn" thuế kỹ thuật số tại Ấn Độ
- Pháp kiên quyết áp dụng thuế kỹ thuật số dù có hay không 1 thoả thuận quốc tế điều chỉnh
Theo đó, Chính phủ Indonesia sẽ yêu cầu các công ty Internet lớn phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hoạt động bán các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số từ tháng 7/2020, một động thái mà các quốc gia khác cũng có thể áp dụng khi họ tìm cách tăng nguồn thu ngân sách trong giai đoạn hậu dịch COVID-19.
Amazon sẽ là một trong số những đối tượng chính chịu tác động mạnh của thuế kỹ thuật số khi có hiệu lực.
Theo quy định được công bố trên trang web của Bộ Tài chính Indonesia, Indonesia sẽ áp thuế VAT 10% đối với các sản phẩm kỹ thuật số của các công ty Internet không có trụ sở chính tại Indonesia song lại có sự “hiện diện” đáng kể ở thị trường nước này bao gồm các dịch vụ phát video trực tuyến, ứng dụng và trò chơi kỹ thuật số, bắt đầu từ ngày 1/7.
Chính quyền Indonesia trước đây cho biết các dịch vụ của các nền tảng phát video trực tuyến như Spotify và Netflix sẽ thuộc số những đối tượng chịu thuế mới. Hiện tại, không có doanh nghiệp nào đưa ra bình luận về thông tin trên.
Trong khi Indonesia đã đặt mục tiêu buộc các công ty Internet phải trả phần thuế công bằng trong nhiều năm, thì việc áp thuế VAT đã được Indonesia công bố vào tháng 3/2020 theo các biện pháp khẩn cấp được Tổng thống Joko Widodo đưa ra để giúp nước này vượt qua khủng hoảng COVID-19. Quốc hội Indonesia đã thông qua các gói biện pháp này vào ngày 12/5.
Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Google, Temasek Holdings và Bain & Company, với dân số gần 270 triệu người, nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia đang phát triển mạnh và dự kiến sẽ đạt 130 tỷ USD vào năm 2025.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho rằng việc áp thuế VAT đối với các loại hàng hóa kinh doanh trên mạng Internet là để đảm bảo Chính phủ nắm bắt được sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân khi họ ở nhà trong thời gian áp dụng lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Chính phủ Indonesia dự kiến thu ngân sách của nước này sẽ giảm 10% trong năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giá hàng hóa thấp, đồng thời ước tính tăng trưởng kinh tế trong nước sẽ chậm lại còn 2,3% năm 2020, từ mức 5% năm 2019.
Giới phân tích cho rằng dịch COVID-19 đã cho thấy chủ trương áp thuế đối với các công ty Internet lớn của các nước trên thế giới khi doanh thu của các doanh nghiệp này gia tăng trong giai đoạn người dân ở nhiều nước phải ở nhà để phòng tránh lây nhiễm COVID-19.
Trong khi đó, sự bùng phát cùng với các ảnh hưởng kinh tế của dịch COVID-19 dự kiến sẽ khiến nhiều quốc gia cần nguồn tài chính lớn hơn để khởi động lại nền kinh tế trong nước.
Hiện tại, các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang đàm phán về đợt điều chỉnh lớn đầu tiên đối với các quy định về thuế để tính tới sự trỗi dậy của các công ty công nghệ lớn như Amazon, Facebook, Apple và Google thường thu nhiều lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh ở những quốc gia có mức thuế thấp. Trong khi đó, Pháp cũng đã công bố kế hoạch áp dụng thuế kỹ thuật số vào năm 2020.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận