Viet-Aus Trade - "Chất xúc tác" số cho quan hệ thương mại song phương
Viet-Aus Trade được ra đời mang theo kỳ vọng của Thương vụ Việt Nam tại Australia như là một "chất xúc tác" số trong xây dựng nền tảng công nghệ cho các hoạt động thương mại song phương, đồng thời tạo sự chủ động kết nối cung - cầu trong quan hệ này.
- "Ngành ngân hàng sẽ có sứ mạng đi đầu về chuyển đổi số"
- An toàn thông tin trong chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ điện tử
- Bộ trưởng TT&TT: Chuyển đổi số hướng đến phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ
Thương vụ Việt Nam tại Australia vừa cho ra mắt một ứng dụng mới có tên gọi là Viet-Aus Trade. Đây là một công cụ nhằm cung cấp nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời kết nối quảng bá địa phương, thông tin về cơ hội đầu tư, sản phẩm hình thành chuỗi cung ứng.
Thương mại song phương Việt - Úc đang trong đà tăng trưởng mạnh những năm gần đây.
Dự kiến, ứng dụng sẽ được giới thiệu đến hàng nghìn nhà nhập khẩu, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Australia và một số quốc đảo lân cận, để tạo thành mạng lưới mạnh, hợp nhất, liên kết với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và địa phương của Việt Nam.
Ứng dụng Viet-Aus Trade hoàn toàn miễn phí và có thể tải về thông qua Apple Store và Google Play. Ứng dụng được thiết kế với logo hình hoa sen cách điệu, nhiều màu sắc, trên nền trống đồng, thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, mang tới ý nghĩa quảng bá văn hóa truyền thống đặc trưng tới bạn bè quốc tế.
Giao diện của ứng dụng gồm nhiều chức năng khác nhau và được thể hiện bằng hai ngôn ngữ Anh -Việt, thuận tiện cho người sử dụng, trong đó có thể kể tới các chức năng như: Công cụ tìm kiếm nhà nhập khẩu Australia/nhà xuất khẩu Việt Nam theo sản phẩm; Giao thương doanh nghiệp hai chiều B2B; Tra cứu, so sánh thuế nhập khẩu vào Australia theo các Hiệp định thương mại tự do; Tra cứu điều kiện an toàn sinh học nhập khẩu vào Australia; Triển lãm online; Quảng bá từng địa phương: Sản phẩm & đầu tư; Thông tin hoạt động kinh tế tại Việt Nam; Chức năng giải đáp (chatbot)…
Ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, cho biết năm 2019, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo mạnh mẽ về việc mở rộng và đưa công nghệ thông tin vào công tác thị trường. Nhận thức được nhiệm vụ cấp bách nói trên, đồng thời nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam và Australia, Thương vụ đã nỗ lực phát triển nhiều hướng công tác mới, trong đó tập trung vào công nghệ thông tin, xây dựng mạng lưới thương mại thế hệ mới, bổ sung cho các hoạt động xúc tiến và tìm hiểu thị trường truyền thống.
Với mong muốn kết nối nhà nhập khẩu và nhà đầu tư tại Australia với địa phương Việt Nam, Thương vụ mong muốn các địa phương trong nước thường xuyên hỗ trợ cập nhật danh sách, sản phẩm doanh nghiệp, dự án kêu gọi đầu tư của địa phương lên trang thông tin bằng tiếng Anh của địa phương hoặc gửi trực tiếp cho Thương vụ. Các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu tìm hiểu thông tin và giải đáp thắc mắc có thể tải ứng dụng để tìm hiểu và trao đổi trực tiếp với Thương vụ Việt Nam tại Australia.
Bên cạnh việc cho ra mắt ứng dụng, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết đang triển khai thêm một hướng đi nữa liên quan tới công nghệ thông tin. Đó là việc xây dựng mô hình Thương vụ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), tập trung tại ba mảng chính: dữ liệu, tự động hóa và kết nối theo hướng tối ưu hóa.
Theo Trưởng Cơ quan Thương vụ, ứng dụng AI là xu hướng tất yếu, sẽ hỗ trợ Thương vụ trong công tác xây dựng mô hình văn phòng vận hành và hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, thúc đẩy hiệu quả và năng suất làm việc.
Lần đầu tiên nhãn tươi Việt Nam xuất hiện tại thị trường Australia.
Để cụ thể hóa mục tiêu này, hiện Thương vụ đã có sáng kiến phối hợp thành lập Chương trình AIFA (AI-for all) với ban điều phối gồm nhiều chuyên gia, tiến sỹ về AI có tâm huyết, nhằm: hỗ trợ công tác thị trường của Thương vụ; hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin từ Việt Nam, hoặc kết nối gia công để tăng kim ngạch xuất khẩu; tư vấn các giải pháp ứng dụng AI trong lĩnh vực năng suất và kết nối; hỗ trợ học sinh, sinh viên tại Việt Nam nghiên cứu về AI.
Nhân dịp này Ban điều phối của chương trình cho biết sẽ trao tặng đợt một, gồm 20 phần mềm đào tạo về AI, cho các trường phổ thông trung học và đại học tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Hòa chia sẻ bên cạnh công tác về công nghệ, Thương vụ đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại. Hiện Việt Nam đang bước vào vụ mùa thu hoạch quả vải, để thúc đẩy xuất khẩu, Thương vụ đang triển khai quảng bá, tiêu thụ tại thị trường Australia.
Trước đó, Thương vụ cũng đã thực hiện cung cấp báo cáo liên kết chuỗi sản xuất giấy, báo cáo thúc đẩy xuất khẩu và xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam, triển khai giải pháp “chăm sóc nhà nhập khẩu nông sản tươi Việt Nam để giữ chân khách hàng trong bối cảnh tác động của COVID-19”, đồng thời chuẩn bị tổ chức các sự kiện kết nối chuỗi cung ứng giúp đón làn sóng dịch chuyển thương mại quốc tế.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong bốn tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia đạt hơn 2,7 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Australia đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 7,3%. Cơ cấu hàng hoá nhập khẩu từ Australia về Việt Nam phần lớn là nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận