Dự báo chứng khoán tuần tới: Lực tăng trong tâm lý không mấy lạc quan
Dự báo chứng khoán tuần tới (22 - 26/3), quyết sách mới nhất của FED tiếp tục tác động đến thị trường khi tạo tâm lý "e ngại" với nhà đầu tư sau khi VN-Index thiết lập đỉnh lịch sử khiến giá trị giao dịch sẽ giằng co trên mức 1.200 điểm.
Dự báo chứng khoán tuần tới (22 - 26/3), Giới đầu tư chứng khoán vừa trải qua tuần giao dịch đầy “hồi hộp” khi VN - Index chạm lại vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm.
Tuy nhiên, áp lực bán mạnh, cùng việc khối ngoại duy trì bán ròng và chỉ số giảm trở lại trong phiên cuối tuần khiến giới đầu tư và giới phân tích khá “e ngại”. Dù đánh giá thị trường có thể vẫn giữ được xu hướng tích cực trong tuần giao dịch tới, nhưng giới phân tích cũng tỏ ra không quá lạc quan.
Còn dư địa tăng sau đỉnh lịch sử
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, phiên giao dịch cuối tuần qua (19/3), dù thị trường giảm điểm nhưng tín hiệu từ khối lượng giao dịch cho thấy lực bán trong phiên không quá mạnh, vì vậy VN - Index vẫn còn khả năng thử thách trở lại ngưỡng cản 1.200 điểm trong các phiên tới.
Dự báo chứng khoán tuần tới được nhận định còn chiều hướng tăng nhưng trong tâm lý "bất an".
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cho biết, nhịp giảm của phiên cuối tuần chỉ là dấu hiệu điều chỉnh nhỏ và xu hướng chung vẫn chưa bị đánh mất. Nhiều cổ phiếu vẫn đang trong quá trình tăng trưởng mạnh mẽ cũng như đang tiến lên cao hơn những gì đã tạo lập trước đó. Các nhà đầu tư có thể tập trung vào nhóm cổ phiếu có tín hiệu tốt để đầu tư hiệu quả hơn, VDSC khuyến nghị.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS nhận định, phiên giao dịch cuối tuần cũng là phiên hai quỹ ETF cơ cấu danh mục đã khiến thị trường giảm điểm.
Bên cạnh đó, thị trường vượt đỉnh 1.200 điểm đã khiến áp lực chốt lời gia tăng, một số nhà đầu tư cũng sẽ mua vào theo tín hiệu kỹ thuật trong khi số khác sẽ chốt dần khi có cầu mới vào thị trường.
Tuy nhiên, mức dao động của thị trường ở các phiên giảm là tương đối hẹp và thanh khoản vẫn giữ ở mức cao là tín hiệu tích cực. Do vậy, khả năng thị trường cũng sẽ có những phiên rung lắc trong các phiên sắp tới, nếu lực cầu bắt đáy vẫn được duy trì ở mức cao thì cơ hội hồi phục sẽ đến sớm.
Có góc nhìn khá thận trọng, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS cho biết, sự suy yếu của dòng tiền khiến thị trường chưa thể bứt phá trong ngắn hạn. Các chỉ báo kỹ thuật hiện đang cho tín hiệu về khả năng giằng co cao của thị trường.
Nhiều khả năng, VN - Index sẽ có giai đoạn biến động quanh mốc 1.200 điểm trong các phiên tiếp theo. Do vậy, nhà đầu tư ưu tiên quan sát thị trường và có thể cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu nếu dòng tiền suy yếu trong các phiên tăng điểm.
Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch từ 15 - 19/3, VN - Index tăng 12,49 điểm lên 1.194,05 điểm; HNX - Index tăng 3,79 điểm lên 277,7 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn tăng nhẹ so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng 18.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên.
Nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, thanh khoản trong tuần qua tăng nhẹ là do tác động của việc đảo danh mục của 2 quỹ ETF VNM và FTSE nên dòng tiền vẫn chưa thể hiện sự tự tin với xu hướng tăng hiện tại.
Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin tăng mạnh nhất với 4% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu trong nhóm như FPT tăng 4,3%, CMG (7,1%)...
Tiếp theo là nhóm ngân hàng với mức tăng 2,5% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu trong ngành như VPB tăng 1,6%, ACB (2,6%), MBB (3,4%), BID (3,8%), TCB (4,9%), CTG (6,6%), SHB (10,7%)…
Tiếp theo là nhóm dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 1,7% chủ yếu do mức tăng của cổ phiếu HVN tăng tới 10,2%, trong khi các mã khác tăng không đáng kể và thậm chí còn giảm.
Ngành công nghiệp tăng 1,2% giá trị vốn hóa, chủ yếu do mức tăng 4,4% của GEX, trong khi các mã khác diễn biến không mấy tích cực.
Các ngành có mức tăng nhẹ như tài chính tăng 0,3% giá trị vốn hóa, nguyên vật liệu (0,3%), hàng tiêu dùng (0,4%), dầu khí (0,4%), dược phẩm và y tế (0,6%),
Theo SHS, trên góc nhìn kỹ thuật, cụ thể là dựa vào mô hình sóng Elliot, xu hướng trong trung hạn của thị trường tiếp tục là tích cực do vẫn thuộc sóng tăng 5 (sóng tăng 5 chỉ xác nhận là kết thúc khi chạm đến mục tiêu quanh 1.250 điểm vào đầu tháng 4/2021 hoặc điều chỉnh thủng ngưỡng tâm lý 1.000 điểm - đáy sóng điều chỉnh 4).
Sóng Elliot là công cụ phổ biến và được nhiều nhà đầu tư ứng dụng trong việc phân tích thị trường cũng như cổ phiếu. Theo nguyên tắc sóng Elliot, pha tăng của thị trường gồm có 5 bước sóng được gọi là sóng đẩy; trong đó sóng 1, 3 và 5 là sóng tăng, sóng 2 và 4 là sóng giảm.
SHS cho rằng, trong tuần giao dịch tiếp theo, thị trường có thể cần thêm thời gian tích lũy quanh vùng 1.200 điểm để lấy đà hoàn thành sóng tăng 5. Nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới để hướng đến ngưỡng 1.250 điểm vào đầu tháng 4/2021.
Thế giới dao động trái chiều
Chứng khoán Phố Wall khép lại tuần giao dịch nhiều biến động với mức giảm gần 1%. Cụ thể, chứng khoán Mỹ tăng giảm trái chiều trong phiên cuối tuần 19/3, giữa lúc thị trường cân nhắc những rủi ro liên quan tới lợi suất trái phiếu.
Cổ phiếu công nghệ thuộc nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lợi suất trái phiếu gia tăng trong thời gian qua - chủ yếu được thúc đẩy bởi lo ngại về lạm phát. Nhưng giới đầu tư đã mua vào các cổ phiếu công nghệ rẻ hơn trong phiên 19/3, qua đó đưa chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,8% và đóng cửa ở mức 13.215,24 điểm.
Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones lại giảm 0,7% xuống 32.627,97 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng để mất 0,1% và khép phiên ở mức 3.913,10 điểm.
Cũng trong phiên này, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ dao động gần mức cao nhất trong 14 tháng là 1,742%. Lợi suất đã tăng mạnh trong bảy tuần qua nhờ kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Mỹ.
Nhìn chung, Phố Wall đã có một tuần giao dịch khá biến động với các phiên tăng giảm đan xen. Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones của Mỹ đã khép phiên đầu tuần 15/3 ở các mức cao kỷ lục, giữa lúc giới đầu tư đang dõi theo đà phục hồi kinh tế sau đại dịch và đón đợi các manh mối từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đáng chú ý là chỉ số Dow Jones tăng 0,53% và khép phiên ở mức 32.953,46 điểm, đánh dấu phiên thứ sáu liên tiếp chỉ số này đóng phiên ở mức cao kỷ lục.
Sang phiên 16/3, chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều khi các nhà đầu tư chờ đợi thông tin từ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Phiên này chỉ số Dow Jones giảm 0,39% và chỉ số S&P 500 cũng hạ 0,16%. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq Composite lại tăng nhẹ 0,09%.
Thị trường chứng khoán Phố Wall đã phục hồi khá tốt trong phiên 17/3, sau khi Fed nâng triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới và cho biết chính sách nới lỏng tiền tệ của họ sẽ không sớm kết thúc.
Trong cuộc họp kéo dài hai ngày 16-17/3 của Fed, hầu hết các quan chức của cơ quan này cho biết họ không muốn tăng lãi suất cho đến năm 2023. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed đã bỏ phiếu quyết định duy trì ổn định lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức gần 0%, đồng thời tiếp tục chương trình mua tài sản, trong đó Fed sẽ mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng.
Nhưng đà tăng trên đã không kéo dài. Việc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trong phiên 18/3 đã đẩy chứng khoán giảm khá sâu. chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 1,5% trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq để mất 3%. Chỉ số Dow Jones cũng lùi 0,5%. Tính chung trên cả tuần, chỉ số Nasaq và S&P 500 đều để mất 0,8% còn chỉ số Dow Jones giảm 0,5%.
Các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trong thời gian gần đây với tâm lý lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ đang phục hồi nhờ sự hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích của chính phủ sẽ kéo theo lạm phát tăng cao.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất do chi nhánh Fed tại Philadelphia công bố đã tăng gấp đôi kể từ tháng Hai vừa qua, giúp đẩy giá lên cao và thuyết phục các nhà đầu tư rằng lạm phát có thể sắp cân kề.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 19/3, khi các nhà đầu tư lo ngại rằng sự phục hồi kinh tế sẽ kéo theo lạm phát tăng và buộc các nhà hoạch định chính sách phải rút lại cam kết duy trì lãi suất thấp kỷ lục đến khi nào còn cần thiết.
Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) chốt phiên giảm 1,4%, xuống 29.792,05 điểm. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,41%, xuống 28.990,94 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 1,7%, xuống 3.404,66 điểm. Chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) giảm 0,86%, xuống 3.039,53 điểm.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận