Hai câu hỏi cần được các nhà khoa học trả lời khi chữa trị trong đại dịch COVID-19
Theo nghiên cứu mới được công bố, để bảo vệ con người khỏi virus SARS-CoV-2 thì các nhà khoa học cần phải tìm ra lời giải cho 2 câu hỏi trên cơ sở cơ chế phát triển hệ miễn dịch để tránh nguy cơ tái nhiễm của nhân loại.
- Bộ Y tế hội chẩn trực tuyến để chữa trị bệnh nhân nhiễm COVID-19
- EVN đề xuất miễn 100% tiền điện cho cơ sở khám chữa và khu cách ly tập trung phòng chống COVID-19
- Khó khăn và thuận lợi khi triển khai nền tảng Telehealth - khám chữa bệnh từ xa
Ngày 20/5, giới khoa học công bố hai nghiên cứu mới mở ra hy vọng về khả năng con người phát triển được hệ miễn dịch bảo vệ khỏi virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Cơ chế miễn dịch của con người là một phần trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Các nghiên cứu mới, đăng trên tạp chí Science, để đánh giá hiệu quả của một nguyên mẫu vaccine phòng bệnh COVID-19 và xác định xem sau khi nhiễm virus con người có phát triển hệ miễn dịch nhằm tránh nguy cơ tái nhiễm hay không.
Đây là hai câu hỏi quan trọng trong quá trình nghiên cứu cách thức khống chế loại virus đã cướp đi sinh mạng của hơn 325.000 người trên thế giới và khiến hơn 5 triệu người mắc bệnh.
Để trả lời hai câu hỏi này, các nhà khoa thực hiện nghiên cứu với khỉ nâu đuôi ngắn của Ấn Độ để xem cơ thể của khỉ thí nghiệm có phát triển hệ thống miễn dịch bảo vệ thông qua đường miễn dịch tự nhiên hay nhờ một loại vaccine.
Trong một nghiên cứu, chuyên gia Barouch và các nhà nghiên cứu khác đã để cho 9 khỉ nâu trưởng thành nhiễm virus. Sau đó, những con khỉ này, mặc dù có các triệu chứng mắc bệnh nhưng cơ thể đã phát triển các kháng thể bảo vệ và khỏi bệnh chỉ sau vài ngày.
Để kiểm tra hệ miễn dịch của những con khỉ này, nhóm nghiên cứu cho khỉ tiếp xúc với virus lần thứ 2 sau 35 ngày. Kết quả cho thấy chỉ có rất ít hoặc không có triệu chứng nhiễm virus ở những con khỉ này sau khi bị tái nhiễm virus.
Các tác giả lưu ý rằng cần nghiên cứu thêm vì hệ miễn dịch virus SARS-CoV-2 ở khỉ có những điểm khác biệt quan trọng so với ở người. Theo các nhà khoa học, cần tiến hành các thí nghiệm lâm sàng chặt chẽ để xác định liệu việc từng nhiễm virus có giúp bảo vệ hiệu quả cơ thể người trước khả năng tái nhiễm hay không.
Trong nghiên cứu thứ 2, bao gồm nhiều nhà khoa học thuộc nhóm trước, và do tác giả Jingyou Yu dẫn đầu, nhóm nghiên cứu đã thử tiêm các nguyên mẫu vaccine DNA, được phát triển để tạo ra những kháng thể bảo vệ khỏi virus SARS-CoV-2, vào cơ thể 35 con khỉ đuôi ngắn.
Sáu tuần sau khi được tiêm, nhóm khỉ trên bị đặt trong môi trường phơi nhiễm với virus. Kết quả cho thấy máu của nhóm khỉ này đã có sẵn một lượng kháng thể đủ để vô hiệu hóa virus.
Lượng kháng thể đó tương đương với lượng kháng thể tìm thấy ở các bệnh nhân đã được chữa khỏi COVID-19. Điều này làm dấy lên hy vọng về khả năng phát triển được một loại vaccine hiệu quả dành cho người.
Tác giả chính của nghiên cứu, chuyên gia Dan Barouch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu virus và vaccine thuộc Trung tâm Y học Beth Israel Deaconess, Boston (Mỹ) nhận định nghiên cứu vaccine trở thành ưu tiên nghiên cứu y sinh hàng đầu khi đại dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp và gây ra những tác động khó lường. Tuy nhiên, hiện vẫn có rất ít hiểu biết về hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể trước loại virus này.
Trong hai nghiên cứu trên, các tác giả muốn xác nhận rằng các nguyên mẫu vaccine có thể bảo vệ cơ thể trước virus và rằng sau khi đã nhiễm virus thì cơ thể sẽ không bị tái nhiễm.
Tuy nhiên, các tác giả cũng cho rằng cần nghiên cứu thêm để giải đáp những câu hỏi quan trọng như thời gian duy trì hệ miễn dịch bảo vệ và các nền tảng vaccine tối ưu dành cho một loại vaccine ngừa SARS-CoV-2 ở người.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận