Quốc ca không được phát trong trận Việt Nam - Lào vì lý do bản quyền - BHMedia nói gì?
Trước phản ứng của số đông người hâm mô về hình ảnh không phát Quốc ca Việt Nam trong trận đấu giữa Việt Nam - Lào trong khuôn khổ giải AFF Cup 2020, BH Media khẳng định đơn vị tiếp sóng tự tắt âm thanh Quốc ca mà đơn vị này không "đánh bản quyền" trên youtube.
Tối 6/12, trận Việt Nam - Lào tại giải AFF Cup gây xôn xao vì trong phần hát Quốc ca mở đầu trận đấu, khán giả theo dõi trên kênh YouTube không nghe được bài Tiến quân ca.
Màn hình trận đấu hiện dòng thông báo: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong khán giả thông cảm".
Hình ảnh của truyền hình giải thích lý do vì sao âm thanh trong phần cử hành Quốc ca Việt Nam tại AFF Cup lại không được phát.
Trên mạng xã hội, nhiều người dùng mạng tin rằng đơn vị BH Media can thiệp bản quyền dẫn tới sự cố trên. Vì trước đó, đơn vị này từng bị hiểu lầm là "đánh" bản quyền Tiến quân ca.
Trước những phản ứng của người hâm mộ trên mạng xã hội về việc không có âm thanh cử hành Quốc ca Việt Nam trước khi hai đội bóng thi đấu, BH Media vừa lên tiếng với VietNamNet khẳng định mình không liên quan vụ việc lần này.
Đơn vị này thông tin: "Trong trận đấu Việt Nam - Lào, không hề có bên nào “đánh bản quyền” bài Tiến quân ca mà chính đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng bài Tiến quân ca để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT trước đó. Việc làm này tương tự đơn vị Next Media tắt tiếng phần hát Quốc ca các video các trận đấu của các quốc gia khác trên kênh của mình để tránh việc bị xác nhận bản quyền âm nhạc".
Trận đấu giữa Việt Nam - Lào nhận được sự quan tâm rất lớn của giới hậm mộ nên sự việc này đã gây bức xúc trong dư luận.
BH Media thông tin thêm rằng trước đó, video trận đấu thuộc Vòng loại thứ 3 của World Cup 2022 giữa đội tuyển Việt Nam và Ả Rập Xê Út đăng tải trên kênh YouTube FPT Bóng Đá Việt đã bị đơn vị Naxos Digital Services US thay mặt cho hãng đĩa Marco Polo thông báo xác nhận sở hữu bản quyền bản ghi bài Tiến quân ca. Lý do là BTC sân đã chọn bản ghi Tiến quân ca của hãng đĩa Marco Polo.
"Theo luật, hãng đĩa Marco Polo tự bỏ tiền sản xuất bản ghi Tiến quân ca và đã đăng ký bản quyền trên YouTube thì bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này phải xin phép họ. Việc BTC sân vô tư sử dụng bản ghi Tiến quân ca của hãng đĩa nước ngoài mà không xin phép đã khiến các kênh YouTube ở Việt Nam tiếp sóng bị mất doanh thu", đơn vị này cho biết.
Trước đó, BH Media từng gây xôn xao khi bị VTV công khai phản ánh "xác nhận sở hữu bản quyền, khai thác trái phép" bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao.
Đơn vị này đã phản hồi các luận điểm mà VTV phản ánh. Theo đó, Hồ Gươm Audio sản xuất và là chủ sở hữu bản ghi Tiến quân ca. Hồ Gươm Audio ủy quyền cho BH Media quản lý, khai thác bản ghi này trên YouTube. Đồng nghĩa khi BH Media đưa bản ghi Tiến quân ca của Hồ Gươm Audio lên YouTube, nếu có kênh đăng tải video sử dụng bản ghi này sẽ bị YouTube gửi thư thông báo xác nhận bản quyền.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận