Chịu tác động kép, PVOIL báo lãi quý II giảm 21% so với cùng kỳ
Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL, UPCOM - Mã: OIL) đã công bố BCTC hợp nhất quý II/2020 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2020.
- Giá xăng dầu hôm nay 13/7: Điều chỉnh mức trích lập Quỹ bình ổn thay vì điều chỉnh giá
- Giá xăng dầu hôm nay 8/7: Điều chỉnh giảm
Chịu tác động kép, PVOIL báo lãi quý II giảm 21% so cùng kỳ. (Ảnh minh họa)
Theo đó, quý II/2020 của PVOIL ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.653 tỷ đồng, giảm 46% so cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, giá vốn giảm tới 47% nên lãi gộp chỉ giảm 18% so với quý II/2019, đạt 781 tỷ đồng. Biên lãi gộp theo đó tăng từ 4,4% lên 6,7%. Doanh thu tài chính tăng 15% lên 99 tỷ đồng. Các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp đều ghi nhận giảm.
Kết quả, PVOIL báo lãi sau thuế 183 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kì năm trước. Theo Ban lãnh đạo PVOIL, biến động giá xăng dầu thế giới và tác động của dịch COVID-19 trong tháng 4 làm cho tình hình kinh doanh của các công ty con giảm mạnh so với quí II/2019, từ đó kéo lợi nhuận của Tổng công ty giảm theo.
Nguồn: BCTC quý II của OIL
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 tổ chức hồi đầu tháng 6, Tổng Giám đốc Cao Hoài Dương ước tính sản lượng tháng 4 giảm 12% do bước vào giai đoạn cách ly xã hội, các phương tiện giao thông công cộng dừng hoạt động 100%.
Ông Dương cũng cho biết, sang tháng 5, nhờ tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt nên công ty ghi nhận tín hiệu tăng trưởng tích cực về sản lượng. Tuy nhiên, đại diện công ty vẫn để ngỏ triển vọng kinh doanh trong hai quý cuối năm.
Mặc dù lợi nhuận hợp nhất quý II giảm, lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ vẫn tăng 9% so với cùng kỳ, đạt 177 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đạt 29.338 tỷ đồng, giảm 24% so với nửa đầu năm 2019. Công ty báo lỗ sau thuế 355 tỷ đồng, trong đó lỗ sau thuế thuộc về công ty mẹ là 246 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6, tổng giá trị tài sản của PVOIL đạt 21.736 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu kỳ trong đó, tiền và tương đương tiền giảm 38%, còn 1.828 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm mạnh hơn 3.400 tỷ đồng, còn 5.742 tỷ đồng, chủ yếu do giảm phải thu khách hàng ngắn hạn và phải thu khác. Mặt khác, hàng tồn kho cũng ghi nhận giảm 13%, về mức 2.118 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, các khoản phải trả người bán giảm 37% còn 3.103 tỷ đồng, nhờ giảm khoản phải trả đối tác nước ngoài. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cũng giảm từ 4.710 tỷ đồng còn 2.980 tỷ đồng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận