Loạn giá các gói "combo" truyền hình và Internet giá rẻ, nghi ngại có dấu hiệu bù chéo dịch vụ
Cùng với cuộc chạy đua tăng gấp đôi băng thông Internet nhưng giá không đổi, các nhà mạng viễn thông và truyền hình trong tháng 7 đã tung ra các gói combo (một gói sản phẩm, dịch vụ) Internet và truyền hình đã rẻ nay lại càng rẻ hơn. Không ít ý kiến nghi ngại thị trường có dấu hiệu bù chéo giữa dịch vụ Internet và truyền hình.
- Giải pháp hệ thống Truyền hình Hội nghị phục vụ cho các cơ quan nhà nước
- Truyền hình OTT - Hướng đi mới của các “nhà Đài”
Loạn giá các gói combo truyền hình và Internet
Cách đây tầm 4 năm, SCTV là nhà đài đầu tiên tung ra gói combo Internet và truyền hình HD tại Hà Nội, người dùng trả gói cước thấp nhất là 240.000 đồng để sử dụng dịch vụ Internet tốc độ 4Mbps và truyền hình HD, đây là gói cước rẻ nhất trên thị trường Hà Nội lúc bấy giờ và một số đối thủ đã cho rằng SCTV bán phá giá để triệt tiêu đối thủ. Bởi vì vào thời điểm đó, tại Hà Nội nếu đăng ký dùng riêng lẻ hai dịch vụ Internet và truyền hình HD giá khoảng 350.000 – 400.000 đồng.
Thế nhưng, ICTnews vừa khảo sát các gói combo Internet và truyền hình ở Hà Nội đang có mức giá rẻ hơn mức cước của SCTV cách đây 4 năm khá nhiều. Ví dụ Viettel cung cấp gói Internet 25Mbps và truyền hình HD giá 225.000 đồng, 40Mpbs và truyền hình HD là 260.000 đồng. Như vậy so với cách đây 4 năm người dùng trả phí thấp hơn nhưng lại được dùng dịch vụ Internet có tốc độ cao hơn trước tới 6 lần. Nếu khách hàng đang dùng Internet của Viettel rồi thì chỉ cần trả 40.000 đồng để dùng dịch vụ truyền hình HD cho 1 tivi, những tivi tiếp theo trả 30.000 đồng/tháng
Truyền hình FPT đang cung cấp dịch vụ Internet cáp quang 22Mbps là 190.000 đồng, nhưng nếu khách hàng sử dụng combo Internet 22Mbps và truyền hình HD thì giá chỉ có 230.000 đồng, gói 35Mbps và truyền hình HD giá chỉ 275.000 đồng.
Truyền hình SCTV cũng có gói combo Internet 15Mbps và truyền hình HD giá 258.000 đồng, Internet 20Mbps và truyền hình HD giá 288.000 đồng. Truyền hình MyTV có gói HomeTV Internet 40Mbps và truyền hình HD giá 269.000 đồng. Truyền hình VTVcab có giá dịch vụ truyền hình HD là 160.000 đồng/tháng, tuy nhiên nếu khách hàng dùng trọn gói cả Internet 25Mbps thì giá cho cả hai dịch vụ chỉ còn 250.000 đồng.
Trên đây chỉ là bảng giá niêm yết, còn thực tế thì các nhà mạng luôn có khuyến mãi cho khách hàng đóng thuê bao dài hạn, như đóng trước 6 tháng được dùng 7 tháng, trước 12 tháng được dùng 15 tháng, trước 18 tháng được dùng 2 năm, nên giá cước thực tế mà khách hàng phải trả còn rẻ hơn giá niêm yết từ 15-25%.
Thậm chí ở các tỉnh lẻ thì các nhà mạng đều có chính sách giá cước dịch vụ thấp hơn ở Hà Nội và TP.HCM. Ví dụ, tại Long An, Viettel cung cấp 3 gói combo Internet và truyền hình HD giá chỉ 215.000 đồng, 230.000 và 250.000 đồng/tháng. Gói tốc độ cao 150Mbps tặng kèm gói K+ cũng chỉ có 400.000 đồng/tháng.
Nhà nước cần điều tiết để tránh lộn xộn về giá trên thị trường
Theo ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV, chiến lược cung cấp 3 dịch vụ trên một đường dây của các nhà mạng là một chiến lược phổ biến, cung cấp các dịch vụ như truyền hình, thoại trên một đường truyền Internet. Việc bù chéo hay còn gọi là cross-sales sẽ tạo ra lợi thế nhất định cho nhà mạng. Ví dụ, đăng ký Internet thì được tặng hoặc giảm giá truyền hình, để tạo ra một hệ sinh thái người dùng hoặc tạo cho người dùng quen dần một sản phẩm mới và thu được phí trong tương lai.
Song việc các nhà mạng bán các gói dịch vụ Internet và truyền hình giá ngày càng rẻ được coi là nguyên nhân khiếu ngành truyền hình trả tiền trong khoảng 6 năm trở lại đây khó phát triển, do ARPU (giá cước bình quân trên một thuê bao tháng – PV) quá thấp, chỉ vào khoảng 4USD/thuê bao/tháng. Lý do khiến ARPU của truyền hình trả tiền quá thấp, theo một lãnh đạo của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, là do có hiện tượng bù chéo giữa dịch vụ viễn thông và truyền hình của các nhà mạng viễn thông.
Theo vị lãnh đạo này, một thuê bao dùng nhiều dịch vụ của nhà mạng cùng lúc như Internet và truyền hình có khi chỉ phải trả tiền Internet là được dùng miễn phí dịch vụ truyền hình chẳng hạn. Bên cạnh hiện tượng bù chéo, còn có dấu hiệu ẩn doanh thu bằng cách đơn vị cung cấp dịch vụ không có hợp đồng mẫu, không hạch toán chi tiết từng dòng doanh thu trên hóa đơn, do đó có thể vừa trốn được doanh thu, vừa đẩy giá dịch vụ truyền hình xuống thấp.
Theo một nguồn tin riêng của ICTnews từ một doanh nghiệp truyền hình, hiện nay đúng là có hiện tượng bù chéo giữa phát triển Internet và truyền hình. Các nhà mạng viễn thông, truyền hình kéo cáp Internet đến đâu thì bán luôn dịch vụ truyền hình đến đó, hoặc nhà khách hàng nếu có Internet rồi thì lắp thêm dịch vụ truyền hình với giá thuê bao tháng rất rẻ chỉ từ 20.000 – 40.000 đồng/tháng. Với cách tính combo thì người dùng sẽ không biết rõ giá cả của mỗi dịch vụ là bao nhiêu. Và nếu cơ quan quản lý có xem xét thì đơn vị cung cấp dịch vụ cũng không bị coi là phạm luật.
“Chưa nói là dịch vụ có bị bán phá giá hay không, nhưng việc bán combo Internet và truyền hình như trên cho thấy một sự lộn xộn trong kinh doanh và cần có sự điều hành của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Ở nước ngoài họ làm việc này rất rõ ràng và sòng phẳng, nhà nước cần ra khuyến cáo với các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp phải công bố công khai tách bạch giá cước từng dịch vụ”, đại diện một đơn vị truyền hình đề nghị.
Theo ICT News
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận