Singapore và Pháp thí điểm thành công thanh toán điện tử xuyên biên giới
Hai quốc gia đã thực hiện giao dịch xuyên biên giới bằng đồng tiền điện tử của mỗi nước thông qua nền tảng tiền tệ kỹ thuật số của JPMorgan thiết lập thị trường tự động được bảo mật bằng công nghệ Blockchain cùng với bảo vệ quyền riêng tư dựa trên công nghệ Quorum.
- "Bong bóng" thị trường tiền điện tử Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước nguy cơ có thể vỡ bất kỳ lúc nào
- Amazon tung công nghệ thanh toán bằng lòng bàn tay
- Cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử giảm xuống còn 5,5%/năm
Theo thông báo mới nhất ngày 8/7, Cơ quan tiền tệ Singapore (Ngân hàng trung ương - MAS) và Ngân hàng trung ương Pháp (BdF) thông báo hai bên đã hoàn thành việc thử nghiệm hình thức xử lý giao dịch và thanh toán hàng hóa số lượng lớn xuyên biên giới bằng đồng tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC).
Thử nghiệm được thực hiện với sự trợ giúp từ bộ phận tiền tệ kỹ thuật số của JPMorgan và mô phỏng các giao dịch xuyên biên giới liên quan đến nhiều đồng tiền CBDC (mCBDC) trên một hệ thống mạng chung giữa Singapore và Pháp.
Thí điểm của Singapore và Pháp sẽ tạo tiền đề cho hoạt động thanh toán điện tử xuyên biên giới trên toàn cầu.
Đây là thử nghiệm liên quan đến nhiều đồng tiền CBDC đầu tiên, đã áp dụng khả năng tạo lập thị trường tự động và quản lý thanh khoản để đạt được hiệu quả xử lý và thanh toán xuyên biên giới.
Thông báo chung cho biết thử nghiệm này đã mô phỏng các giao dịch xuyên biên giới và giao dịch giữa các loại tiền tệ sử dụng đồng CBDC SGD (Singapore) và đồng CBDC Euro, và được tiến hành bằng cách sử dụng một blockchain được cấp phép, kích hoạt quyền riêng tư dựa trên công nghệ Quorum.
MAS và BdF cho biết hiện tại các hoạt động thanh toán qua biên giới đang dựa vào những thỏa thuận của các ngân hàng đại lý với mức độ minh bạch về tỷ giá hối đoái còn hạn chế, phạm vi giờ hoạt động bị giới hạn của cơ sở hạ tầng thanh toán và sự chậm trễ thanh toán tiền tệ do chênh lệch múi giờ.
Để giải quyết những thách thức này, thử nghiệm nói trên giữa MAS và BdF đã sử dụng một mạng lưới chung nhiều đồng tiền CBDC, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán xuyên biên giới trên cơ sở thời gian thực mọi ngày trong tuần.
Thử nghiệm cũng cho thấy việc thiết kế một hệ thống mạng lưới chung với nhiều đồng tiền CBDC cho phép MAS và BdF có khả năng nhìn thấy rõ các thanh toán xuyên biên giới, đồng thời vẫn giữ quyền kiểm soát độc lập đối với việc phát hành và phân phối đồng tiền CBDC của riêng từng ngân hàng trung ương.
Theo MAS và BdF, dù thử nghiệm trên mới chỉ giới hạn ở 2 ngân hàng trung ương nhưng thiết kế của mạng lưới nhiều đồng tiền CBDC cho phép mở rộng đối với sự tham gia của nhiều ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại ở các khu vực pháp lý khác nhau.
Điều này mang lại tiềm năng to lớn để đơn giản hóa việc tích hợp và cải thiện đáng kể hiệu quả chi phí cho các hoạt động thanh toán xuyên biên giới trong tương lai.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận