Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Châu Âu đang trở thành "tâm dịch" của thế giới
Cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch COVID-19, châu Âu đang bị biến thành trung tâm dịch của thế giới khi hàng ngày có tới hàng nghìn ca nhiễm mới cùng với tử vong.
- "Phố tây" Tạ Hiện đóng cửa phòng dịch COVID-19 theo chỉ đạo
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Châu Âu - Vũ Hán mới của thế giới
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: EU vẫn chưa thể kiểm soát được sự lây lan
Theo số liệu cập nhật đến 22h ngày 17/3 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận gần 183.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 7.415 ca tử vong và gần 80.000 ca đã bình phục. Châu Âu hiện đang là tâm dịch mới của đại dịch COVID-19, với Italy là "ổ dịch" lớn nhất.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), ngày 16/3 Trung Quốc đại lục chỉ ghi nhận 21 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, trong đó chỉ có 1 ca trong nước, 20 ca còn lại đều nhập cảnh từ nước ngoài.
Trong số 13 ca tử vong, 11 ca ở thành phố Vũ Hán, thuộc tình Hồ Bắc. Như vậy, tính đến nay Trung Quốc đã có tổng cộng 80.881 ca nhiễm và 3.226 ca tử vong.
Trong khi đó, tại Italy, ngày 16/3 đã có tới 349 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên tới 2.158 người trong tổng số 27.980 ca nhiễm. Khu vực miền Bắc Italy vẫn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó riêng vùng Lombardy có 1.420 ca tử vong, chiếm 66% số ca tử vong trong cả nước.
Pháp cũng xác nhận 1.210 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 6.633 trường hợp, trong đó có 148 người tử vong. Anh thông báo số ca tử vong lên tới 53 trường hợp và hơn 1.500 người nhiễm bệnh.
Giới chức y tế Anh dự báo số bệnh nhân COVID-19 có thể lên tới 10.000 người. Nước Đức ghi nhận đã có tổng cộng 6.612 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với 13 trường hợp tử vong, trong đó riêng bang Bayern có 4 ca tử vong.
Chính phủ Italy đã thông qua chi 25 tỷ euro (tương đương 27,8 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế chống chọi với dịch COVID-19. Động thái này giúp Italy có thể giảm nhẹ tác động từ dịch bệnh, bao gồm việc hoãn thanh toán nợ cho các công ty nhờ có nhà nước bảo lãnh với các ngân hàng, tăng ngân sách giúp các doanh nghiệp chi trả lương cho những nhân viên phải tạm nghỉ do lệnh phong tỏa.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron tối cùng ngày đã công bố hàng loạt biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, theo đó mọi hoạt động di chuyển và tiếp xúc sẽ bị hạn chế ở mức tối thiểu kể từ trưa 17/3 và kéo dài trong ít nhất 15 ngày trên toàn lãnh thổ.
Bên cạnh đó, từ trưa 17/3, biên giới vào Liên minh châu Âu (EU) và khối Schengen sẽ đóng cửa, song các công dân Pháp đang ở nước ngoài vẫn có thể hồi hương. Tại Đức, Thủ hiến bang Bayern, ông Marcus Söder đã ban bố tình trạng thảm họa ở bang miền Nam lớn nhất nước này.
Cho đến thời điểm này, chính quyền bang Bayern đã cho đóng cửa toàn bộ trường học và nhà trẻ cũng như các địa điểm tụ tập đông người nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, chính quyền bang Baden-Wuertemberg tuyên bố sẽ ngừng toàn bộ các chuyến bay trong không phận của bang này do COVID-19.
Mặc dù số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Anh khá cao, song hiện Chính phủ Anh vẫn chưa áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ như các nước châu Âu khác.
Tuy nhiên, phát biểu trên kênh truyền hình BBC, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khẳng định London sẽ công bố các biện pháp khẩn cấp trong ngày 17/3, dự kiến gồm lệnh cấm tụ tập đông người.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tại châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp, bộ trưởng tài chính các nước EU cam kết chung tay chống dịch bệnh đang hủy hoại các nền kinh tế trong khu vực.
Các bộ trưởng tài chính EU đã ký phê chuẩn một loạt đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm phối hợp nỗ lực trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay, trong đó có đề xuất bãi bỏ các quy định liên quan đến việc các nước thành viên bội chi.
Những đề xuất này sẽ đi kèm với biện pháp kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, các bộ trưởng EU nhất trí tạm thời chưa huy động Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), quỹ cứu trợ thường trực của các nước Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trị giá 410 tỷ euro.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã kêu gọi tất cả các nước châu Âu, hiện đang là tâm dịch, cần mạnh tay hành động để ứng phó với dịch COVID-19. Phát biểu tại họp báo, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge nhấn mạnh mọi quốc gia trong khu vực cần có những hành động cương quyết nhằm ngăn chặn hoặc làm chậm lại sự lây lan của virus.
Quan chức này nhận định điều tốt là toàn khu vực đều đang cảnh giác, các biện pháp chuẩn bị và ứng phó đều đã được triển khai tại tất cả các nước thành viên. Tuy nhiên, mỗi thành viên cần tự đánh giá tình hình và quyết định xem nên chú trọng vào biện pháp nào, do diễn biến dịch ở mỗi nước là khác nhau.
Một trong những đột phá lớn nhất là cả Mỹ và Trung Quốc cùng công bố bắt đầu thử nghiệm trên người vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp - COVID-19 đầu tiên.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Tự nhiên ngày 17/3, các nhà khoa học tại Viện Truyền nhiễm Peter Doherty ở thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia cũng tuyên bố đã đạt được bước tiến mới trong việc phát hiện ra cơ chế hệ miễn dịch của con người phản ứng với virus SARS-CoV-2, thông qua cách lập bản đồ các phản ứng miễn dịch của một bệnh nhân.
Nghiên cứu này là phát hiện đầu tiên trên thế giới về một phản ứng miễn dịch rộng đối với virus SARS-CoV-2. Thông qua phát hiện này, các nhà khoa học hy vọng sẽ sớm thúc đẩy tiến trình bào chế thành công loại vaccine hiệu quả.
Trong một động thái liên quan, các "ông lớn" công nghệ và mạng xã hội Microsoft, Facebook, Google và Twitter cũng cho biết đang cùng nhau hợp tác để dập tắt các thông tin sai lệch liên quan tới đại dịch COVID-19 trên nền tảng của mình.
Các công ty bao gồm LinkedIn, Reddit và YouTube cho biết họ đang phối hợp với các cơ quan y tế chính phủ các nước trên phạm vi toàn cầu để chia sẻ những cập nhật quan trọng về sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận