Cập nhật tình hình dịch COVID-19: EC chi 476 triệu USD cho việc đảm bảo công bằng tiếp cận vaccine
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận vaccine trên thế giới Ủy ban châu Âu (EC) đã đảm bảo gói tài chính trị giá 476 triệu USD.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Mức tăng ca nhiễm mới và tử vong của Ấn Độ cao nhất thế giới
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Malaysia sẽ kéo dài Lệnh kiểm soát đi lại đến hết năm
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Tây Ban Nha phải sử dụng quân đội để chống dịch
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, EC ngày 31/8 chính thức thông báo khoản đóng góp 400 triệu euros (tương đương 476 triệu USD) cho một sáng kiến do WHO đứng đầu để mua các loại vaccine nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng trên thế giới.
Sáng kiến này có tên là COVAX nhằm mua 2 tỷ liều vaccine của một số hãng sản xuất tiềm năng trên thế giới vào cuối năm 2021. Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh việc đóng góp cho sáng kiến COVAX nhằm mục đích hợp tác cùng cộng đồng quốc tế cung cấp vaccine cho những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Hưởng ứng lời kêu gọi của WHO, EC đảm bảo gói tài chính trị giá 476 triệu USD cho sự công bằng về quyền tiếp cận vaccine trên thế giới.
Cũng theo EC, cùng với các nước Liên minh châu Âu (EU), ủy ban này đã sẵn sàng sử dụng mọi kinh nghiệm và nguồn lực của mình trong khuôn khổ sáng kiến COVAX để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển và xây dựng chuỗi cung ứng vaccine của toàn cầu để đảm bảo sản phẩm này đến với mọi người dân trên thế giới.
Sáng kiến trên do liên minh vaccine quốc tế GAVI điều phối nhằm kêu gọi tài trợ từ các nhà từ thiện lớn, các quốc gia giàu có và ngành công nghiệp dược phẩm. Cho đến nay, COVAX đã nhận được được hơn 600 triệu USD tài trợ và đặt mục tiêu huy động được 2 tỷ USD vào cuối năm nay.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 31/8 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 25.447.270 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 851.512 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 17.760.450 người.
Ở góc độ khu vực, Bắc Mỹ là khu vực có số bệnh nhân nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới (hơn 7,3 triệu người và hơn 270.000 người tử vong), tiếp đến là châu Á (7,03 triệu bệnh nhân và 141.800 người tử vong), Nam Mỹ ghi nhận 6,2 triệu bệnh nhân và 201.000 trường hợp tử vong, châu Âu xác nhận 3,5 triệu bệnh nhân và hơn 207.000 người tử vong. Châu Phi ghi nhận 1,2 triệu bệnh nhân và 29.600 người tử vong và cuối cùng là châu Đại dương với 28.400 bệnh nhân và 681 trường hợp tử vong.
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh với 6.177.207 ca nhiễm và 187.248 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Brazil với 3,8 triệu ca nhiễm và 120.896 ca tử vong và Ấn Độ với 3,6 triệu ca nhiễm và 64.951 ca tử vong do COVID-19.
Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới, đều là các ca nhập cảnh và không có ca lây nhiễm trong cộng đồng trong ngày 30/8.
Như vậy, tính đến hết ngày 30/8, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.048 ca mắc COVID-19, trong đó có 237 người vẫn đang được điều trị, 80.177 người đã khỏi bệnh và 4.634 ca tử vong.
Tại Hàn Quốc, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 31/8 đã ghi nhận thêm 248 ca mắc COVID-19, trong đó có 238 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 19.947 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 1 ca lên 324 ca.
Trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới ở thủ đô Seoul duy trì mức ba con số nhiều ngày liên tiếp, chính quyền thành phố Seoul đã tuyên bố thực hiện "Tuần lễ 10 triệu dân tạm dừng hoạt động" bắt đầu từ ngày 30/8 đến hết ngày 6/9 tới.
Tại Indonesia, ngày 31/8, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận thêm 2.743 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 174.796 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 74 ca lên 7.417 ca.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo đã ghi nhận thêm 3.448 ca mắc và 38 ca tử vong do dịch COVID-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lên lần lượt là 220.819 ca và 3.558 ca. Trong khi đó, số bệnh nhân đã bình phục đã tăng lên 157.562 người.
Trong khi đó, Bộ Y tế và Thể thao Myanmar cho biết trong sáng 31/8, nước này phát hiện thêm 12 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 787 ca. Tính đến thời điểm hiện tại, nước này có 6 ca tử vong do COVID-19.
Tại Thái Lan, nhà chức trách thông báo công dân nước này và du khách khởi hành từ Thái Lan tới Israel sẽ được miễn cách ly 14 ngày khi nhập cảnh vào Israel. Thái Lan và Singapore hiện đang nằm trong số 30 nước mà Israel không áp dụng cách ly khi nhập cảnh.
Tại New Zealand, các trường học và cơ sở kinh doanh tại thành phố Aukland đã mở cửa trở lại ngày 31/8, sau khi lệnh phong tỏa thành phố được dỡ bỏ. Tuy nhiên, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng trong phạm vi thành phố.
Trong khi đó, bang Victoria của Australia ngày 31/8 thông báo ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục mặc dù số ca nhiễm mới giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 3/7.
Cụ thể, bang này có thêm 41 ca tử vong và 73 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Như vậy, Australia hiện có gần 26.000 ca mắc COVID-19 và 652 ca tử vong, ít hơn nhiều so với các nước phát triển khác.
Tại châu Âu, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cam kết việc đảm bảo an toàn tại các trường học sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính phủ trong bối cảnh hàng triệu học sinh nước này sẽ quay lại trường trong 2 tuần tới.
Tại Canada, chính phủ thông báo đã đạt được thỏa thuận mua 76 triệu liều vaccine của hãng công nghệ sinh học Novavax (Mỹ) vào năm 2021, nếu vaccine NVX-CoV2373 chứng minh được hiệu quả trong việc ngừa COVID-19. Vaccine NVX-CoV2373 hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 2 để đánh giá mức độ an toàn và khả năng miễn dịch.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận