Người Mỹ 'thắt lưng buộc bụng' để bù đắp chi phí tăng cao do lạm phát
Nhằm ứng phó với tỉ lệ lạm phát tăng cao tại nền kinh tế khiến cho người tiêu dùng tại Mỹ đã phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" để tiết kiệm chi tiêu nhằm bù đắp những thiếu hụt tài chính trong chi phí trong thời gian qua.
- FED giữ nguyên lãi suất dù lạm phát tăng cao
- IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và cảnh báo lạm phát tăng cao khiến giá dầu giảm 5%
- Apple nâng cấp gì cho iPhone 12 giúp người dùng tiết kiệm chi phí
Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/5 cho biết, chi tiêu tiêu dùng đã tăng 0,9% vào tháng tư. Ngược lại, tỉ lệ tiết kiệm giảm xuống còn 4,4%, từ mức 5% của tháng liền trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Thu nhập sau thuế tăng 0,3% trong tháng 4 so với tháng 3 và không đổi sau khi tính đến lạm phát. Điều này cho thấy việc tăng lương đang gặp khó để theo kịp đà tăng giá và người tiêu dùng đang rút tiết kiệm để chi tiêu.
"Cuối cùng chúng ta cũng đến lúc mà các hộ gia đình phải dùng đến khoản tiết kiệm hơn 4.000 tỉ USD của họ", Stephen Stanley, Nhà kinh tế trưởng tại Amherst Pierpont, đánh giá.
TIết kiệm chi tiêu của người Mỹ nhằm ứng phó với tình trạng lạm phát tăng cao hiện nay.
Người tiêu dùng có thu nhập cao có thể đủ khả năng để đáp ứng chi phí gia tăng vì đã tích lũy được nhiều tiền tiết kiệm trong thời gian dài. Tendayi Kapfidze, Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng U.S, cho biết tài sản tiết kiệm của người Mỹ vẫn cao hơn trước đại dịch.
Tuy nhiên, dựa vào tiền tiết kiệm để chi tiêu là không bền vững về lâu dài. Các nhà kinh tế cho biết nhiều hộ gia đình thu nhập thấp có thể đã cạn kiệt tiền tiết kiệm, hoặc sẽ rơi vào tình cảnh đó trong những tháng tới, nhất là khi giá xăng và thực phẩm tiếp tục tăng cao.
"Với lạm phát đặc biệt ảnh hưởng đến thực phẩm và xăng dầu, người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn phải dùng tiền tiết kiệm để có thể chi tiêu tự do", Amy Crews Cutts, Nhà kinh tế và chủ tịch của AC Cutts & Associates, đánh giá.
Số dư nợ thẻ tín dụng và các loại nợ tương tự cũng đã tăng 35,3% vào tháng 3, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 1998, theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
"Nếu bạn phụ thuộc vào thẻ tín dụng để chi tiêu thì không bền vững", Tim Quinlan, Nhà kinh tế cấp cao của Wells Fargo nói. Theo ông, chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng tốt hơn so với dự đoán nhưng có khả năng sẽ chậm lại trong những tháng tới.
Người tiêu dùng Mỹ không có khả năng nhẹ gánh chi tiêu trước tình hình hiện tại. Lạm phát đã hạ nhiệt nhẹ nhưng vẫn ở gần mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Cụ thể, giá tiêu dùng tăng 6,3% trong tháng 4 so với cùng kỳ 2021, thấp hơn mức 6,6% trong tháng 3.
Trong một tuyên bố do Nhà Trắng đưa ra hôm 27/5, Tổng thống Biden gọi lạm phát giảm là "một dấu hiệu của sự tiến bộ, ngay cả khi chúng ta còn nhiều việc phải làm".
Lạm phát chậm lại trong tháng 4 phần lớn là nhờ kết quả của việc giảm giá xăng dầu và các loại năng lượng khác. Giá khí đốt tăng cao trong tháng 2 và tháng 3, sau đó hạ nhiệt phần nào vào tháng 4. Tuy nhiên, chúng đã tăng trở lại những tuần gần đây, điều này có thể đẩy lạm phát tăng trở lại vào tháng 5. Giá lương thực cũng tăng nhanh trong những tháng qua.
Nhiều nhà dự báo tin rằng lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng ba, tư và bắt đầu dần hạ nhiệt. Nhưng sự phục hồi gần đây của giá khí đốt có nguy cơ làm phức tạp thêm tình hình. Và ngay cả khi lạm phát tiếp tục giảm thì nó vẫn còn rất cao so với mục tiêu 2% của Fed.
Theo một khảo sát của Đại học Michigan, lạm phát đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, với chỉ số theo dõi giảm 10,4% trong tháng 5 xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, sự bi quan đó vẫn chưa chuyển thành cắt giảm chi tiêu.
Kathy Bostjancic, nhà phân tích tại Oxford Economics, cho biết ít nhất trong quý II, người tiêu dùng vẫn mở rộng hầu bao của mình. Nhưng điều đó cũng sẽ có giới hạn. "Hiện tại, tất cả chúng ta đều cảm thấy nhu cầu dồn nén và mọi người cần đi du lịch. Nhưng đến năm sau, đó sẽ là câu chuyện khác", bà nói.
Những tháng gần đây, người Mỹ cho tiêu nhiều hơn đến những trải nghiệm như lưu trú khách sạn, xem hòa nhạc và cắt tóc. Cùng với đó, lạm phát cao và những thay đổi trong mô hình chi tiêu đã dẫn đến triển vọng trái chiều cho các nhà bán lẻ.
Các nhà bán lẻ lớn như Target, Walmart báo cáo lợi nhuận yếu hơn còn Best Buy hạ triển vọng kinh doanh. Nhưng các chuỗi bán hàng giảm giá như Dollar General và Dollar Tree đã báo cáo thu nhập cao hơn kỳ vọng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận