Intel - Nhà cung cấp chất bán dẫn chịu thiệt hại nặng nề nhất trên thị trường chứng khoán
Dù có được lợi thế về sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường nhưng những khó khăn của các nền kinh tế cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy đã khiến cho ông lớn chất bán dẫn thế giới phải trải qua những "thương tích" nặng nề trên thị trường chứng khoán trong hai năm dịch vừa qua.
- Apple với Intel và Qualcomm giảm bớt sự phụ thuộc lẫn nhau
- Bộ xử lý mới của Intel được Facebook, Tencent, Alibaba sử dụng
- Google hợp tác cùng Intel để phát triển dịch vụ đám mây đa kênh cung cấp đến doanh nghiệp
Theo đó, kể từ đầu năm giá cổ phiếu của Intel đã giảm hơn 45%, khiến tập đoàn này trở thành doanh nghiệp có màn trình diễn tồi tệ nhất trong chỉ số Dow Jones. Intel đang gặp khó khăn, bất chấp kế hoạch xây dựng thêm nhà máy và tuyển dụng thuê nhân viên tại Mỹ.
Trên thực tế, Intel không phải là doanh nghiệp sản xuất chip duy nhất gặp khó khăn trong năm nay. Giá cổ phiếu của các đối thủ như Nvidia và AMD đều giảm hơn 50%. Những vấn đề trong chuỗi cung ứng và nỗi lo về sự giảm tốc của nền kinh tế đang đang đè nặng lên lĩnh vực này.
Song, Intel đã bị tụt lại phía sau trong một thời gian dài, khi giá cổ phiếu của tập đoàn này đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 5/2016 và giảm hơn 25% trong 5 năm qua.
Giá trị của Intel liên tục suy giảm trong 2 năm dịch vừa qua.
Dù vậy, Jeff Travis, quản lý cấp cao tại quỹ Oak Associates Funds, cho rằng cổ phiếu bán dẫn vẫn là một ngành tăng trưởng tốt và mức định giá hiện nay khá hấp dẫn.
Trong lịch sử, tháng Chín là tháng tồi tệ nhất đối với thị trường chứng khoán và tháng 9/2022 cũng không ngoại lệ. Chỉ số Dow đã giảm hơn 6% từ đầu tháng đến nay và không xa mức thấp nhất trong 52 tuần. Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq thậm chí còn tệ hơn, lần lượt giảm mạnh 7% và 8%.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu thường tăng mạnh vào cuối năm khi các nhà đầu tư dự kiến doanh thu của doanh nghiệp sẽ gia tăng và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ trong kỳ nghỉ lễ.
Trong khi đó, chứng khoán Âu Mỹ đồng loạt giảm trong phiên 26/9, khi những lo ngại về suy thoái kinh tế tiếp tục mang đến biến động cho thị trường tài chính.
Phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,1% xuống 29.260,81 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 sụt mất 1% xuống 3.655,04 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 0,6% và khép phiên ở mức 10.802,92 điểm.
Với mức mất điểm trong phiên này, chỉ số Dow Jones cũng chính thức rơi vào trạng thái "thị trường thế giảm" (bearish market) – chỉ việc một chỉ số giảm 20% so với mức đỉnh gần nhất của nó.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu đa phần cũng không nằm ngoài xu hướng suy giảm. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) gần như đi ngang khi nhích chưa tới 0,1% lên 7.020,95 điểm.
Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 0,5% xuống 12.227,92 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,2% xuống 5.769,39 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,2% xuống 3.342,56 điểm.
Ông Andy Kapyrin, quản lý cấp cao tại công ty tư vấn tài chính RegentAtlantic (Mỹ) cho biết các nhà đầu tư đang phản ứng với một loạt tin xấu dồn dập. Chúng đã trở nên tồi tệ hơn nữa sau những gì đã xảy ra ở thị trường Anh vào thứ Sáu tuần trước (23/9), đó là các khoản chi tiêu kích thích trở thành một phần của vấn đề lạm phát.
Chuyên gia này không chắc chắn rằng thị trường đã ở mức đáy. Nhưng việc các nhà đầu tư thận trọng hơn là điều hoàn toàn hợp lý, khi thị trường chứng khoán đã rẻ hơn so với đầu năm.
Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận