Hải Dương dỡ bỏ lệnh phong toả toàn tỉnh từ 0h ngày 3/3
Sau 33 ngày thực hiện giải pháp cách ly xã hội, Hải Dương sẽ dỡ bỏ lệnh phong toả từ 0h ngày 3/3 nhưng sẽ vẫn duy trì các biện pháp phòng dịch thống nhất khi chuyển sang trạng thái "bình thường mới".
- Gần 900 nghìn thuê bao tại tâm dịch Hải Dương nhận được yêu cầu cài đặt Bluezone để truy vết dịch COVID-19
- Hải Dương cách ly toàn tỉnh từ 0h ngày 16/2 trong 15 ngày để phòng chống dịch COVID-19
- Huyện Bình Giang (Hải Dương) phong tỏa khu dân cư với 80 hộ dân
Theo đó, từ 0h ngày 3/3, Hải Dương kết thúc giãn cách xã hội toàn tỉnh, gỡ bỏ phong tỏa với thành phố Chí Linh và huyện Cẩm Giàng; chuyển sang trạng thái mới vừa quyết liệt phòng, chống dịch vừa tập trung nhiều giải pháp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Lệnh phong toả toàn Tỉnh được ban hành ngay khi có diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ngoài cộng đồng.
Trước đó, từ ngày 27/1, dịch COVID-19 đã bùng phát trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Đến nay, tâm dịch Chí Linh đã được dập tắt; trọng điểm dịch huyện Cẩm Giàng đã được kiểm soát tốt; điểm dịch ở huyện Kim Thành được cô lập chặt và cơ quan chức năng đang tập trung dập dịch triệt để trong thời gian sớm nhất.
PGS. TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế đánh giá, thời gian qua, Hải Dương đã rất trách nhiệm khi chống dịch với tinh thần “chống dịch không chỉ riêng cho Hải Dương mà còn cho cả nước”, kịp thời khắc phục ngay những bất cập mà Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ ra.
"Thành công rất lớn của Hải Dương là trong số các ca bệnh được thu dung điều trị và chưa có ca tử vong; tăng công suất xét nghiệm lên hàng chục lần; đặc biệt là việc thành lập, đưa vào hoạt động gần 11.000 Tổ giám sát và phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng với hơn 2,5 vạn người tham gia" PGS. TS. Dương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch trở lại vẫn hoàn toàn có thể xảy ra; không loại trừ việc nguồn lây là người lành mang trùng có thể gây ra các ca mắc mới bất cứ lúc nào.
PGS. TS. Trần Như Dương đề nghị Hải Dương cần nhìn nhận sự thật khách quan này để không bị động và xác định việc phòng, chống dịch phải thường xuyên, liên tục trong điều kiện bình thường mới.
PGS. TS. Trần Như Dương đánh giá Hải Dương đã nghiêm túc thực hiện theo các khuyến cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 trung ương.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh: Sau 33 ngày chống dịch, với những nỗ lực bám sát chủ trương xuyên suốt “bình tĩnh, tự tin, chủ động, quyết liệt, hiệu quả và 4 tại chỗ”, huy động được toàn dân tham gia chống dịch, với sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, hỗ trợ của Bộ Y tế, đến nay, Hải Dương đã kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương thống nhất: Từ 0h ngày 3/3, Hải Dương chấm dứt giãn cách xã hội toàn tỉnh và chuyển sang trạng thái mới vừa quyết liệt phòng, chống dịch vừa thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tổng hợp nhiều giải pháp.
Với nguyên tắc chủ động phòng, chống dịch và để ảnh hưởng nhất đến lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh, việc áp dụng các trạng thái xã hội tại Hải Dương từ ngày 3/3 được phân loại theo 2 nhóm: Đối với thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, Cẩm Giàng, thành phố Hải Dương, cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg.
Đối với 8 đơn vị còn lại cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 19/CT-TTg. Những địa phương đang “phong tỏa trong giãn cách” cần thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định, từ ngày 3/3, Hải Dương sẽ triển khai 10 nhóm giải pháp phòng, chống dịch và 5 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh dịch vẫn có thể bùng phát, toàn bộ hệ thống chính trị Hải Dương không lơ là chủ quan, vẫn phải tận dụng từng phút, từng giờ, cảnh giác cao độ và quyết liệt phòng, chống dịch.
Hải Dương kiên trì thực hiện chiến lược chống dịch theo tinh thần "Mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi cơ quan, gia đình là một pháo đài chống dịch", với phương châm "5 rõ": rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm; thần tốc trong giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp ho sốt trong cộng đồng; khoanh vùng rộng và truy vết thần tốc bằng khoa học công nghệ theo phương châm "dập dịch ngay từ đốm lửa nhỏ, không để lan thành ngọn lửa lớn".
Việc lấy mẫu xét nghiệm đúng đối tượng và trả kết quả xét nghiệm nhanh trong vòng 24 giờ để tiến hành dập dịch kịp thời. Hải Dương tiến hành phong tỏa thật gọn và chặt để ảnh hưởng thấp nhất đến ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội; chú trọng công tác giám sát, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các bệnh viện; kiên quyết không để lọt bệnh nhân mắc COVID-19 xâm nhập vào các bệnh viện mà không biết; bảo vệ các nhóm bệnh nhân yếu thế, bệnh nhân nguy cơ cao.
Tỉnh Hải Dương thực hiện nghiêm việc phân luồng, khám sàng lọc, xét nghiệm; tổ chức cách ly chặt chẽ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu người dân thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế. Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu phủ sóng Tổ giám sát và phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng và phát huy hiệu quả hoạt động, thực chất.
Tỉnh tiếp tục điều chỉnh một số hoạt động kinh tế, xã hội để tăng cường hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, cho tới khi đẩy lùi hoàn toàn COVID-19; không tổ chức các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người, liên hoan, giao lưu.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… tăng cường họp, làm việc trực tuyến, tổ chức sự kiện online. Trong mỗi doanh nghiệp phải thành lập các Tổ an toàn COVID-19, hoạt động liên tục, thực chất, hiệu quả. Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định của tỉnh.
Tạm thời, Hải Dương chưa tổ chức hoạt động ở các nhà trẻ, bậc mầm non; tiếp tục tổ chức học trực tuyến ở các cấp học từ tiểu học trở lên cho tới khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, trước mắt là cho tới ngày 17/3.
Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được hoạt động trở lại và phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quy định phòng, chống dịch COVID-19; quản lý chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh vào địa phương…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cũng xác định triển khai 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp “tăng tốc, chạy đua với thời gian để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.
Trong đó, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng ần thứ XIII; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, nghị quyết chuyên đề, công trình trọng điểm.
Hải Dương tổ chức thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Cùng với đó, tỉnh đặc biệt chú ý các giải pháp về bảo đảm nguồn nhân lực là người lao động cho các doanh nghiệp, nhất là các đổi với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) có đông công nhân, không để thiếu hụt lao động, nhưng phải bảo đảm an toàn về dịch bệnh trong doanh nghiệp.
Bên cạnh, Hải Dương cũng quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để thu hút dòng vốn đầu tư FDI vào tỉnh; bảo đảm an sinh xã hội, nhất là hộ nghèo, đối tượng chính sách, công nhân lao động.
Theo thống kê, từ khi bùng phát dịch đến nay, tính đến chiều 28/2, tỉnh Hải Dương ghi nhận 665 ca mắc COVID-19, đã chữa khỏi bệnh cho 297 người; thực hiện cách ly tập trung cho trên 16.000 người, đã lấy trên 431.000 mẫu xét nghiệm, thành lập gần 11.000 Tổ giám sát và phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng. Hải Dương cũng tiến hành xử phạt nghiêm các vi phạm các quy định phòng, chống dịch với tổng số tiền xử phạt vi phạm ước trên 3,4 tỉ đồng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận