Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Thống đốc Cuomo "cưỡng" lại lệnh mở cửa nền kinh tế của ông Trump
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, trong một tuyên bố mới nhất của Thống đốc New York Andrew Cuomo sẽ không tuân theo lệnh mở cửa trở lại nền kinh tế số 1 thế giới vì cho rằng tình hình dịch bệnh hiện tại vẫn có thể gây nguy hại cho sức khoẻ của cộng đồng tại bang mà ông đang quản lý.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Mỹ sẽ lên đỉnh dịch trong tuần này
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Thống đốc Andrew Cuomo bác việc đóng cửa trường vì dịch
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Châu Âu bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 14/4 nói rằng ông sẽ từ chối bất kỳ mệnh lệnh nào của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc mở cửa trở lại nền kinh tế trước khi tình hình đủ an toàn để thực hiện điều này mà không gây ra nguy cơ khiến dịch bệnh bùng phát trở lại.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, ông Cuomo nói: “Nếu Tổng thống ra lệnh cho tôi mở cửa trở lại theo cách thức mà có thể gây nguy hại cho sức khỏe của cộng đồng tại bang New York, tôi sẽ không làm như vậy”.
Thống đốc Andrew Cuomo trong bài trả lời phỏng vấn trên kênh CNN.
Ông cho rằng bất kỳ việc mở cửa trở lại nào phải diễn ra theo từng giai đoạn và mất vài tháng để hoàn thành. Xét nghiệm rộng rãi là chìa khóa để khởi động lại nền kinh tế thành công.
Trước đó hôm 13/4, ông Cuomo cùng với thống đốc của 6 bang khu vực Đông Bắc nước Mỹ nói rằng họ sẽ xây dựng một kế hoạch khu vực để từng bước dỡ bỏ các hạn chế giãn cách xã hội. Các quan chức y tế cho rằng việc đóng cửa nền kinh tế đã làm chậm lại tốc độ lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 tại New York.
Trong một diễn biến liên quan, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cùng ngày đã thông báo về việc thành phố đã thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo việc cung cấp thường xuyên khoảng 400.000 bộ xét nghiệm mỗi tháng. Bắt đầu từ ngày 20/4, thành phố sẽ mua khoảng 50.000 bộ xét nghiệm mỗi tuần từ một công ty ở bang Indiana.
Ông de Blasio cũng cho hay, trong ngày 13/4, số lượng người nhập viện vì lây nhiễm SARS-CoV-2 ở thành phố này đã giảm xuống chỉ còn 326 ca so với 383 ca một ngày trước đó. Tuy nhiên, số người phải điều trị tích cực và xét nghiệm dương tính lại tăng nhẹ.
Cập nhật tình hình dịch của trang thống kê worldometer.info, tính đến 22h ngày 14/4, thế giới đã ghi nhận 1.947.855 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 121.793 ca tử vong. Dịch bệnh hiện đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Số ca phục hồi hiện nay là 460.238 ca.
Mỹ tiếp tục là tâm dịch với 588.465 ca nhiễm và 23.711 ca tử vong. Đáng chú ý, bang New York của Mỹ đã ghi nhận 671 ca tử vong trong 24 giờ qua, giảm 87 ca so với 24 giờ liền kề trước đó. Đây là mức giảm nhiều nhất trong một tuần dù đại dịch COVID-19 đã lấy đi sinh mạng hơn 10.000 người tại tiểu bang này.
Xếp sau Mỹ hiện nay là Tây Ban Nha với 172.541 ca nhiễm và 18.056 ca tử vong, Italy với 159.516 ca nhiễm và 20.465 ca tử vong, Pháp với 136.779 ca nhiễm và 14.967 ca tử vong, Đức với 130.434 ca nhiễm và 3.220 ca tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo virus SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn gấp 10 lần so với virus H1N1, gây đại dịch cúm toàn cầu năm 2009, đồng thời nhấn mạnh vaccine phòng bệnh hiệu quả cần ngăn chặn triệt để nguy cơ lây nhiễm.
Tại châu Âu, giới chức y tế cho biết Tây Ban Nha đã vượt qua đỉnh dịch sau khi ghi nhận mức tăng số ca tử vong cao nhất trong ngày (950 ca) vào ngày 2/4 vừa qua.
Mặc dù số ca tử vong do COVID-19 ở Tây Ban Nha đã vượt ngưỡng 18.000 người, song số ca nhiễm mới trong ngày giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng trước.
Tại Bỉ, giới chức y tế đã xác nhận thêm 254 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 4.157 người. Trong vòng 24 giờ qua, Bỉ cũng đã ghi nhận thêm 530 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên thành 31.119 người. Dự kiến, Hội đồng An ninh Quốc gia của Bỉ sẽ nhóm họp trong ngày 15/4 để xem xét việc gia hạn lệnh phong tỏa tới ngày 3/5.
Tại Nga, Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Nga cho biết tính đến trưa 14/4, trong vòng 24 giờ qua tại nước này ghi nhận 2.774 ca nhiễm, mức tăng cao kỷ lục tính trong 1 ngày. Tổng số ca trên cả nước hiện là 21.102 người.
Thủ đô Moskva vẫn là địa phương ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất với 1.489 ca trong một ngày qua, đưa tổng số ca ở thành phố này lên 13.002 ca, trong đó 1.016 người đã khỏi bệnh, 95 người tử vong.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cần áp dụng các biện pháp “đặc biệt” để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Ông nhấn mạnh việc đối phó với đại dịch chỉ có thể đạt được hiệu quả bằng cách kết hợp những nỗ lực của toàn cộng đồng quốc tế.
Nga đang thúc đẩy chính cách tiếp cận này tại nhiều diễn đàn quốc tế khác nhau, trong đó có Liên hợp quốc (LHQ), Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Trong vấn đề trên, tất cả các nước cần hợp tác, do vậy Nga ủng hộ việc đưa ra một văn kiện chung về cuộc chiến chống COVID-19 do các thành viên Hội đồng Kinh tế Á-Âu (EAEU) soạn thảo.
Tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison vừa tuyên bố nước này vẫn còn "rất nhiều tuần nữa" mới có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Ông nêu rõ đang xem xét các điều kiện, cũng như cân nhắc để tránh phạm phải sai lầm trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Ông cũng khẳng định chính phủ liên bang, chính quyền các bang và vùng lãnh thổ sẽ tích cực làm việc để nâng cao chất lượng hệ thống y tế của Australia trước khi nới lỏng bất kỳ biện pháp hạn chế nào.
Tại châu Á, Indonesia đã ghi nhận thêm 60 ca tử vong do dịch COVID-19, mức tăng cao kỷ lục tính trong 1 ngày. Tổng số ca tử vong ở nước này hiện là 459 ca, trong khi tổng số ca nhiễm là 4.839 ca.
Cùng ngày, các quan chức y tế Malaysia ghi nhận thêm 5 ca tử vong và 107 ca nhiễm mới. Hiện tổng số ca tại nước này là 4.987 ca, trong đó có 82 ca tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines đã ghi nhận thêm 20 ca tử vong và 291 ca nhiễm mới. Bộ trên cho biết hiện số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 5.223 người, trong khi số ca không qua khỏi là 335 người.
Tại Singapore, giới chức y tế đã xác nhận thêm 334 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 3.252 ca. Tổng số ca tử vong tại Singapore hiện nay là 10 ca.
Tại Nhật Bản, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận thêm 53 ca mới, nâng tổng số ca lên thành 7.744 ca. Đây là con số mới nhất sau một tuần Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 6 tỉnh khác.
Tổng số ca tử vong tại Nhật Bản hiện ở mức 158 người, bao gồm cả những bệnh nhân từ du thuyền Diamond Princess, bị cách ly ngoài khơi thành phố Yokohama gần thủ đô Tokyo.
Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 89 ca nhiễm mới trong ngày 13/4, gồm 86 ca từ nước ngoài và 3 ca nhiễm nội địa đều ở tỉnh Quảng Đông.
Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 "nhập khẩu" vào Trung Quốc đại lục tính đến hết ngày 13/4 là 1.464 ca, trong đó 559 ca đã được xuất viện, 905 ca đang được điều trị với 37 ca đang trong tình trạng nguy kịch. Không có ca tử vong nào trong số các ca nhiễm từ nước ngoài này.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế các ca nhiễm từ nước ngoài, nhà chức trách nước này đã phê duyệt cho phép thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người 2 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm nhằm phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm trên.
Hai loại vaccine này do công ty nghiên cứu và phát triển dược phẩm Sinovac có trụ sở ở Bắc Kinh phối hợp với Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) sản xuất.
Tại khu vực Trung Đông, Iran và Israel tiếp tục ghi nhận nhiều ca tử vong và nhiễm virus SARS-CoV-2. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran thông báo trong 24 giờ qua, Iran ghi nhận thêm 1.574 ca mới, nâng tổng số ca lên 74.877 ca. Số ca tử vong là 4.683 ca, trong đó 24 giờ qua là 98 người. Đây là ngày đầu tiên nước này ghi nhận số ca tử vong về mức 2 con số.
Cho tới nay đã có tổng cộng 48.129 người bình phục và được xuất viện, trong khi vẫn còn 3.691 ca trong tình trạng nguy kịch. Iran là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 ở khu vực Trung Đông.
Cũng trong ngày 14/4, Bộ Y tế Israel thông báo có thêm 282 ca mới, nâng tổng số ca lên 11.868 ca. Tổng số ca tử vong trên cả nước là 117 người. Bộ này cũng cho hay Israel đã có thêm 145 bệnh nhân hồi phục, nâng tổng số ca được chữa khỏi lên thành 2.000 người.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận