Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Hơn 80% công ty Mỹ phải chống chọi với dịch bệnh trong ít nhất 1 năm nữa
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, theo khảo sát mới đây của mạng lưới thanh toán toàn cầu cho biết, hơn 80% công ty nhỏ của Mỹ sẽ phải chống chọi với dịch bệnh trong ít nhất 1 năm tới cùng với đó là 90% các công ty sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Iran đứng trước nguy cơ bùng phát đại dịch lần 2
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Số người nhiễm virus mới ở Moskva vẫn không ngừng tăng
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Thiếu vật tư y tế khiến công tác chống dịch trở nên khó khăn
Veem, mạng lưới thanh toán toàn cầu có trụ sở tại thành phố San Francisco, bang California (Mỹ) ngày 11/5 cho biết 81% công ty nhỏ của Mỹ mà mạng lưới này khảo sát đã dự trù khả năng dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của họ trong vòng từ 12 tới 16 tháng và gần 90% công ty sẽ phải chống chọi với tình trạng suy thoái kinh tế.
Hàng không - Ngành kinh tế chủ lực của Mỹ cũng đang đối diện với muôn vàn khó khăn trước tình hình dịch bệnh.
Theo Veem, mạng lưới này đã hỗ trợ hàng nghìn công ty nhỏ nộp đơn xin vay vốn theo Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) khẩn cấp trị giá 660 tỷ USD của chính quyền liên bang và các doanh nghiệp này đang nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh. Trong số 690 công ty tham gia khảo sát, 65% cho biết đã nộp đơn xin trợ cấp liên bang hoặc lên kế hoạch làm viêc này trong tương lai gần.
Trước đó, hôm 8/5, Veem cho hay đến nay, Cơ quan quản lý Doanh nghiệp Nhỏ đã phê duyệt hơn 2,5 triệu khoản vay cho những doanh nghiệp này với tổng trị giá 536 tỷ USD.
Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng ngừng hoạt động trên diện rộng nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19. Theo số liệu của Chính phủ Mỹ được công bố hôm 8/5, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng tới 14,7% trong tháng 4 vừa qua và có thể lên tới 20% trong tháng này.
Trong khi đó theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 11/5 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca tử vong tại Mỹ do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lên tới 80.869 người.
Tổng số ca nhiễm tại Mỹ hiện nay là 1.370.850 ca. Trên toàn thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 đã lên tới 4.219.519 ca, trong đó có 284.804 trường hợp tử vong.
Xếp sau Mỹ về số ca nhiễm là Tây Ban Nha với 268.143 ca. Vượt Italy và Anh, Nga trở thành nước đứng thứ ba trên thế giới, về số ca mắc COVID-19. Với 11.656 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, Nga ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày cao kỷ lục và nâng tổng số người mắc tại Nga lên 221.344 ca, trong đó 2.009 ca tử vong, tính đến tối 11/5 (giờ Việt Nam).
Theo Cơ quan Giám sát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), số người tử vong do dịch COVID-19 tại châu Âu tới nay là gần 150.000 người. Trong số các quốc gia châu Âu có số tử vong cao, Bỉ là quốc gia có tỷ lệ tử vong tính trên 100.000 người, cao nhất châu Âu, 75,1/100.000 người.
Bốn quốc gia châu Âu khác có chỉ số tử vong cao tính trên 100.000 dân là Tây Ban Nha (56,7), Italia (50,3) và Vương quốc Anh (47,50) và Pháp (39,30). Bốn nước này đều có dân số cao trong châu Âu và chiếm hơn 3/4 tổng số tử vong do COVID-19 tại lục địa già.
Ngoài ra, bốn quốc gia là Luxembourg, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Đức nằm rất gần những vùng được coi là ô dịch lớn tại châu Âu, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất thấp. Các nước Phần Lan, Hy Lạp, Cộng hòa Séc, Romania, có tỷ lệ tử vọng thấp, khoảng từ 1 tới 5 trên 100.000 dân.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson thông báo lệnh phong tỏa tại nước này sẽ được kéo dài đến ít nhất là ngày 1/6 tới, trong bối cảnh ông công bố các kế hoạch dỡ bỏ một cách thận trọng các hạn chế đi lại vốn được áp dụng cách đây 7 tuần. Ông Johnson khẳng định: "Tuần này không phải là lúc dễ dàng để chấm dứt phong tỏa".
Pháp cũng tuyên bố có thể đảo ngược việc nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc nếu dịch bệnh COVID-19 có xu hướng gia tăng trở lại. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nêu rõ nếu tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh trở lại, Chính phủ Pháp sẽ "một lần nữa triển khai các biện pháp phong tỏa".
Trong khi đó, tại Nhật Bản, kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy đa số người dân nước này ủng hộ quyết định của Thủ tướng Shinzo Abe gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc đến cuối tháng 5 này nhằm khống chế dịch bệnh COVID-19.
Kết quả thăm dò cho thấy có 67,3% số người được hỏi cho rằng đây là quyết định đúng đắn. Có 13,8% số ý kiến cho rằng việc gia hạn tình trạng khẩn cấp tới cuối tháng 5 là quá lâu, trong khi 10,8% lại nhận định là quá ngắn. Chỉ có 2,6% số người được hỏi khẳng định chính phủ không nên gia hạn tình trạng khẩn cấp.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nước này sẽ nhanh chóng triển khai bổ sung các biện pháp kích thích kinh tế. Ông Abe khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng lập ngân sách bổ sung thứ 2 để kịp đưa ra Quốc hội thông qua trong kỷ họp hiện tại dự kiến kết thúc ngày 17/6 tới. Ông cho biết quy mô của ngân sách này sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế các tỉnh dỡ bỏ lệnh phong tỏa hiện được áp đặt trên toàn quốc.
Chính phủ Hàn Quốc từ ngày 11/5 cũng đã bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ khẩn cấp cho người dân để khắc phục hậu quả do dịch COVID-19 gây ra. Để nhận tiền hỗ trợ bằng thẻ tín dụng hay thẻ tiền mặt, trước tiên người dân phải đăng ký bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc trang web của 9 công ty phát hành thẻ hỗ trợ đăng ký nhận tiền là Kookmin, Nonghyup, Lotte, BC, Samsung, Shinhan, Woori, Hana, và Hyundai. Tiếp đó, chủ các hộ gia đình phải đăng ký nhận hỗ trợ khẩn cấp. Tiền hỗ trợ sẽ được chuyển tới chủ thẻ hai ngày sau khi đăng ký.
Tại Đông Nam Á, dù tình hình có chiều hướng tốt lên song Singapore, Phillipines, Indonesia... vẫn nghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Trong 24h qua, tại Đông Nam Á đã có thêm 1.087 ca nhiễm mới và 26 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong của khu vực lên 59.748 và 1.909.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cho biết thêm 292 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên thành 11.086 người. Quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 7 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên thành 726 người. Trong khi đó, bộ trên thông báo thêm 75 bệnh nhân bình phục và xuất viện, nâng tổng số ca xuất viện tại Philippines lên thành 1.999 người.
Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này cho biết nước này xác nhận thêm 70 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 6.726 ca. Số ca tử vong tại Malaysia tăng thêm 1 người lên 109 người. Trong khi đó, thêm 88 ca bình phục và xuất viện, nâng tổng số ca được chữa khỏi bệnh lên 5.113 ca, chiếm 76% tổng số ca mắc.
Bộ Y tế Singapore cũng thông báo nước này ghi nhận thêm 486 ca mắc, nâng tổng số ca mắc ở "đảo quốc sư tử" lên thành 23.822 người. Số ca mắc trong ngày ở mức thấp nhất trong một tuần, chủ yếu là do quy trình xét nghiệm chậm lại khi một trong những phòng thí nghiệm của Singapore đang kiểm tra thiết bị sau khi phát hiện 33 ca dương tính giả.
Thái Lan thông báo đã phát hiện thêm 6 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số các bệnh nhân COVID-19 lên 3.015 người. Tất cả các ca nhiễm mới đều ở các tỉnh miền Nam Thái Lan, trong đó có 4 trường hợp trên đảo du lịch Phuket đã được nhà chức trách tỉnh này thông báo từ 10/5 nhưng chưa thống kê trong bảng tổng của cả nước. Hai trường hợp còn lại ở hai tỉnh Narathiwat.
Không có thêm trường hợp tử vong nào do COVID-19 được ghi nhận ở Thái Lan trong ngày 11/5. Cho đến nay, Thái Lan đã điều trị thành công cho 2.796 bệnh nhân COVID-19, nhưng cũng có 56 người tử vong vì căn bệnh này.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận