Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Gần 1,3 triệu người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, tính đến 22h ngày 6/4 (giờ Việt Nam) trên toàn thế giới số người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã đạt đến gần 1,3 triệu người tại 208 quốc gia và vùng lãnh thổ.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Vaccine tiếp tục có những tín hiệu khả quan
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Châu Âu vẫn chưa thấy dấu hiệu bớt căng thẳng
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: EU đã đánh giá sai mức độ nguy hiểm của SARS-CoV-2
Theo website chuyên về thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 6/4 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 1.290.896 người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 70.653 ca tử vong, và 272.155 bệnh nhân đã bình phục. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến 208 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Gần 1,3 triệu người được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới.
Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 với 338.899 ca, tiếp đến là Tây Ban Nha với 135.032 ca, Italy - 128.948 ca, Đức ghi nhận 100.338 và Pháp là 92.839 ca, Trung Quốc hiện ghi nhận 81.708 ca. Trong khi đó, Italy ghi nhận số ca tử vong cao nhất thế giới - 15.887 ca, tiếp đến là Tây Ban Nha với 13.169 ca; Mỹ ghi nhận 9.689 ca.
Đặc biệt tại Mỹ, số ca tử vong tại thành phố New York trong 24h qua lần đầu tiên đã giảm từ khi dịch bùng phát đến nay, với 594 ca được ghi nhận, ít hơn 36 ca so với ngày hôm trước.
Còn tại Italy cũng ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong 2 tuần qua (tăng thêm 525 ca) và số lượng bệnh nhân cần điều trị tích cực tiếp tục giảm ngày thứ hai liên tiếp.
Tương tự, Pháp ghi nhận 357 ca tử vong trong 24 giờ qua, mức tăng trong ngày thấp nhất trong tuần qua ở nước này. Còn Iran ghi nhận ngày 6/4 là ngày thứ 6 liên tiếp có số ca mới mắc COVID-19 giảm.
Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tại Nga lại tăng cao kỷ lục trong một ngày. Theo thông báo ngày 6/4 của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Nga trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 954 ca mắc bệnh tại 49 tỉnh thành trên cả nước. Đây là mức tăng kỷ lục ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày tại nước này. Một số nước trên thế giới đã xác nhận ca tử vong đầu tiên như Haiti và Benin.
Còn tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) thông báo số ca tử vong do COVID-19 tại châu lục này đã lên tới 414 ca trong khi số ca mắc bệnh lên tới 9.178 ca, trong đó có khoảng 813 ca phục hồi.
Africa CDC, cơ quan chuyên trách của 55 nước thành viên Liên minh châu Phi, trong thông báo cập nhật mới nhất về tình hình cũng cho biết dịch COVID-19 đang lan rộng trên toàn 51 nước châu Phi.
Ngày 27/1 vừa qua, Liên minh châu Phi thông qua Africa CDC đã kích hoạt trung tâm hoạt động khẩn cấp và Hệ thống quản lý tai nạn (IMS) để đối phó với dịch COVID-19. Africa CDC cũng phát triển kế hoạch hành động ứng phó thứ ba liên quan tới giai đoạn từ ngày 16/3 đến 15/4.
Trong bối cảnh số ca mắc bệnh có chiều hướng thuyên giảm, nhiều nước ở châu Âu thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế hay xem xét nới lỏng các biện pháp cách ly vốn được triển khai nhằm làm giảm sự lây lan của dịch COVID-19.
Áo thông báo sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế kể từ ngày 14/4 tới, song điều này còn phụ thuộc vào việc người dân có tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội hay không.
Cụ thể, các cửa hàng nhỏ có diện tích từ 400 m2 trở xuống, các cửa hàng thiết bị và cửa hàng cây cảnh có thể được mở cửa trở lại với những điều kiện an toàn nghiêm ngặt. Kể từ giữa tháng Năm, các khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ khác có thể sẽ hoạt động trở lại theo từng giai đoạn.
Trong khi đó, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ và Phần Lan đã thành lập các ủy ban chuyên gia để nghiên cứu giảm dần các biện pháp cách ly và những hạn chế nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, các quốc gia này cũng đang nỗ lực tránh làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể gây quá tải hệ thống y tế.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 4/4 đã gia hạn việc đóng cửa đất nước thêm 2 tuần cho đến ngày 26/4 tới, song lệnh cấm vào tháng trước đối với tất cả các hoạt động không quan trọng, bao gồm cả sản xuất và xây dựng, sẽ được dỡ bỏ sau lễ Phục sinh.
Còn Đan Mạch - một trong những nước đầu tiên ngừng hoạt động và đóng cửa biên giới - đã trở thành quốc gia đầu tiên vào tuần trước đưa ra lịch trình dỡ bỏ các hạn chế.
Chính phủ Séc đang cân nhắc khả năng nới lỏng các biện pháp phong tỏa nếu trong những ngày tới, số ca nhiễm mới COVID-19 tại nước này tính theo ngày ổn định.
Tuy nhiên, do số ca mắc bệnh tiếp tục gia tăng nên một số nước khác trên thế giới tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát. Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 1 tháng đối với một số tỉnh thành tại nước này từ ngày 7/4.
Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát biên giới, trong đó có dọc tuyến biên giới trên bộ, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ nước ngoài.
Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả những người không phải là cư dân của vùng này. Romania sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày nữa sau khi lệnh tình trạng khẩn cấp hiện nay hết hiệu lực vào tuần tới.
Nhằm làm giảm bớt tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế, nhiều nước trên thế giới đã công bố các gói kích thích kinh tế như Malaysia công bố gói kích thích kinh tế 2,3 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này.
Nhật Bản thông báo sẽ tung ra gói cứu trợ, trị giá 108.000 tỷ yen (989 tỷ USD), lớn hơn nhiều so với gói cứu trợ, trị giá 56.800 tỷ yen mà Tokyo đã đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận