Chính phủ điện tử: Đã có trên 203.553 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia
Chiều 29/7, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với 12 bộ, ngành, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi làm việc.
Trên 203.553 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, từ ngày 12/3/2019 đến ngày 21/7/2019, đã có 68.257 văn bản gửi và 203.553 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Có 62/95 bộ, cơ quan, địa phương đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 5 cơ quan chưa có kế hoạch nâng cấp (Văn phòng Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đài Truyền hình Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); cung cấp 157.000 chứng thư số cho 86/93 bộ, ngành, địa phương và 314/431 lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh. Có 85/95 cơ quan đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, còn 10 cơ quan, địa phương chưa thực hiện là Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban quản lý vốn nhà nước, Bạc Liêu, Điện Biên, Hải Dương, Hà Nam, Hà Nội, Lạng Sơn. 68/95 bộ, ngành, địa phương đã sử dụng máy chủ bảo mật riêng, 27 đơn vị đang sử dụng máy chủ dùng chung do Văn phòng Chính phủ cung cấp.
Trong số 12 bộ, cơ quan kiểm tra, đã có 7 bộ, cơ quan hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo Quyết định số 846/QĐ-TTg và 877/QĐ-TTg, gồm: Công Thương, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; có 2 cơ quan không được giao triển khai (Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc).
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết vào tháng 9/2019, sẽ triển khai thí điểm hai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia là thủ tục cấp giấy phép lái xe và đổi giấy phép lái xe. Từ tháng 11/2019 sẽ triển khai chính thức.
Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Quang, hiện nay, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận hơn 10.000 hồ sơ trên cổng một cửa điện tử với 50 thủ tục hành chính (đa số phân quyền cho các địa phương) được thực hiện trực tuyến, tối thiểu ở mức độ 3. Việc nâng cấp cổng dịch vụ công cần phải tích hợp được với cổng một cửa điện tử.
Ông Nguyễn Ngọc Quang nêu lên thực tế là, một số hồ sơ bản vẽ hiện trạng mặt bằng, bản vẽ thiết kế thi công rất dày, có dự án đề nghị thẩm định phải đưa cả một xe chở đến. Do nhiều bản vẽ nên đưa lên hệ thống trực tuyến khó đáp ứng về đường truyền. Bản thân doanh nghiệp cũng ngại vì đầu tư một máy scan chỉ để làm một vài nhiệm vụ xong rồi thôi.
“Theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích), Bộ đã tìm cách tháo gỡ, kết nối thành công. Hy vọng thời gian tới, khi cung cấp dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp có thêm một số tiện ích, thay vì scan tài liệu đưa lên mạng thì có thể gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích”, ông Quang nói.
Đề cập đến khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Quang cho biết, vẫn còn một số bộ, ngành gửi văn bản điện tử đến có chữ ký số, nhưng không có chữ ký của cán bộ phụ trách giao thực hiện văn bản. Bộ lại phải xin văn bản lại. Có văn bản gấp, cần xin ý kiến được gửi trên Trục liên thông văn bản quốc gia, Bộ đã gửi thành công nhưng 2-3 ngày sau địa phương vẫn không nhận được, khi đó Bộ phải gửi một văn bản điện tử và chuyển gấp một văn bản giấy nữa, song song mấy văn bản. “Hiện mắc ở địa phương, không gỡ được thì bộ phận văn thư vướng”, ông Quang cho hay.
Bộ không dám làm vì sợ sai
Giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ Xây dựng cho rằng việc Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, lồng ghép với Quyết định 80/2014/QĐ-TTg về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước là rất phù hợp, “vì hiện có nhiều văn bản Chính phủ và Thủ tướng đề nghị xây dựng Chính phủ điện tử đều ghi ưu tiên thuê dịch vụ công nghệ thông tin nhưng không có hướng dẫn, nếu làm là làm liều, rất sợ. Nếu có căn cứ pháp lý đủ mạnh để thực hiện sẽ đỡ phức tạp hơn”. Ông Quang chỉ ra rằng, đưa ra một phần mềm, có đơn vị chào mấy trăm triệu đồng, có nơi chỉ mấy chục triệu đồng, nhưng lại không biết có đảm bảo an toàn, an ninh hay không, việc nâng cấp về sau như thế nào. Nếu thuê dịch vụ đắt tiền có thể bảo đảm an toàn nhưng lại khó xử lý trong vấn đề kinh phí.
Cùng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Việt Hùng cho biết, Bộ Tài chính là một trong những bộ được đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin nhiều nhất trong khối Chính phủ nhưng cũng gặp một số vướng mắc. Quyết định của Thủ tướng (Quyết định 80/2014/QĐ-TTg) không phải văn bản quy phạm pháp luật, nếu dựa vào đó và thêm một vài công văn “hướng dẫn mơ hồ” của Bộ Thông tin và Truyền thông để thuê dịch vụ công nghệ thông tin thì rất khó thực hiện.
“Áp dụng xong, Thanh tra, kiểm toán vào là sai ngay. Nhiều bộ không dám làm vì sợ sai chứ không phải họ không biết làm. Bộ Tài chính rất nhiều lần góp ý cho Nghị định 102 rồi, vì chúng tôi vô cùng đau đầu với Nghị định này. Nhiều lãnh đạo Bộ và lãnh đạo cấp tổng cục nói 4.0 mà có Nghị định 102 này thì 0.4 cũng không được. Áp dụng rất nhiêu khê và chậm”, ông Nguyễn Việt Hùng bày tỏ.
Theo ông, việc sửa Nghị định 102, trong đó có lồng ghép Quyết định 80 vào như một chương của Nghị định là phù hợp, tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
Tán thành với ý kiến của Bộ Tài chính, nêu ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là “đặt đầu bài trọn gói với doanh nghiệp dịch vụ, lấy sản phẩm đầu ra”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, phải sửa Quyết định 80. “Quyết định 80 hiện nay bó giò, không làm được. Cần sửa theo hướng tạo điều kiện cho bên dưới làm được, có phần mềm ứng dụng mở, tích hợp được giữa các nhà tham gia cung cấp dịch vụ là Viettel, VNPT, FPT”.
Giải đáp ý kiến của các bộ, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Đỗ Thái Hà cho biết, Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra xong Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (thay thế cho Nghị định 102/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với dự thảo nghị định. Nghị định hiện đã được gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện để trình lên Thủ tướng.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục đề nghị các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ triển khai chậm hoặc chưa đáp ứng yêu cầu và những nhiệm vụ sắp đến hạn, tránh để nợ đọng. Tăng cường bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tích hợp giải pháp dịch vụ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thể thức, giá trị pháp lý của văn bản điện tử theo quy định; triển khai thực hiện ký số, bảo đảm đúng thể thức tất cả các văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia (trừ văn bản mật). Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ và thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận