Cập nhật tình hình dịch COVID-19: EU đã đánh giá sai mức độ nguy hiểm của SARS-CoV-2
Trước những diễn biến đáng lo ngại của dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã phải thừa nhận việc các nước thành viên đã đánh giá sai mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Châu Âu đang trở thành "tâm dịch" của thế giới
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Vũ Hán mới - Hàn Quốc đã có dấu hiệu hạ nhiệt
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Châu Âu - Vũ Hán mới của thế giới
Ngày 18/3, số ca nhiễm bệnh và tử vong trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã vượt lên những mốc mới, cho thấy tốc độ lây lan và tác động ngày càng đáng lo ngại của dịch bệnh.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát tại quốc gia đầu tiên bùng phát là Trung Quốc và nhịp sống thường ngày đang dần trở lại quốc gia này, mang đến những thông tin tích cực và củng cố niềm tin rằng thế giới có thể chiến thắng dịch bệnh bằng những biện pháp hợp lý.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins, số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã vượt quá mốc 200.000 lên 201.436 người. Tính đến 18h ngày 18/3 (theo giờ Hà Nội), số ca mắc COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đại lục là 120.334 người, trong đó Italy ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm bệnh nhất với 31.506 ca, tiếp đến là Iran (16.169 ca) và Tây Ban Nha (13.716 ca).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Anh là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đột biến khi số liệu của Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh cho thấy số người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại đây đã lên đến 2.600 người, tăng 676 người, tương đương 35%, so với ngày 17/3.
Cũng theo Đại học Johns Hopkins, tính đến nay, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 8.006 người trên thế giới. Italy là nước có số ca tử vong cao nhất ngoài Trung Quốc đại lục (2.503 ca), tiếp theo là Iran (988 ca) và Tây Ban Nha (533 ca).
Đây cũng là ngày mà số ca tử vong do COVID-19 tại châu Âu đã lần đầu tiên vượt số ca tử vong ở châu Á. Tính đến 18h ngày 18/3 (theo giờ Hà Nội), châu Âu ghi nhận ít nhất 3.421 trường hợp tử vong so với 3.384 trường hợp tử vong ở châu Á.
Cũng trong ngày 18/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã thừa nhận rằng giới chức châu Âu ban đầu đã đánh giá sai mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết các quốc gia thành viên sẽ tự quyết những lệnh giới nghiêm và các nước EU sẽ phối hợp rất chặt chẽ với nhau để chống dịch bệnh.
Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp đã khiến nhiều nước phải đưa ra những quyết định khẩn cấp. Sau Italy và Tây ban Nha, Pháp cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa trong ít nhất 15 ngày. Bỉ yêu cầu các công dân ở nhà tới ít nhất là ngày 5/4.
Chính phủ Đức cũng đưa ra yêu cầu tương tụ với các công dân của mình. Tại Nga, các biên giới đã đóng cửa với người nước ngoài trong khi các trường học cũng sẽ tạm ngừng hoạt động từ ngày 23/3 tới 12/4, mọi chuyến bay tới Anh, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng sẽ bị hoãn từ ngày 20/3.
Chính phủ Anh đã công bố một dự luật khẩn cấp nhằm ứng phó với dịch COVID-19, trong đó có đề xuất cho phép cảnh sát bắt giữ những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để đưa đi xét nghiệm.
Dự luật Viruscorona Khẩn cấp (Emergency Coronavirus Bill) sẽ trao cho nhà chức trách Anh các quyền hạn mới khi cần thiết, dựa trên khuyến nghị của giới chức y tế cấp cao.
Thụy Sĩ, Armenia, Moldova và Kazakhstan cùng một số vùng ở Ukraine, Kyrgyzstan, 2 thành phố lớn nhất Brazil là Rio de Janeiro và Sao Paulo đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh. Australia lần đầu tiên trong lịch sử nâng mức cảnh báo du lịch lên mức cao nhất là “báo động đỏ” cấp 4.
Mỹ và Canada cũng tuyên bố tạm đóng cửa đường biên giới chung. Theo thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai bên sẽ tạm thời đóng cửa đường biên giới chung, song khẳng định biện pháp này không ảnh hưởng đến hoạt động giao thương giữa hai nước.
Dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện tại Iran khi quốc gia này ghi nhận thêm 147 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp tử vong do mắc COVID-19 tại nước này lên 1.135 trường hợp.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua của Iran là 1.192 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm tại nước CH Hồi giáo này lên 17.161 trường hợp. Dù chưa ban bố lệnh hạn chế đi lại, song giới chức Iran đã kêu gọi người dân ở nhà trong dịp kỳ nghỉ Năm mới dự kiến bắt đầu từ ngày 20/3 cho đến đầu tháng 4 tới. T
Trung Quốc đại lục là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh đại dịch COVID-19 ngày 18/3 khi Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) thông báo trong ngày 17/3 ghi nhận thêm 13 ca nhiễm mới, trong đó chỉ có 1 ca duy nhất lây nhiễm trong nước tại tỉnh tâm dịch Hồ Bắc và 12 ca còn lại là các du khách nhập cảnh từ nước ngoài.
Như vậy, đã có 16 thành phố và quận/huyện tại tỉnh Hồ Bắc ngoài Vũ Hán không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong 13 ngày liên tiếp, tính đến hết ngày 17/3.
Các nhà hàng đang rục rịch mở cửa trở lại, các tuyến đường giao thông liên tỉnh được khôi phục và hoạt động sản xuất tại các nhà máy dần trở lại bình thường. Trung Quốc như đang hồi tỉnh sau "cơn hôn mê" vì virus SARS-CoV-2.
Điều này tạo nên hy vọng rằng bằng những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh lây lan một cách nghiêm túc và đánh giá đúng tình hình, nâng cao cảnh giác với dịch bệnh, các quốc gia trên thế giới sẽ có thể chiến thắng COVID-19 và mang lại nhịp sống bình thường cho người dân.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận