Giá dầu tiếp tục quay đầu giảm mạnh dù có sự đồng thuận trong cắt giảm sản lượng
Dù đã thực hiện mức cắt giảm thấp nhất trong 25 năm qua nhưng giá dầu thế giới vẫn rớt giá "thê thảm" do những lo ngại về kinh tế toàn cầu ảm đảm trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
- Giá dầu "gượng dậy" sau cú sốc lịch sử ở mức âm
- Kịch bản nào cho giá dầu thế giới trước tác động của COVID-19
- Nên hiểu thế nào về giá dầu âm lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại
Ngày 27/4, giá dầu thế giới lại sụt giảm, đặc biệt tại thị trường Mỹ, do lo ngại nguồn cung dư thừa và kinh tế toàn cầu ảm đảm do đại dịch COVID-19 hoành hành.
Giá dầu tại Mỹ dẫn đầu sự sụt giảm trong các hợp đồng kỳ hạn với mức giảm hơn 4 USD/thùng do lo ngại các kho dự trữ tại thành phố Cushing, bang Oklahoma có thể sớm đạt sức chứa tối đa.
Những thoả thuận về cắt giảm sản lượng của các nước OPEC cũng như các đối tác dường như không ngăn được đà giảm sút của giá vàng đen.
Tới 14h06 giờ GMT (tức 21h06 giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 6 giảm 4,63 USD, tương đương 27,3%, xuống còn 12,31 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 1,81 USD, tương đương 8,4%, xuống mức 19,63 USD/thùng.
Dù đã trải qua giai đoạn ổn định từ giữa tuần trước, song giá dầu Mỹ đã ghi nhận mức giảm kỷ lục hàng tuần 32,3% ở các hợp đồng giao trong tháng 6. Giá dầu Brent giao trong tháng 6 giảm 23,6% trong tuần kết thúc vào ngày 24/4.
Giới chuyên gia lưu ý nhu cầu dầu mỏ sụt giảm trong thời kỳ dịch COVID-19 lại làm dấy lên những lo ngại thiếu kho chứa dầu dự trữ. Theo báo cáo tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu thế giới dự đoán có thể giảm kỷ lục tới 9,3 triệu thùng/ngày trong năm 2020.
IEA ước tính nhu cầu dầu thô toàn cầu trong tháng 4/2020 chỉ khoảng 29 triệu thùng/ngày, giảm so với mức thấp ghi nhận từ năm 1995.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế của tất cả các nước xuất khẩu dầu mỏ ở vùng Vịnh Arab đều sẽ suy giảm trong năm nay, ví dụ như Iraq có thể suy giảm đến 5%.
Trong khi một số quốc gia vùng Vịnh có thể dựa vào nguồn dự trữ ngoại hối để “giảm sốc” cho nền kinh tế thì Iraq là quốc gia được cho là sẽ phải chịu cú sốc mạnh nhất khi doanh thu từ dầu thô mang lại tới 90% nguồn thu ngân sách. Trong dự thảo ngân sách 2020, Iraq dự tính nguồn thu từ dầu mỏ ở mức giá 56 USD/thùng, sẽ được dùng cho các dự án phát triển và chi tiêu công.
Tuy nhiên, gần đây Bộ trưởng dầu mỏ Iraq Thamir Ghadhban cho rằng nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ giảm 50%. Nhiều tháng trước khi dịch bệnh bùng phát, các cuộc biểu tình phản đối kinh tế trì trệ cũng đã nổ ra và nguy cơ sẽ tái bùng phát trong tình hình khó khăn hiện tại.
Việc cắt giảm các khoản chi tiêu công cũng khiến người dân, vốn đang chật vật sinh kế bị gián đoạn do các biện pháp hạn chế dịch bệnh lây lan, thêm khó khăn và dẫn tới nguy cơ làm gia tăng bất ổn xã hội.
Trên toàn khu vực, giá dầu giảm sẽ khiến các kế hoạch đầu tư và phát triển tương lai gặp cản trở. Nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất khu vực là Saudi Arabia dự định cắt giảm 5% chi tiêu công, tương đương 13,3 tỷ USD.
Những biện pháp cắt giảm bổ sung được đưa ra sau khi nguồn dự trữ ngoại hối của quốc gia này được ước tính sẽ thâm hụt khoảng 500 tỷ USD. Các kế hoạch xây dựng thành phố mới và các dự án quy mô lớn đều sẽ phải hoãn lại khi các doanh nghiệp chịu tác động của đại dịch và các hoạt động đầu tư nước ngoài sẽ giảm sâu do đại dịch.
Nguồn dự trữ ngoại hối của Kuwait cũng được cho là sẽ suy giảm trong khi Bahrain dự kiến sẽ phải gánh khoản nợ lên tới 105% GDP trong năm 2020 dù đã nhận gói cứu trợ 10 tỷ USD từ các quốc gia láng giềng.
“Cú sốc kép” gồm đại dịch COVID-19 và giá dầu sụt giảm cũng được cho là tác động mạnh tới Ai Cập, Jordan và Liban, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn kiều hối do công dân lao động ở các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh gửi về. Kiều hồi đóng góp tới 12,5% GDP cho Liban trong khi tại Ai Cập, mức đóng góp này là 10%.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận