Chứng khoán Blue-chips giảm giá, thanh khoản tăng mạnh
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư chấp nhận khả năng thị trường rơi vào nhịp điều chỉnh giảm và chấp nhận bán ra hôm nay. Đồng loạt các blue-chips giảm mạnh đã đẩy VN-Index vào tình thế lao dốc suốt cả ngày.
- 10 công ty chứng khoán tiêu biểu được HNX vinh danh
- Dự báo chứng khoán tuần tới: Có bứt phá trước những tín hiệu lạc quan
- Hai chủ sở hữu “khủng” của Nước sạch Sông Đà bị ảnh hưởng, cổ phiếu tụt giảm
VNM tiếp tục bị bán tháo
Không có thêm thông tin bất lợi nào tác động vào thị trường trong ngày hôm nay. Xu hướng giảm giá loang rộng chủ yếu vì lực bán xuất hiện mạnh hơn. Đặc biệt thị trường đã bị các cổ phiếu lớn kéo xuống đáng kể, dẫn đến tình trạng giảm giá như vết dầu loang khắp hai sàn.
Trong số cổ phiếu lớn nhất giảm giá, VCB ảnh hưởng mạnh nhất khi giảm 1,31%. Tuy nhiên cổ phiếu này vẫn đang loanh quanh trên đỉnh cao lịch sử. Cổ phiếu giảm sốc nhất là VNM, khi bước sang phiên giảm mạnh thứ hai liên tục do cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài bán tháo.
VNM phiên này để mất 1,57% sau khi đã giảm 1,4% hôm qua. Mới từ đầu tháng 11 tới giờ VNM đã bốc hơi 5,21% giá trị. Xu hướng giảm đã kéo sang phiên thứ 14 với mức giảm chung cuộc gần 6,7%.
Điều đặc biệt trong xu hướng giảm của VNM là áp lực bán rất lớn đến từ cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Hôm nay khối ngoại xả 2,95 triệu VNM và mua 1,85 triệu cổ. Thanh khoản của cổ phiếu này cũng rất cao, với 1,96 triệu đơn vị tương đương 247 tỷ đồng, đứng thứ hai thị trường. Khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên gần nhất của VNM đã lên đỉnh kể từ đầu 2018 trong khi giá lại liên tục giảm.
Ngoài VNM, hàng loạt cổ phiếu lớn khác cũng suy yếu: VHM giảm 0,72%, VIC giảm 0,34%, TCB giảm 1,59%, SAB giảm 1,18%, NVL giảm 1,55%, MSN giảm 0,93%, MWG giảm 1,96%, HPG giảm 1,52%, CTG giảm 0,68%.
Chỉ số VN30Index đóng cửa giảm 0,77%, mạnh hơn so với VN-Index (giảm 0,55%) đồng thời chỉ có duy nhất 4 mã tăng. Trong số này cũng chỉ có BID là mạnh. Trụ ngân hàng duy nhất chốt phiên tăng 1,9% và tiếp tục tiến tới đỉnh cao lịch sử hồi tháng 4/2018. BID cũng không thể kéo cổ phiếu ngân hàng tốt hơn được, rơi rớt lại là EIB tăng 0,54%, STB tăng 0,47%.
Xu hướng giảm của các blue-chips đang mạnh dần lên. Chỉ số VN30Index cũng đang lao dốc nhanh hơn VN-Index. Trong 3 phiên gần nhất VN30Index giảm 1,28% nhưng VN-Index mới giảm 0,95%. Đặc biệt là thị trường vừa rời đỉnh có 3 ngày thì nhóm VN30 đã có tới 23 mã giảm giá. Trong đó, các cổ phiếu rơi nhanh nhất là MWG, MSN, SAB, VPB, VNM, CTG, đều đã mất từ 2% tới gần 4%.
Bất ngờ là nhóm cổ phiếu kéo VN-Index vượt 1.000 điểm mới điều chỉnh khá nhỏ. Như VHM trong 3 phiên gần nhất giảm 1,42%, VIC giảm 1,24%, VCB giảm 1,09%. Điều đó cho thấy thị trường đang có sự lệch lạc về các cổ phiếu tăng giảm, không nhất thiết các mã tăng nóng nhất lại giảm nhiều nhất.
Thanh khoản tăng mạnh
Sức ép xả hàng gia tăng đã dẫn đến thanh khoản của thị trường vọt lên cao hôm nay: Tổng giá trị giao dịch hơn 7.000 tỷ đồng nhờ thỏa thuận lớn với CTG, FPT, VNM, VIC, VPB. Giao dịch khớp lệnh cũng đạt trên 4.000 tỷ đồng với lực xả dữ dội ở VNM, CTG, MWG, HPG, VHM, TCB, đều đẩy các mã này giảm giá sâu.
Diễn biến thị trường đang xấu đi nhanh hơn khi ngày càng nhiều nhà đầu tư muốn bán ra để rồi mua lại sau. Thị trường vượt 1.000 điểm nhưng không phải cổ phiếu nào cũng tăng theo. Mức độ giảm mạnh hôm nay chắc chắn khiến nhiều cổ phiếu thua thiệt vì trước đó đã không tăng cùng nhịp với chỉ số. Do vậy rất có thể cũng đang xuất hiện các hành động cắt lỗ, vì nếu thị trường điều chỉnh, cơ hội mua giá thấp hơn sẽ tới.
Trên sàn HSX hôm nay cứ 1 cổ phiếu giảm giá chỉ có 0,52 cổ phiếu tăng giá. Còn với cả thị trường chung, tỷ lệ này vào khoảng 1:0,63. Tăng thì không nhiều, nhưng giảm thì giảm đồng loạt. Đó là tình trạng thường thấy khi thị trường tăng do kéo trụ.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang quay lại giao dịch bán ròng mạnh. CTG hôm nay bị khối ngoại bán ròng gần 28,5 triệu cổ, rất may là qua đường thỏa thuận. VNM bị bán ròng hơn 1,1 triệu cổ. POW, ROS, VIC, VCB, MSN, SSI bị bán ròng hàng trăm ngàn đơn vị. Tuần trước khối ngoại giảm bán ròng được xem là một tín hiệu tích cực, nhưng đến tuần này tình hình lại đổi khác.
HSX | HNX | ||
Giá trị Khớp lệnh | Khối lượng Khớp lệnh | Giá trị Khớp lệnh | Khối lượng Khớp lệnh |
3791 tỷ đồng (+9%) | 182,3 triệu (+1%) | 291 tỷ đồng (+38%) | 24,9 triệu (+24%) |
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận