Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh
Trong báo cáo đánh giá về tác động của dịch bệnh của ILO cho biết, số giờ làm việc toàn cầu đã giảm 4% tương đương với 400 triệu việc làm toàn thời gian đồng thời phát đi cảnh báo về tình hình ngày càng trầm trọng hơn tại khu vực châu Mỹ.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Nhật Bản đưa 18 nước vào danh sách cấm nhập cảnh
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Sri Lanka dỡ bỏ lệnh phong toả trên cả nước
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Đức cần nghiêm túc đối phó với dịch bệnh
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, đại dịch đã gây tổn thất cho thị trường việc làm nặng nề hơn nhiều so với những dự báo đưa ra. Theo nghiên cứu mới công bố ngày 30/6, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên hợp quốc cảnh báo tình hình việc làm tại khu vực châu Mỹ là đặc biệt nghiêm trọng.
ILO ước tính đến thời điểm giữa năm nay, số giờ làm việc toàn cầu đã giảm 14% so với tháng 12 năm ngoái, tương đương với khoảng 400 triệu việc làm toàn thời gian.
Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Con số này lớn hơn gấp đôi so với dự báo của ILO đưa ra hồi tháng 4 vừa qua, thời điểm dự báo số việc làm sẽ giảm 6,7% tính đến hết quý II của năm nay và cũng cao hơn cả dự báo của ILO đưa ra cuối tháng 5 vừa qua, khi số giờ làm toàn cầu được dự báo giảm 10,7% trong giai đoạn này.
Giám đốc ILO Guy Ryder nhận định: "Mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn khi khủng hoảng việc làm đang ngày càng trầm trọng". Ông cảnh báo: "Chúng ta sẽ chưa thể vượt qua được giai đoạn này".
Theo ILO, số liệu việc làm mới nhất này cho thấy tình hình đang tồi tệ hơn ở nhiều khu vực trong những tuần qua, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển.
ILO chỉ ra rằng có tới 93% người lao động trên toàn cầu đang sống tại các nước vẫn đang bị ảnh hưởng từ các biện pháp cách ly và đóng cửa nhiều hoạt động kinh tế để chống dịch bệnh COVID-19, trong đó châu Mỹ đang chịu những tác động nặng nề nhất.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 30/6 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 10.454.930 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 509.209 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 5.707.889 người.
Mỹ vẫn đang đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 với 2.684.266 ca nhiễm và 128.857 ca tử vong. Đa số các ca nhiễm mới của Mỹ xuất hiện tại các bang miền Tây và miền Nam.
Theo chuyên gia, tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng cao trở lại trong cộng đồng. Tình hình dịch bệnh lây lan đã buộc nhiều thống đốc bang phải tái áp đặt các biện pháp như đóng cửa quán bar và nhà hàng, trong đó có bang New Jersey, Arizona và California.
Tại Nam Mỹ, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, với Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới và ghi nhận số ca nhiễm liên tục tăng. Tính đến ngày 30/6, Brazil đã ghi nhận tổng cộng 1.373.006 ca nhiễm và 58.406 ca tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo quốc gia này vẫn đối mặt thách thức lớn trong kiểm soát dịch bệnh, do đó cần nỗ lực thực thi các biện pháp đồng bộ từ cấp liên bang đến các cấp nhỏ hơn, cũng như tập trung tiếp cận toàn diện để ngăn chặn dịch bệnh.
Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ mở cửa biên giới với 15 nước, trong đó riêng với Trung Quốc mở cửa nhưng kèm một số điều kiện. Tuy nhiên, thông báo này không áp dụng đối với Mỹ, quốc gia được coi là đang phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai.
Tại Anh, chính phủ đã quyết định phong tỏa thành phố Leicester. Tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày qua tại Leicester là 135 ca/100.000 người, cao nhất cả nước và gấp 3 lần so với thành phố đứng thứ 2. Vì vậy, Bộ Y tế Anh quyết định không triển khai giai đoạn nới lỏng phong tỏa tiếp theo tại thành phố này từ ngày 4/7 tới như áp dụng với các địa phương khác trên cả nước.
Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận 19 ca mới trong ngày 29/6, trong đó 8 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 11 ca nhập cảnh. Tính đến hết ngày 29/6, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 83.531 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.469 người được chữa khỏi bệnh.
Tại Hàn Quốc, giới chức y tế thông báo đã ghi nhận thêm 43 ca nhiễm, trong đó 23 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số lên 12.800 ca. Số người tử vong do COVID-19 vẫn là 282 người, chủ yếu là người cao tuổi và có bệnh nền từ trước.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết khu vực đô thị Seoul và vùng phụ cận đã xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai, đồng thời cảnh báo Hàn Quốc cần chuẩn bị cho một cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 kéo dài.
Tại Thái Lan, chính phủ quyết định sẽ mở lại các trạm kiểm soát biên giới với Myanmar, Lào, Campuchia và Malaysia nhằm nối lại hoạt động vận tải hàng hóa và thương mại xuyên biên giới kể từ ngày 1/7. Tuy nhiên, khách du lịch từ 4 quốc gia láng giềng này vẫn chưa được phép nhập cảnh Thái Lan qua những trạm kiểm soát biên giới trên.
Trong khi đó, Cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) cho biết lệnh cấm các chuyến bay quốc tế sẽ được dỡ bỏ từ ngày 1/7, nhưng chỉ một số đối tượng nhất định được phép nhập cảnh.
Tại Indonesia, giới chức y tế cho biết nước này đã ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 71 người ca, nâng tổng số ca tử vong lên 2.876 người. Trong khi đó, số ca nhiễm mới cũng tăng thêm 1.293 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại Indonesia lên 56.385 người.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, kể từ ngày 1-31/7, Lào sẽ tiếp tục ngừng cấp thị thực du lịch, thăm viếng đối với những cá nhân đi từ hoặc quá cảnh các quốc gia có dịch bệnh, ngoại trừ nhân viên ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên viên và lao động cho các dự án quan trọng tại Lào.
Về phần mình, Ấn Độ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, khi cho phép thêm nhiều chuyến bay nội địa và các chuyến tàu hỏa giữa các bang hoạt động, đồng thời rút ngắn lệnh giới nghiêm ban đêm.
Tuy nhiên, một số thành phố đã gia hạn lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan sau khi số ca nhiễm mới theo ngày duy trì ở mức gần 20.000 ca. Tính đến ngày 30/6, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 573.598 ca nhiễm và 17.008 ca tử vong do COVID-19.
Tại châu Phi, Chính phủ Algeria đã yêu cầu chính quyền các địa phương thực hiện lệnh giới nghiêm theo khu vực để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan trên diện rộng.
Trong khi đó, Senegal tuyên bố chấm dứt tình trạng giới nghiêm và khẩn cấp y tế, vốn có hiệu lực kể từ ngày 24/3, đồng thời cho phép nối lại các đường bay quốc tế kể từ ngày 15/7.
Tại Australia, chính quyền bang Victoria đã tái áp đặt lệnh phong tỏa một loạt các điểm nóng của dịch COVID-19 để ngăn dịch lây lan.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận