Cổ phiếu công nghệ: YEG còn lao dốc đến bao giờ?
Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (“YEG”) là một trong những đơn vị lớn hoạt động trong cả kênh truyền thống và kỹ thuật số, nhưng trong nửa đầu năm nay kết quả kinh doanh của mã chứng khoán này gây thất vọng với nhà đầu tư trong đó cổ đông lớn như bà Trần Uyên Phương cũng đã phải tìm đường tháo chạy.
- Yeah1 rao bán cổ phiếu quỹ với giá từ 35.000-85.000 đồng/cp
- Yeah1 sẽ quay lại cuộc đua bằng ‘siêu ứng dụng’
- Yeah1 rót 21 tỷ đồng vào 2 công ty con, phát triển nền tảng cho người nổi tiếng
Hình minh họa
Cụ thể, tính từ phiên giao dịch đầu năm – ngày 4/1, một cổ phiếu YEG có giá 46.800 đ/cp. Tuy nhiên, với tình hình kinh doanh bết bát, tính đến phiên đóng cửa ngày 12/8, giá trị YEG chỉ còn 16.800đ/cp.
Không chỉ gây thất vọng cho nhà đầu tư, YEG mới đây còn phải xin gia hạn công bố báo cáo tài chính quý 2/2021, với lý do “khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí di chuyển nhân viên chuyên trách giữa các quận khác nhau đến văn phòng công ty để thực hiện công tác lập báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo riêng kịp thời theo quy định” (!?).
Trước tình trạng này của YEG, ngày 3/8 vừa qua, UBCK Nhà nước đã phải có văn bản gửi tới doanh nghiệp yêu cầu YEG công bố về việc tạm hoãn công bố thông tin Báo cáo tài chính quý 2/2021 vì lý do bất khả kháng và phải công bố báo cáo tài chính này muộn nhất ngày 20/8 tới đây.
Sự "bết bát" của YEG dường như lên đến đỉnh điểm khi cách đây chưa lâu, vào ngày 28/ 7, bà Trần Uyên Phương, cổ đông lớn thứ 2 của doanh nghiệp đã phải chấp nhận bán cắt lỗ 251.600 cổ phiếu YEG, qua đó giảm tỉ lệ sở hữu từ 21,61% xuống còn 20,8%.
Thời điểm bà Phương mua vào, cổ phiếu của YEG giao dịch quanh mức 50.000đ/cp, thời điểm bà Phương cắt lỗ phiên 28/7, cổ phiếu YEG giao dịch quanh mức 15.050đ/cp.
Đáng nói, trước đó, vào cuối tháng 5/2021, bà Phương cũng có kế hoạch tháo chạy khỏi YEG khi đăng ký bán 4 triệu cổ phiếu để thu xếp tài chính cá nhân và giảm tỉ lệ sở hữu từ 21,6% xuống 8,8% nhưng không thành công. Thời điểm đó, giá cổ phiếu YEG dao động quanh mức 22.000đ/cp.
Ở thời điểm lên sàn, cổ phiếu YEG trở thành hiện tượng khi niêm yết giá tham chiếu ở mức 250.000 đồng/cổ phiếu. Sau hơn ba năm, cổ đông của công ty chưa được nhận trả cổ tức, giá cổ phiếu và vốn hoá thị trường cũng đã “bốc hơi” phần lớn giá trị.
Cụ thể, thời điểm mới lên sàn, YEG có vốn hóa 8.211 tỉ đồng trong phiên giao dịch đầu tiên, tuy nhiên, đóng cửa phiên 12/8, vốn hóa của YEG chỉ còn 525,5 tỉ đồng.
YEG đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 đạt 2.710 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 4 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong quý 12021, YEG đã lỗ hơn 52,5 tỉ đồng. Báo cáo tài chính quý 2/2021 hiện chưa được công bố, nhưng nếu các quý còn lại (2,3,4/2021) YEG tiếp tục thua lỗ, công ty sẽ rơi vào trường hợp bắt buộc phải hủy niêm yết thứ nhất.
Ở thời điểm hiện tại, dường như mục tiêu năm cố gắng đáp ứng điều kiện niêm yết của YEG cũng là vô cùng khó khăn. Còn với mục tiêu lợi nhuận, thì với tình trạng bết bát trong kinh doanh, giá cổ phiếu liên tục lao dốc, khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra của YEG gần như một “nhiệm vụ bất khả thi”.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận