NMTĐ Hòa Bình mở rộng sẽ được sử dụng công nghệ hiện đại
Đó là khẳng định của ông Phạm Hồng Phương – Giám đốc Ban QLDA Điện 1, đơn vị được EVN giao quản lý, điều hành dự án Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình mở rộng.
Lãnh đạo Ủy ban QLV nhà nước tại DN kiểm tra thực địa Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng
Dự án Hòa Bình mở rộng được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2009. Năm 2016, EVN giao Ban QLDA Điện 1 làm đại diện chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án. Dự án nằm trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, Bộ Công Thương đã bổ sung quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đà ngày 2/12/2016. Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường tháng 1/2018.
Công tác khảo sát hiện trường bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2018. Công tác lập thiết kế kỹ thuật và các báo cáo chuyên ngành đến nay đã cơ bản hoàn thành. Cơ quan tư vấn nước ngoài trợ giúp đang thực hiện rà soát, dự kiến hoàn thành thiết kế kỹ thuật và cung cấp hồ sơ cho tư vấn thẩm tra độc lập tháng 11/2019.
Ông Phương cho biết thêm: Hồ chứa, đập dâng và đập tràn hạng mục dùng chung của NMTĐ Hòa Bình hiện hữu. Hạng mục xây mới gồm kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa dẫn nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy, kênh xả hạ lưu và hệ thống đấu nối 500 kV. Các thiết bị của nhà máy đều được sử dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ với NMTĐ Hòa Bình hiện hữu.
Tại buổi kiểm tra thực địa và làm việc với EVN diễn ra mới đây về việc triển khai Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng, ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đánh giá cao sự nỗ lực của EVN trong việc kiên trì nghiên cứu, tìm hiểu về tính khả thi của dự án.
“Đây là dự án điện trọng điểm, được Chính phủ, Ủy ban rất quan tâm. Hiệu quả và lợi ích của dự án rất rõ ràng, sau khi hoàn thành sẽ cung cấp sản lượng trên 488 triệu kWh điện và góp phần ổn định hệ thống điện, giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, cũng như giảm xả tràn vào mùa lũ”, ông Hồ Sỹ Hùng phân tích.
Lãnh đạo Ủy ban vốn nghe báo cáo tính khả thi của dự án
Để thúc đẩy tiến độ nhằm khởi công dự án vào quý 4/2020, Ủy ban đã thống nhất giao quyền cho Hội đồng thành viên EVN thực hiện quyết định đầu tư dự án và chịu trách nhiệm trước Ủy ban.
Như vậy sẽ giúp EVN chủ động hơn trong việc thực hiện dự án cũng như lựa chọn nhà thầu nhằm tiết kiệm thời gian. Ngay sau cuộc họp, Ủy ban sẽ nhanh chóng hoàn thiện, phê duyệt các thủ tục thuộc thẩm quyền của Ủy ban để dự án được khởi công theo kế hoạch đặt ra.
Ông Hồ Sỹ Hùng yêu cầu các đơn vị chuyên môn thuộc Ủy ban cần kiểm soát tiến độ dự án, tăng cường phối hợp với EVN để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, những vướng mắc cần báo cáo lãnh đạo Ủy ban để xử lý ngay để đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.
Đối với EVN, ông Hồ Sỹ Hùng yêu cầu cần chú trọng đánh giá tác động môi trường, trong quá trình thi công và triển khai dự án cần rà soát rủi ro về môi trường, giao thông và chú trọng công tác an sinh xã hội tại địa phương. Ngoài ra cần ứng dụng công nghệ thông tin để quản trị dự án tốt, tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Tập đoàn đã giao cho Ban QLDA Điện 1 quản lý, điều hành dự án. Đây là đơn vị được có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu và là Ban QLDA tốt nhất của EVN hiện nay.
Cùng với đó đơn vị tư vấn là Công ty CP Tư vấn điện 1 là đơn vị tốt nhất trong việc tư vấn các nhà máy thủy điện hiện nay. Chính vì vậy, Tập đoàn hoàn toàn tin tưởng kiểm soát được tiến độ, chất lượng của dự án sau khi được các cấp có thẩm quyền thông qua để khởi công.
“Đây là dự án EVN sẽ triển khai ứng dụng khoa học trong đầu tư xây dựng và lấy đây là dự án mẫu để sau sẽ triển khai Dự án Thủy điện Trị An mở rộng, Ialy mở rộng và một số dự án điện khác”, ông Nguyễn Tài Anh cho biết.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận