Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam rẽ theo hướng nào sau "phát súng" đầu mang tên FE Credit
Cùng với việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng cá nhân là sức hấp dẫn của thị trường này đối với nhà đầu tư nước ngoài khi mới đây FE Credit được SMBC mua lại 49% giá trị tương đương với 1,4 tỉ USD đã tạo bước ngoặt lớn tạo sự khác biệt đối với khách hàng sử dụng dịch vụ.
- FE Credit từ đóng góp cho VPBank đến đe dọa, đòi nợ khách hàng
- NHNN rà soát quy định về việc thu hồi nợ của FE Credit, phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm
- VPBank gấp rút hoàn thiện việc bán tháo cổ phần FE Credit
Với những triển vọng phục hồi trong năm 2021 và kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực trong 4 tháng đầu năm, tín dụng tiêu dùng theo đó cũng được dự báo hồi phục trở lại.
Đặc biệt, với sự tham gia góp vốn của các đối tác nước ngoài cùng với xu hướng chuyển đổi số trong nội bộ ngành được kỳ vọng sẽ mang lại những dịch vụ tiện ích hơn cho khách hàng.
Kênh hút vốn ngoại mới
Cuối tháng 4/2021, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chính thức bán 49% vốn điều lệ của Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản), với mức định giá 2,8 tỉ USD.
FE Credit dù liên quan đến không ít "bê bối" tín dụng tiêu dùng nhưng vẫn có sức hấp dẫn với dòng vốn ngoại.
SMBC là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, với tổng tài sản trên 2.100 tỉ USD tại thời điểm 31/12/2020. Tập đoàn này hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư với sự hiện diện ở hơn 40 quốc gia.
Tại Việt Nam, SMBC cũng không phải là cái tên quá xa lạ, khi Tập đoàn này chính là cổ đông chiến lược của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trong nhiều năm qua.
Rõ ràng, FE Credit có lợi khi “kết duyên” với SMBC. Phía FE Credit có thể nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, năng lực quản trị điều hành và các kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại các thị trường trưởng thành như Hong Kong (Trung Quốc) , Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia... của SMBC.
Ngược lại, cuộc “nên duyên” với FE Credit sẽ giúp SMBC tiếp cận được thị trường tài chính tiêu dùng đang ở độ chín muồi của Việt Nam. Thương vụ này cho thấy, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn là miếng “bánh ngon” giới đầu tư tài chính nước ngoài.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu như năm 2015, chỉ có một số công ty tài chính hoạt động trong mảng tín dụng tiêu dùng, thì đến cuối năm 2020, Việt Nam đã có 16 công ty tài chính đăng ký hoạt động với tổng số vốn điều lệ khoảng 22.000 tỉ đồng. Nhìn vào các công ty tài chính nổi bật trên thị trường hiện nay, dễ dàng nhận thấy hầu hết đều là sở hữu hoặc có sự tham gia của các cổ đông nước ngoài.
Chẳng hạn, tại Công ty TNHH HD Saison, 49% vốn điều lệ thuộc về Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản); Tập đoàn Shinsei (Nhật Bản) giữ 49% cổ phần Mcredit (MB); Công ty tài chính TNHH Một thành viên Home Credit Việt Nam là công ty 100% vốn thuộc Tập đoàn PPF (Cộng hòa Czech); Công ty tài chính Lotte Finance mua lại 100% cổ phần của Công ty tài chính TNHH Một thành viên Kỹ Thương (Techcom Finance)...
Sự gia tăng nhanh về số lượng công ty chỉ trong vòng 5 năm gần đây cộng thêm sự tham gia của giới đầu tư tài chính nước ngoài cho thấy, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn.
Theo các chuyên gia, với dân số gần 100 triệu người, thu nhập ngày càng tăng, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người dân theo đó cũng không ngừng tăng lên. Mảng tài chính tiêu dùng đang trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho nhiều công ty mẹ. Đó cũng là lý do thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam được nhiều tập đoàn đầu tư tài chính ngoại rót vốn tham gia.
Thực tế, tại FE Credit, từ nhiều năm qua được ví là "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty này đóng góp khoảng 40 - 50% vào lợi nhuận hợp nhất cho ngân hàng mẹ. Bước sang năm 2020, dù tỉ lệ đóng góp giảm xuống còn 28% và bán 49% vốn điều lệ cho SMBC trong 2021, song FE Credit vẫn được lãnh đạo VPBank nhận định đây là mảng kinh doanh quan trọng của ngân hàng trong thời gian tới.
Hay như HD Saison cũng là một phần quan trọng nằm trong hệ sinh thái của Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) trong suốt nhiều năm qua. Theo ước tính, HD Saison sẽ đóng góp từ 15 - 20% vào lợi nhuận hợp nhất trong trung hạn.
Tạo được hấp dẫn từ ứng dụng công nghệ
Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, trong những năm qua, tín dụng tiêu dùng ghi nhận sự tăng trưởng khá tích cực. Nếu bóc tách phần tín dụng cho vay mua nhà, sửa nhà thì tín dụng tiêu dùng đã tăng từ 11-12%/năm trong vòng 5 năm qua, tương đương với mức tăng trưởng tín dụng bình quân của hệ thống ngân hàng.
“Mặc dù dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, song với đà phục hồi của nền kinh tế, đầu tư tiêu dùng được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng gần đây ghi nhận sự thay đổi rõ rệt, nhiều người trẻ thích vay tiền để mua sắm, thay vì chờ đến khi đủ tiền như trước đây. Do đó, nhu cầu tín dụng tiêu dùng khả năng sẽ tăng trưởng cao, có thể tăng khoảng 13-15% trong năm 2021”, Tiến sỹ Cấn Văn Lực nhận định.
Thị trường tài chính cá nhân Việt còn tạo sự hấp dẫn đối với dòng tiền đầu tư nhờ vào ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ.
Việc các đối tác nước ngoài với kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh tham gia thị trường cùng với xu hướng tiêu dùng thay đổi đã buộc các công ty tài chính thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số của mình.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc FE Credit, sau đại dịch COVID-19, không chỉ khách hàng thay đổi hành vi tiêu dùng mà các nhà bán lẻ cũng đang dịch chuyển mô hình kinh doanh tại cửa hàng sang bán hàng trực tuyến. Điều này đòi hỏi các công ty tài chính phải chủ động áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái tài chính để đáp ứng nhu cầu kịp thời và hiệu quả cho khách hàng.
Mặt khác, “Áp lực cạnh tranh đang ngày càng gia tăng với sự xuất hiện mới của các công ty công nghệ tài chính (Fintech), cho vay ngang hàng… Những tổ chức mới này có lợi thế hơn so với ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng truyền thống. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để các công ty tài chính hợp tác, giữ vững và phát triển thị trường”, ông Nguyễn Thành Phúc nói.
Hiện công ty này đang tập trung đầu tư vào nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) và hệ sinh thái toàn diện. Nhờ đó nắm bắt được cơ hội phát triển từ sự thay đổi của thị hiếu người tiêu dùng cũng như thu được lợi nhuận từ việc bán chéo các sản phẩm tài chính khác.
Tại Home Credit Việt Nam, ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng Quản lý kinh doanh và phát triển đối tác cũng cho biết, hiện công ty đã xây dựng quy trình đăng ký vay đơn giản, nhanh gọn trên ứng dụng và công nghệ thanh toán trực tuyến. Đồng thời, ứng dụng công nghệ eKYC – định danh khách hàng điện tử qua nhận diện sinh trắc học để rút ngắn thời gian vay, tăng tính bảo mật và chống gian lận.
Ngoài 2 công ty trên, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cũng đang là xu hướng các công ty tài chính ở Việt Nam thực hiện vừa để đón đầu thị hiếu, vừa cạnh tranh thu hút khách hàng.
Phía các công ty tài chính mong muốn Chính phủ sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Điều này giúp cho tiến trình phát triển tài chính số, thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam được thúc đẩy nhanh và thuận lợi hơn. Đồng thời, chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ nhu cầu tài chính, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, kết hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới.
Từ đó, giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển minh bạch, lành mạnh hơn trong thời gian tới. Chi phí đầu ra của các công ty tài chính theo đó sẽ rẻ hơn và người đi vay cũng sẽ được hưởng lợi; đồng thời giúp người dân tiếp cận với nguồn vay vốn chính thống dễ dàng hơn, góp phần chung tay đẩy lùi tín dụng đen.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận